Cái giá mà phía Infront Sports & Media (ISM) đưa ra được cho là khoảng 15 triệu USD và VTV đã không chấp nhận vì cho rằng quá cao. Đại diện VTV thậm chí còn khẳng định rằng không mua bản quyền phát sóng World Cup 2018 bằng mọi giá.
|
Thông tin về chuyện bản quyền World Cup 2018 ở Việt Nam vẫn là một bức màn bí ẩn giữa nhiều bên và chưa biết bao giờ nó sẽ được vén lên |
Chưa bao giờ, người hâm mộ Việt Nam lại rơi vào tình trạng phập phồng thấp thỏm như lúc này, và còn nhiều phen mừng hụt trong khoảng 10 ngày trở lại đây. Nhưng cuối cùng, Việt Nam vẫn là quốc gia cuối cùng chưa mua bản quyền truyền hình World Cup.
Giá bản quyền các giải bóng đá quốc tế nói chung và World Cup nói riêng không phải đến kì này mới “cao ngất” mà từ nhiều năm nay đã là như thế. Và điều đó, hơn ai hết các nhà đài đã quá rõ. Nhưng câu hỏi đặt ra là, đã quá rõ sao không có đối sách? Sao không bàn phương cách để giải quyết vấn đề?
Hơn 10 năm trước, kì World Cup 2006, VTV đã từng liên kết với một số đài địa phương – cụ thể là Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) – để cùng mua và chia sẻ quyền phát sóng. Tinh thần hợp tác và sẻ chia về bản quyền những giải bóng đá cần có tính phục vụ cao cho người hâm mộ nước nhà bốn năm một lần như giải World Cup hay Euro là rất cần thiết, thế sao các nhà đài không tính trước việc chung tay góp sức mà vẫn muốn “một mình một chợ” khai thác và kinh doanh?
Thực tế đã chứng minh, càng liên kết chung thì phía nắm bản quyền càng khó thao túng giá, càng khó “chia để trị” đối với từng nhà đài để trục lợi nhiều hơn; thay vì cứ để tình trạng cò kè vừa mất thời gian, và người hâm mộ vừa đối mặt với khả năng nhãn tiền là không xem được World Cup trên kênh truyền hình quảng bá của nước nhà.
Nội tình của các nhà đài với nhau đã quá rõ: Không chịu liên kết, hợp tác với nhau. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng đề cập đến tình trạng “đèn nhà ai nấy sáng” trong một vụ việc chung về phục vụ người dân, thì mới nại ra lí do rằng vì không được đánh tiếng hợp tác hay mời mọc tham gia. Sự thiệt hơn, mục tiêu kinh doanh thương mại, đã được xem là quan trọng hơn so với việc nghĩ về người hâm mộ và phục vụ người dân.
|
World Cup 2014, sau khi mua được bản quyền phát sóng, VTV đã chia sẻ cho các đài truyền hình khác theo hai cách: Tiếp sóng sạch (có trả tiền bản quyền) và trực tiếp trọn gói cả trận đấu lẫn logo của VTV kèm quảng cáo trước, trong, sau trận đấu |
Sẽ có những nhà đài khi bị dư luận phê phán rằng tiền mua bản quyền là từ nguồn thu dịch vụ chứ không phải tiền từ ngân sách. Nếu không có ngân sách từ tiền thuế người dân đóng cho nhà nước, thì liệu nhà đài có được đầu tư, trả lương để hoạt động và phát triển? Và, trong trường hợp hiện nay không ít nhà đài nguồn thu không bù được cho các khoản chi, thì lấy đâu ra kinh phí để bù vào nếu không phải từ ngân sách nhà nước?
Cần biết rằng, các đài truyền hình trả tiền sẽ không mua bản quyền World Cup hay Euro vì giá vừa cao và thời gian khai thác chỉ trong khoảng một tháng không đạt hiệu quả về kinh doanh. Chỉ còn các đài truyền hình quảng bá. Nhưng các nhà đài này lại thiếu liên kết vô hình chung tạo ra điểm yếu cho bên nắm bản quyền “chia để trị” và giữ giá ở mức cao.
Bài học “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” có lẽ đã bị các nhà đài lãng quên vì vậy mới dẫn đến tình trạng như lúc này.
Chấp nhận lỗ
Hôm nay, 7/7, ông Nguyễn Hà Nam - đại diện phát ngôn của VTV cho hay vẫn chưa có thông tin gì mới về việc đàm phán bản quyền WC giữa VTV Và đối tác. Nguyên nhân chính vẫn là việc thoả thuận giá cả với phía đơn vị nắm bản quyền.
Trong khi đó, Đài truyền hình TP.HCM - HTV cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh phí cùng VTV để có được bản quyền phát sóng World Cup 2018 nhằm phục vụ đông đảo khán giả Việt Nam. ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc đài cho hay đã ký văn bản gửi VTV về việc này vào sáng nay.
Vào năm 2006, VTV đã từng kêu gọi HTV tham gia chia sẻ bản quyền truyền hình World Cup. Trong đó, VTV chịu 2/3 chi phí, 1/3 còn lại thuộc về HTV. Tuy nhiên, về sau đó VTV không tiếp tục thực hiện chính sách này nữa.
Cũng theo ông Tùng, việc chia sẻ chi phí này không liên quan đến mức giá mà đối tác bán bản quyền WC tại Việt Nam.
Trước thông tin từ phía HTV cho biết sẵn sàng chia sẻ để có được bản quyền phát sóng World Cup, VTV cho biết trong hợp đồng với nhà phân phối (nếu thành công trong việc thương thảo) sẽ có điều khoản VTV độc quyền toàn bộ gói bản quyền truyền hình tại Việt Nam nhưng có quyền chia sẻ với đối tác khác trong nước nếu đối tác đó có thoả thuận tài chính hợp lý, được VTV chấp thuận.
Nguồn tin từ HTV cho biết chỉ còn 8 ngày nữa thì khai mạc World Cup 2018 sẽ diễn ra, trong khi vẫn chưa chốt được việc mua bản quyền thì hy vọng thu lợi từ quảng cáo là rất mong manh. Tuy nhiên, phía đơn vị này chấp nhận chịu lỗ để phục vụ khán giả. Về vấn đề này, ông Hà Nam, đại diện VTV cũng thừa nhận. Nếu có được bản quyền phát sóng World Cup năm nay thì VTV phải chịu lỗ lên đến 90%, trong khi đó với những mùa trước mức lỗ chỉ khoảng 40, 50%. Trong 20 tháng qua để thương thảo lấy bản quyền đã có lúc VTV phải dừng lại vì quá căng thẳng, đối tác quá cứng rắn.
Thụy Khuê
|
Dạ Thảo