Bản quyền vắc-xin: Sinh mạng vượt trên các bằng sáng chế

08/05/2021 - 06:03

PNO - Hôm 5/5, chính phủ Mỹ đã ủng hộ việc nới lỏng các quy tắc về bằng sáng chế đối với vắc-xin ngừa COVID-19 nhằm tăng khả năng mở rộng nguồn cung toàn cầu, thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia, đẩy nhanh thời gian khống chế và kết thúc đại dịch.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm liều vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca tại một trung tâm tiêm chủng ở Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 5/5 - Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm liều vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca tại một trung tâm tiêm chủng ở Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 5/5 - Ảnh: Reuters

Quyết định được nhiều quốc gia trông đợi

Mặc dù động thái này chỉ mang tính sơ bộ và sẽ không đảm bảo dỡ bỏ ngay các quy tắc cấp bằng sáng chế toàn cầu, nhưng tín hiệu hỗ trợ của chính quyền Tổng thống Biden là bước tiến quan trọng mà các nhóm viện trợ và nhiều quốc gia mong đợi. “Chính quyền rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, chúng tôi ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vắc-xin COVID-19” - Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai viết trong một tuyên bố.

Tổng thống Joe Biden và bà Katherine Tai đã cân nhắc vấn đề này sau những kêu gọi từ các nhóm vận động toàn cầu và những người ủng hộ việc miễn trừ các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bây giờ, các thành viên của WTO phải quyết định xem có nên nới lỏng các hạn chế hay không. 

Bác sĩ phẫu thuật, Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy cho biết, việc chính quyền Biden hỗ trợ đề xuất miễn trừ quyền sáng chế vắc-xin COVID-19 giúp “đưa sinh mạng con người vượt trên các bằng sáng chế, và đó là một tuyên bố giá trị”. Ông Murthy nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong việc giúp dẫn dắt thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu và nói rằng “nếu chúng ta gắn bó, làm việc cùng nhau và hợp tác với các nước trên thế giới, tôi tin rằng chúng ta sẽ xoay chuyển tình thế đại dịch này”.

Các công ty nắm quyền sáng chế không dễ từ bỏ

Sau thông báo của Mỹ, Liên đoàn Các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA, có trụ sở tại Thụy Sĩ) cho biết, việc từ bỏ các bằng sáng chế đối với vắc-xin ngừa COVID-19 là “câu trả lời sai” cho một vấn đề phức tạp và kêu gọi nhiều thỏa thuận chuyển giao công nghệ hơn: “Việc từ bỏ bằng sáng chế 
vắc-xin COVID-19 sẽ không giúp tăng sản lượng cũng như không cung cấp các giải pháp cần thiết để chống lại cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này. Ngược lại, nó có khả năng dẫn đến sự gián đoạn”.

Các công ty dược phẩm phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào nhằm loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ. Họ cho rằng, nếu không có nguồn lực tài chính từ bằng sáng chế, sẽ có rất ít động lực để họ thực hiện nhiệm vụ tốn kém là phát triển và đưa thuốc ra thị trường. Ngoài ra, các công ty khác khó có thể sản xuất vắc-xin và thuốc một cách nhanh chóng ngay cả khi không vấp phải rào cản bảo vệ bằng sáng chế, bởi vấn đề chuỗi cung ứng và bí quyết công nghệ rộng hơn không bao gồm trong bằng sáng chế.

Tương tự, các cố vấn y tế của chính quyền Mỹ cũng hạ thấp tác động của việc nới lỏng các quy tắc về bằng sáng chế đối với việc cung cấp vắc-xin cho phần còn lại của thế giới, vốn phụ thuộc nguồn nguyên liệu và công nghệ chuyên biệt cần thiết để tạo ra sản phẩm.

Tiến sĩ Fauci - cố vấn y tế chính của Tổng thống Joe Biden - nói, ông không tin tưởng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin ngừa COVID-19 vì nó có thể không phải là “cách nhanh nhất và hiệu quả nhất” để đẩy mạnh tiêm phòng. Dù ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy nguồn cung vắc-xin, ông vẫn cho rằng, việc nới lỏng quy định về cấp bằng sáng chế có khả năng phản tác dụng và biến thành một cuộc chiến pháp lý kéo dài, “rắc rối, tốn thời gian và công sức luật sư về việc miễn trừ”.

Lisa Larrimore Ouellette - giáo sư luật tại Đại học Stanford - nhận định: “Việc từ bỏ bằng sáng chế vắc-xin có thể giúp tăng nguồn cung dài hạn, nhưng chỉ khi nó đi kèm với các chính sách khác. Rào cản quan trọng đối với việc mở rộng sản xuất vắc-xin không phải là bằng sáng chế. Ví dụ, Moderna đã tự nguyện từ bỏ bằng sáng chế của mình vào tháng 10/2020 nhưng các nhà sản xuất khác vẫn không thể sử dụng công nghệ của Moderna nếu không có sự hợp tác tích cực từ Moderna”.

Trên thực tế, các nhà sản xuất vắc-xin đã đưa ra các giải pháp thay thế việc từ bỏ quyền sáng chế như chuyển giao công nghệ và giấy phép (chẳng hạn như Viện Huyết thanh của Ấn Độ, sản xuất vắc-xin Covishield theo giấy phép của AstraZeneca) để thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Mặt khác, theo số liệu mới công bố, việc sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 đã tạo ra doanh thu 3,5 tỷ USD cho Pfizer và 275 triệu USD cho AstraZeneca trong ba tháng đầu năm 2021. Riêng hãng Moderna dự kiến đạt doanh thu 18,4 tỷ USD từ vắc-xin trong năm nay. Thu nhập từ bản quyền vắc-xin là quá lớn khiến các công ty khó lòng từ bỏ khoản lợi này. 

Ngọc Hạ (theo CNN, Forbes, Al Jazeera, Reuters) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI