Thứ nhất: Hãy khảo sát thị trường kỹ lưỡng
Thị trường liên quan đến trẻ em rất rộng và tiềm năng nhưng cũng có vô số đối thủ, sự cạnh tranh giữa các cơ sở kinh doanh... Bởi vậy, khi quyết định tham gia thị trường này, bạn cần khảo sát xem hiện nay thị trường về quần áo trẻ em sôi động đến mức nào, ví dụ: Có những hình thức kinh doanh nào, tỉ lệ giữa các kiểu kinh doanh (cửa hàng/online..), những cửa hàng như thế nào thì có thể phát triển, cửa hàng nào không thu hút được khách...
Bên cạnh đó, nếu bạn có ý định mở cửa hàng ở phố thì cần xem ở những khu vực nào quần áo trẻ em được tiêu thụ nhiều hơn, khu vực nào ít khác, vị trí khách khó tiếp cận cửa hàng... Theo kinh nghiệm của một số người thì mở cửa hàng ở đường 2 chiều sẽ dễ kinh doanh hơn đường 1 chiều.
Thứ hai: Khảo sát nhu cầu và khả năng của các bậc cha mẹ
Vì nguồn cung ứng quần áo rất lớn với sự cạnh tranh mạnh mẽ nên khi bỏ tiền ra mua đồ cho con, cha mẹ thường không bỏ qua việc nghiên cứu nên chọn mua ở đâu. Thậm chí ngay cả khi không có nhu cầu mà thấy một shop có hàng độc, đẹp họ cũng sẵn sàng mua cho con mình. Tuy nhiên, mặc dù nhu cầu có thể không khác nhau là mấy nhưng số tiền mà các bậc cha mẹ sẵn sàng chi cho quần áo của con lại không giống nhau. Những người có điều kiện kinh tế sẽ sẵn sàng mua quần áo hàng hiệu cho con và mua sắm bất cứ khi nào họ thích, những người có kinh tế khá thì có thể chọn những hàng cũng hãng có tên tuổi tương đối phổ biến, còn những gia đình khó khăn hơn một chút thì sẽ chọn hàng bán nhiều ngoài chợ bình dân, thỉnh thoảng mới mua cho con quần áo trong shop...
Vậy nên, hãy lập danh sách thống kê nhu cầu cũng như khả năng mua quần áo của cha mẹ dành cho con, ví dụ: Lứa tuổi nào được bố mẹ đầu tư nhiều quần áo, bố mẹ thường mua hàng như thế nào cho con (quần áo Việt Nam xuất khẩu, Trung Quốc, Thái Lan...), số tiền mà bố mẹ thường bỏ ra để mua sắm quần áo cho con là bao nhiêu, chia phần trăm ra xem có bao nhiêu bố mẹ mua cho con bất cứ cái gì mình thích không quan tâm giá, bao nhiêu bố mẹ hài lòng với mức giá cao hàng đẹp, bao nhiêu % bố mẹ chỉ mua hàng ở mức giá trung bình, vừa phải, bao nhiêu % bố mẹ chỉ mua hàng ở mức giá thấp...
Điều này sẽ giúp bạn định hướng được nhóm khách hàng mà mình muốn hướng tới và đầu tư hàng hợp lý.
Thứ ba: Quyết định mặt hàng kinh doanh dựa trên nguồn vốn có được và hình thức kinh doanh
Sau khi tiến hành khảo sát kĩ lưỡng, bạn sẽ tính đến vấn đề nên bán hàng gì: quần áo trẻ em cao cấp, quần áo trẻ em bình dân, quần áo trẻ em Việt Nam, Thái Lan hay Trung Quốc, Hàn Quốc... với mức gia ra sao.
Việc quyết định mặt hàng kinh doanh sẽ có liên quan đến cả vốn bạn có hoặc có thể huy động. Nếu bạn có số vốn dồi dào không phải suy nghĩ thì có thể quyết ngay mặt hàng định kinh doanh. Trong trường hợp vốn của bạn có hạn, không đủ để kinh doanh loại quần áo như bạn đã quyết thì sẽ có 2 hướng bạn phải chọn:
- Một là: Vay thêm vốn để tiếp tục kinh doanh.
