Cho rằng việc thu hộ tiền điện gây lỗ trung bình 8 triệu đồng/tháng, Ban Quản lý chợ Xóm Chiếu (Q.4, TP.HCM) đã hiệp thương tăng giá điện. Hiện đã có nhiều người ký hợp đồng chấp nhận tăng giá điện nhưng theo tiểu thương, họ phải ký vì bị ban quản lý “giở trò” cắt điện để ép.
Một bảo vệ leo lên sạp hàng đòi cắt điện nếu tiểu thương không chấp nhận ký hợp đồng với giá điện mới. Dù là hợp đồng thu hộ - chi hộ nhưng có điều khoản ghi “hai bên thỏa thuận mua bán điện”
Hiệp thương hay ép buộc?
Mở đầu câu chuyện với phóng viên, chị D. - tiểu thương chợ Xóm Chiếu - mở ra hai bài báo, trong đó một bài phản ánh việc Ban Quản lý (BQL) chợ Xóm Chiếu tùy tiện tăng giá điện ở mức cao, được đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM cách đây 7 năm; một bài viết mới đây có nội dung: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chính quyền các nơi quan tâm, xử lý vấn đề giá điện ở các cơ sở cho thuê phòng trọ, không để các chủ nhà trọ thu giá điện sai quy định. “Vấn đề tăng giá điện đã được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo nhưng ở chợ chúng tôi, BQL đang tìm mọi cách ép người dân đóng tiền điện giá cao một cách vô lý, chúng tôi bị ép mà không biết kêu ai” - chị D. bức xúc.
Việc tăng giá điện khởi nguồn từ ngày 9/9 khi các tiểu thương chợ Xóm Chiếu nhận được một “phiếu hiệp thương” lấy ý kiến về việc tăng giá điện từ 3.100 đồng/kWh lên 3.669 đồng/kWh. Lúc này, rất nhiều tiểu thương không đồng ý vì giá điện hiện nay không tăng và mức 3.100 đồng/kWh là tương đối phù hợp. Ngày 16/9, BQL chợ Xóm Chiếu tiếp tục phát phiếu mời các tiểu thương lên lấy ý kiến về việc tăng giá điện. Lúc này, có một số người đồng ý. Lý giải về điều này, bà L. - tiểu thương chợ Xóm Chiếu - cho hay: “Họ cho mời riêng nên có một số người ký phiếu đồng ý. Ký tên, nhưng thật tâm chẳng ai chấp nhận chuyện tăng tiền điện vô lý như vậy”.
Ngày 18/9, BQL chợ Xóm Chiếu lại tổ chức một cuộc họp và thông tin sẽ cắt điện đối với những người không đồng ý tăng giá điện. Theo tiểu thương, sợ bị cắt điện ảnh hưởng đến việc mua bán nên một số người đành phải ký vào tờ hợp đồng do BQL chợ soạn sẵn. Đỉnh điểm, ngày 2/10, một nhóm bảo vệ và thợ điện của chợ Xóm Chiếu cầm thang và kềm đến dọa cắt điện những hộ chưa ký hợp đồng, dù những hộ này không nợ tiền điện; nếu hộ nào đồng ý ký tên, sẽ không bị cắt điện. Những người không đồng ý sẽ bị cắt điện và phát một tờ giấy “niêm phong thiết bị đóng cắt điện” với lý do “chưa ký hợp đồng sử dụng dịch vụ thu hộ - chi hộ tiền điện”. Chị D. phẫn nộ: “Họ làm vậy là buộc chúng tôi phải ký hợp đồng chấp nhận đóng tiền điện cao. Cho rằng hành vi này là lạm quyền, một số hộ không đồng ý nên đã bị cắt điện trong ngày 2/10”.
