|
Cư dân một chung cư ở TPHCM giăng băng-rôn phản đối ban quản trị |
Ban quản trị chung cư lạm quyền?
Những hình ảnh cư dân treo băng rôn phản đối Ban quản trị ngày càng nhiều, chủ yếu do bất bình từ việc không công khai tài chính, không thực hiện đúng cam kết và không minh bạch trong các hoạt động thu chi…
Chia sẻ tại hội thảo, anh Nguyễn Tấn Bảo (cư dân chung cư Masteri Thảo Điền, TP Thủ Đức) phản ánh, Ban quản trị chung cư Masteri Thảo Điền có nhiều sai phạm về quy chế hoạt động, quy chế thu chi tài chính được quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD như: không công bố báo cáo thu chi tài chính hàng tháng; không tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên trong 2 năm qua; sử dụng quỹ quản lý vận hành do cư dân đóng góp sai mục đích. Thậm chí, Ban quản trị còn tự ý ra quy định ngang ngược rằng những trao đổi, hoạt động giữa Ban quản trị và Ban quản lý là những thông tin mật, không được phép công khai, thảo luận.
|
Cư dân dự án Masteri Thảo Điền trình bày những bức xúc về Ban quản trị tại hội thảo |
“Những sai phạm rõ như ban ngày nhưng gần 1 năm qua, cư dân đã phản ánh đến rất nhiều nơi vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Gần đây nhất, tháng 12/2020, cư dân đã gửi đơn tố cáo đến Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM đề nghị kiểm tra, xử lý nhưng đến nay vẫn không nhận được phản hồi của Sở” - anh Bảo nói.
|
Bà Nguyễn Thị Châm năm nay đã 77 tuổi phải ôm đơn đi khắp nơi vì mua nhà nhưng Ban quản trị không cho vào |
Tại chung cư The Central Garden (328 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1), cư dân cũng cho biết, vô cùng bức xúc trước những mâu thuẫn dai dẳng gần 10 năm qua ở đây.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc Oanh (cư dân dự án The Central Garden), từ ngày thành lập ban quản trị (30/8/2018), chưa bao giờ ban quản trị tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên theo đúng quy định và đối thoại với cư dân. Người dân nhiều lần gửi văn bản đến phường Cô Giang phản ánh nhưng vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.
|
Bà Châm bật khóc khi nói về nỗi uất ức mua nhà nhưng không được ở |
Lạ hơn, trường hợp của bà Nguyễn Thị Châm (cư dân chung cư Phú Hoàng Anh), có 3 căn hộ tại dự án này, đã được Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cấp sổ hồng, nhưng 4 năm qua chưa một lần được bước vào nhà vì Ban quản trị không mở cửa cho bà vào nhận nhà. “4 năm qua, tôi ôm đơn đi gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan, từ Ban quản trị tòa nhà, đến UBND xã, huyện Nhà Bè, thanh tra Sở Xây dựng, Ban giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường. Tất cả các cơ quan đều có văn bản xác nhận căn hộ của tôi là hợp pháp, nhưng 2 nhiệm kỳ Ban quản trị đều không ai mở cửa cho tôi vào” – bà Châm nghẹn ngào.
Quy định pháp luật có cũng như không
Theo ông Bảo, quá bức xúc, các cư dân muốn bãi bỏ Ban quan trị để bầu lại nhưng cũng không được vì luật quy định muốn bãi nhiệm Ban quản trị phải có đủ 50% chủ sở hữu căn hộ gửi đơn đề nghị tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường. “Nhưng ở chung cư Masteri Thảo Điền, quy định này là bất khả thi do phần lớn chủ sở hữu tại đây là đầu tư và cho thuê, họ không quan tâm đến chuyện quản lý chung cư” – ông Bảo nói thêm.
Còn theo cư dân dự án The Central Garden, khi cư dân liên tục yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư, Ban quản trị đã soạn dự thảo thay thế quy chế cũ đưa ra nhiều quy định hạn chế quyền cư dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó phòng Quản lý nhà và Công sở (Sở Xây dựng TPHCM) cho rằng, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà ở đã quy định chính quyền kiểm tra, có vi phạm phải xử phạt, nếu vượt cấp xử lý thì đề nghị cấp trên xử phạt. Địa phương có thể không xử phạt nhưng phải đề xuất lên cấp trên, còn không là chưa làm hết trách nhiệm của mình.
|
Đại diện Sở Xây dựng TPHCM lắng nghe và ghi nhận các ý kiến của các cư dân |
Luật sư Hoàng Thu từ Công ty Luật Hoàng Thu chia sẻ, những tranh chấp giữa ban quản trị chung cư và người dân xoay quanh 3 vấn đề chính, gồm 2% phí bảo trì, phí quản lý và chi tiêu, sở hữu chung - riêng. Dù các tranh chấp này rất bức xúc, nhưng để đưa ra kiện tụng thì không dễ. "Ai là người tham gia đưa hồ sơ, vụ việc lên toà? Người này có thể sắp xếp thời gian, công việc và lấy kinh phí từ đâu để thực hiện? Như trường hợp số tiền lên đến hơn 40 tỷ đồng thì kinh phí mà người đi kiện phải lo khá cao. Trường hợp dân không đi kiện được mà thuê công ty luật thì nguồn kinh phí từ đâu?...", luật sư Thu nói.
Cũng theo ông, các quy định luật pháp xuyên suốt các vấn đề đều đã có, nhưng thiếu vai trò, lương tâm của người thực hiện.
Những phản ánh trên của cư dân đang được các cơ quan chức năng xác minh làm rõ, nhưng rõ ràng những quy định của pháp luật trong việc quản lý, vận hành chung cư hiện nay còn nhiều kẽ hở, cần cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp kiện toàn mới mong chấm dứt tình trạng bất ổn ở các chung cư hiện nay.
Bích Trần