- Hai là: Chuyển xuống kinh doanh loại quần áo đòi hỏi ít vốn hơn mà bạn cũng cảm thấy hứng thú.
Tùy theo hình thức bạn định kinh doanh (mở cửa hàng hay bán hàng online) mà bạn có thể huy động lượng vốn khác nhau.
Thứ tư: Xác định nguồn hàng
Chúng ta sẽ xác định nguồn hàng như thế nào? Dù là mở cửa hàng hay bán hàng online thì bạn cũng cần tìm kiếm thị trường cung cấp, bán sỉ quần áo trẻ con cho bạn.
Hiện nay các shop bán buôn rất nhiều, thật dễ dàng để bạn tìm được nguồn hàng khi tìm trên các trang tìm kiếm (google, cốc cốc...), mạng xã hội, diễn đàn, web rao vặt... trong vài phút. Tuy nhiên, điều bạn cần lưu ý là: Tất cả các nơi bán buôn ai cũng cho rằng mình là nguồn hàng giá tốt, mẫu mã phong phú, chất lượng đảm bảo...
Vậy nên, để yên tâm hơn, tốt nhất bạn nên có thật nhiều mối để lấy hàng và nên ghé thăm mỗi khi họ có hàng mới. Qua sự so sánh về mẫu mã, giá cả, chất lượng, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bán hàng... bạn sẽ có nhiều cơ hội chọn được những mặt hàng phù hợp nhất và có sự phong phú nhất định về hàng hoá mà giá thành lại tốt. Điều này sẽ rất có lợi cho bạn trong công cuộc cạnh tranh khách hàng - những người luôn muốn mua được hàng tốt mà giá lại phải chăng.
Bạn cũng nên dự định trước sẽ lấy những mặt hàng nào để khi đến cửa hàng chỉ cần chọn những thứ đã chuẩn bị trước. Trong khi lấy quần áo bạn nên xem cẩn thận xem có bị lỗi không, hỏi chủ hàng có chính sách đổi, trả hay chiết khấu không...
Thứ năm: Chuẩn bị về nhân lực
Nếu bạn bán hàng online, bạn sẽ cần người đưa hàng giúp mình bởi không phải khách hàng nào cũng vui vẻ qua chỗ bạn xem hàng. Ngay cả khi bạn mở cửa hàng, nếu chiều khách bạn cũng nên có thêm cả dịch vụ đưa hàng đến tận nơi cho khách. Tại sao lại nên có dịch vụ này? Là bởi vì các cửa hàng, những người bán quần áo online khác chắc chắn cũng có và nếu bạn không đáp ứng thì khách sẽ bỏ qua bạn để chọn cửa hàng chăm sóc khách hàng chu đáo hơn.
Nếu bạn mở cửa hàng, khi công việc phát triển hơn, bạn nên nghĩ đến chuyện tìm một nhân viên biết việc, nhanh nhẹn, nhiệt tình để mình có thêm thời gian cho những việc khác. Tuy nhiên đúng là với thời điểm hiện nay, việc tìm nhân viên là vô cùng nan giải nên hãy đầu tư thêm camera ở cửa hàng để yên tâm.
Thứ sáu: Quảng bá sản phẩm, giữ gìn uy tín
Sau khi đã thực hiện được tất cả những điều trên, bạn sẽ cần có kế hoạch quảng bá sản phẩm và giữ uy tín với khách hàng. Bạn có thể giới thiệu cửa hàng hoặc thông báo cho mọi người biết về sản phẩm mình đang bán thông qua những nơi có nhiều người tham gia như: mạng xã hội, diễn đàn... Bên cạnh đó nên có các chiến lược quảng bá sản phẩm, tri ân khách hàng, giảm giá trong một số ngày đặc biệt để thu hút khách nhiều hơn.
(P.N)