Giấy “niêm phong thiết bị đóng cắt điện”
Theo các tiểu thương, việc “hiệp thương” tăng giá điện thực chất là ép buộc, bởi lẽ BQL chợ Xóm Chiếu phát phiếu hiệp thương ngày 9/9 nhưng bản hợp đồng “cung cấp dịch vụ thu hộ - chi hộ tiền điện của thương nhân kinh doanh tại chợ Xóm Chiếu Q.4” đã được soạn vào ngày 6/9 và nếu đặt bút ký, hợp đồng này sẽ có hiệu lực từ ngày 5/9. “Hợp đồng họ soạn sẵn trước ngày phát phiếu hiệp thương, sau đó họ làm mọi cách để chúng tôi ký chứ có hiệp thương gì đâu. Tăng giá điện đến gần 500 đồng/kWh, tiền đó được dùng ra sao, chẳng ai được biết” - nữ tiểu thương tên L. cho hay.
Khi chúng tôi đến gặp một tiểu thương đã ký vào hợp đồng chấp nhận tăng giá điện, chị này cho hay: “Họ nắm đằng cán, tức là có quyền cắt điện, mình không chấp nhận thì họ cắt điện là mình buôn bán không được. Không còn cách nào khác, phải ký rồi kêu cứu sau”.
Gần nửa tỷ đồng tiền điện thu dư “biến mất”
Dù là bản hợp đồng “cung cấp dịch vụ thu hộ - chi hộ tiền điện”, nhưng trong đó lại thể hiện “hai bên thỏa thuận mua bán điện...”. Vấn đề đặt ra là BQL chợ Xóm Chiếu có được bán điện hay không? Phải chăng việc “cài” thỏa thuận mua bán điện là để “hợp thức hóa” chủ ý tăng giá điện của BQL chợ Xóm Chiếu?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2011, BQL chợ Xóm Chiếu đã từng “đẩy” giá điện từ 3.100 đồng/kWh lên 3.600 đồng/kWh và vấp phải sự phản ứng dữ dội của tiểu thương. Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM có bài phản ánh về vấn đề này, đến tháng 4/2012, BQL chợ Xóm Chiếu mới chịu đưa giá điện về mức ban đầu.
Với việc nâng giá điện, đến ngày 31/12/2011, tổng thu tiền điện còn tồn dư gần 468 triệu đồng. Tiền dư từ tháng 12/2011 đến tháng 4/2012 là bao nhiêu thì đến tháng 7/2012 vẫn chưa được hạch toán.
Cần rạch ròi điện riêng, điện chung
Tiểu thương cho rằng, việc BQL chợ Xóm Chiếu chỉ thu hộ - chi hộ tiền điện nên lẽ ra, họ chỉ nên thu tổng số điện mà tiểu thương dùng hằng tháng theo đúng quy định. Còn về tiền điện công cộng, hao hụt điện, tiền nhân viên thu hộ - chi hộ, nên kê khai rạch ròi, sau đó thu thành một khoản riêng chứ không nên cộng dồn số tiền này rồi “đôn” giá điện lên một cách thiếu minh bạch.
Số tiền dư gần nửa tỷ đồng vào thời điểm đó không được trả lại cho tiểu thương mà được UBND Q.4 thông tin “dự kiến được sử dụng vào chi phí kéo đường dây điện từ nơi đặt đồng hồ đến từng sạp trong chợ Xóm Chiếu. Nếu việc này được thực hiện thì tiểu thương sẽ trực tiếp trả tiền cho ngành điện lực, không còn phải thu hộ - chi hộ”. Thế nhưng, mới đây, các tiểu thương tá hỏa khi được BQL chợ Xóm Chiếu cho biết, số tiền thu dư gần 468 triệu đồng trên đã được BQL chi bù vào giá điện tăng từ năm 2012 đến ngày 31/12/2017 và đã chi hết.
Tiểu thương cho rằng, việc sử dụng số tiền trên là không minh bạch và sai mục đích, vì số tiền này ban đầu được dự định chi vào việc kéo đường dây điện đến từng sạp trong chợ Xóm Chiếu. Ngoài ra, trong cuộc họp giữa tiểu thương, BQL chợ Xóm Chiếu và lãnh đạo UBND Q.4, khi được hỏi về việc BQL chợ Xóm Chiếu chi số tiền này có xin ý kiến của UBND Q.4 hay không, đại diện BQL chợ đã không trả lời được.
Quyền trưởng ban quản lý chợ: “Chỉ 4 hộ chưa đồng thuận”
Để làm rõ phản ánh của tiểu thương chợ Xóm Chiếu, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Anh Phát - Quyền trưởng BQL chợ Xóm Chiếu.
Phóng viên: Xin ông cho biết thực hư việc tiểu thương phản ánh bị ép tăng giá điện?
Ông Ngô Anh Phát: Việc hiệp thương tăng giá điện ở đây được làm rất bài bản, đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở giá điện của Sở Công thương ban hành, việc tăng giá điện kể từ ngày 1/12/2017 dẫn đến tình hình thu hộ - chi hộ gặp khó khăn. Nhà nước tăng giá điện nên BQL chợ phải tăng, vì mình thu hộ - chi hộ cho điện lực. Trong 5 tháng đầu năm 2018, mỗi tháng, bình quân mình lỗ 8 triệu đồng. Tức là, làm giùm mà bị lỗ. Chính vì vậy, BQL chợ Xóm Chiếu mới xin ý kiến Thường trực UBND Q.4 và các phòng, ban chuyên môn để thẩm định giá điện, tiến hành lấy ý kiến hiệp thương với thương nhân để tăng hơn 500 đồng/kWh. Giá cũ từ năm 2012 là 3.100 đồng/kWh, vừa rồi mới tăng lên 3.669 đồng/kWh. Khi hiệp thương lấy ý kiến thì qua giải thích, trao đổi nhiều lần, hầu hết các thương nhân đồng thuận.
* Tiểu thương nói nhiều người đồng thuận là do bị ép, không ký hợp đồng thì bị BQL cắt điện, điều này có đúng không?
- Cái đó là họ nói thôi. Ở đây, nên nhớ rằng, chỗ này mình làm dịch vụ thu hộ - chi hộ. Trong hội nghị ngày 18/9, chúng tôi cũng thông báo rộng rãi, bà con thương nhân đồng ý. Chỉ còn 4 hộ là chưa đồng thuận. Thương nhân trong chợ cũng tạo sức ép dữ lắm. Họ nói nếu 4 hộ không đồng thuận mà BQL chợ vẫn cung cấp điện, vẫn tính giá cũ thì họ cũng không đồng thuận luôn. Họ tạo sức ép ngược lại. Trước đó, BQL chợ có thông báo là trước ngày 1/10, nếu bà con có nhu cầu sử dụng điện thì phải ký hợp đồng; nếu không ký hợp đồng, không đồng ý với giá đó thì đề nghị bà con liên hệ với đơn vị chức năng nào cung cấp giá rẻ hơn.
Điện lực đã từng khảo sát lắp điện kế cho tiểu thương
Theo Công ty Điện lực Tân Thuận, trước đây, đơn vị này đã phối hợp với Công ty Tradincorp khảo sát, lập khái toán cải tạo hệ thống điện nội bộ của chợ Xóm Chiếu. Công ty Tradincorp đã làm việc trực tiếp với BQL chợ Xóm Chiếu để thực hiện việc cải tạo hệ thống điện sau đồng hồ điện. Công ty Điện lực Tân Thuận chỉ thực hiện việc lắp đặt các điện kế của tiểu thương tập trung tại các vị trí của BQL chợ. Nhưng, từ đó đến nay, chưa có phản hồi nào của BQL chợ Xóm Chiếu để triển khai thực hiện (có thể do kinh phí lớn, BQL chưa có nguồn thực hiện).
Các tiểu thương cho biết, nếu trước đây, BQL sử dụng số tiền thu còn thừa vào năm 2011 đúng dự định thì đến nay, Công ty Điện lực Tân Thuận đã lắp được điện kế và tiểu thương sẽ trực tiếp đóng tiền cho điện lực chứ không phải thu hộ - chi hộ.
* BQL chợ thu hộ - chi hộ theo giá nhà nước, sao lại thu đến hơn 3.600 đồng/kWh?
- Ở đây là thương nhân kinh doanh nên điện lực áp dụng giá kinh doanh. Trong đó, còn có giá điện giờ cao điểm, thấp điểm và thời gian bình thường. Ở chợ, chủ yếu có thời gian cao điểm và thời gian bình thường. Hôm trước, điện lực cũng đã tính điện bình quân của chợ là trên dưới 3.100 đồng/kWh rồi. Trong khi đó, BQL chợ phải trả tiền điện công cộng, tiền hao phí đường dây truyền tải, tiền công nhân viên thu hộ - chi hộ nữa, nó mới ra hơn 3.600 đồng/kWh.
* Trong hợp đồng có nội dung “bán điện”, điều này có đúng quy định không, thưa ông?
- Trong hợp đồng ghi là “dịch vụ thu hộ - chi hộ” rõ ràng. Nhưng, bên mình gần như là bên cung cấp điện, bên kia là bên sử dụng điện. Phía điện lực không biết tiểu thương là ai hết, chỉ ký hợp đồng trực tiếp với BQL chợ rồi BQL chợ cung cấp ngược lại cho bên thương nhân. Trong hợp đồng thể hiện rõ ràng nghĩa vụ của bên A, bên B hết rồi.
* Trong một văn bản của UBND Q.4 có thể hiện: từ tháng 4/2011 đến tháng 12/2011, BQL chợ đã thu dư gần 500 triệu đồng và từ tháng 12/2011 đến tháng 4/2012, số tiền thu dư chưa được công bố. BQL chợ đã làm gì với số tiền dư này?
- Văn bản nào của UBND Q.4? Từ tháng 1/2012 đến nay, điện tăng giá lần này là 7 lần. Cứ mỗi lần tăng giá điện, BQL chợ không tăng giá, tiền dư lấy vô tiền tăng giá điện. Cái này là chuyện trước đây của BQL chợ. Theo tôi được biết là đã công khai rõ ràng, thu chi ra sao rõ ràng hết. Chẳng qua, một số vị cố tình hành hạ BQL chợ chứ người ta làm tới đâu là có tài chính họ thẩm định hết. Cái này là chợ của Nhà nước mà.
* Nhưng tiểu thương muốn công khai chính xác số tiền thu dư gần nửa tỷ đồng đã dùng vào việc gì?
- Cái đó tôi không biết, tôi chỉ biết là có một quyết định của UBND Q.4 ban hành giá điện áp dụng từ đầu năm 2012. Còn chuyện trước đó tôi không nói, không đả động. Tôi chỉ biết tiền điện thu hộ - chi hộ thì sử dụng vào việc thu hộ - chi hộ. Tiền dư gần 500 triệu đồng đó liên quan tới điện, nên sử dụng vào việc thu hộ - chi hộ điện.
* Khi mang khoản tiền thu dư ra sử dụng, BQL chợ có xin chủ trương của UBND Q.4 không?
- Tiền này từ thu hộ, chi hộ và việc thu hộ, chi hộ là hoàn toàn đúng mục đích; khi sử dụng, chắc chắn là có xin chủ trương của UBND quận. Đến bây giờ, qua nhiều thời kỳ phó chủ tịch, BQL chợ trước kia cũng đã thuyên chuyển, còn tôi mới về thôi.
* Khi đó, khoản tiền thu dư được UBND Q.4 thông tin với tiểu thương là để sử dụng vào chi phí kéo đường dây điện từ nơi đặt đồng hồ đến từng sạp trong chợ Xóm Chiếu. Vậy sao không dùng vào việc này mà dùng vào việc khác?
- Cái đó nói thu dư cũng không đúng, mà là chuyện của tài chính, thời điểm đó tôi chưa về nên không rành. Chuyện người ta nói vậy chứ thực tế như thế nào, làm sao tôi biết. Khi tôi về tiếp nhận ghế này, tôi thấy sổ sách chứng từ đầy đủ, minh bạch, rõ ràng, công khai nên thương nhân mới đồng thuận.