Ban quản lý ATTP TP.HCM: Chưa phát hiện mẫu thịt nào nhiễm dịch tả heo châu Phi

10/05/2019 - 07:30

PNO - Hôm nay, đại diện Ban quản lý ATTP TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan xác nhận có nguy cơ dịch tả tràn vào TP.HCM. Đồng thời, bà cũng trấn an người dân, không nên tẩy chay thịt heo.

-Trước đợt dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại các tỉnh thành lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Phước, là đại diện Ban quản lý ATTP TP.HCM, bà đánh giá như thế nào về nguy cơ dịch vào TP.HCM?

- Trước tình hình mới nhất, 2 huyện của Đồng Nai là Trảng Bom và Nhơn Trạch, gần đây nữa là tỉnh Bình Phước xuất hiện dịch nên nguy cơ dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại TP.HCM lớn hơn so với bình thường.

Thành phố đã chuẩn bị kế hoạch chống dịch tả heo châu Phi với 3 tình huống. Chúng ta đang ở tình huồng thứ 2, tức là những tỉnh lân cận đã có dịch. Đứng về góc độ chịu trách nhiệm chính thì vẫn là Chi cục Thú y TP.HCM (thuộc sở NN&PTNN) với những chốt, chặn không cho heo dịch vào thành phố, cũng như là cải thiện điều kiện chăn nuôi heo, đặc biệt là đối với những hộ chăn nuôi bằng thức ăn thừa, nên hạn chế và thay vào đó cho ăn cám, nếu như vẫn nuôi bằng thức ăn thừa thì phải nấu chín kỹ để diệt virus.

Ban quan ly ATTP TP.HCM: Chua phat hien mau thit nao nhiem dich ta heo chau Phi
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý ATTP TP.HCM. Ảnh: Quốc Thái

-Ban quản lý ATTP TP.HCM sẽ làm gì để ngăn chặn thịt heo dịch bệnh vào thành phố?

-Riêng đối với ban quản lý ATTP TP.HCM chúng tôi tăng cường, thứ nhất là bổ sung lực lượng cho Chi cục Thú y, cùng nhau trực chốt chặn; thứ hai, tăng cường chốt chặn ở các chợ đầu mối để bảo đảm cho thịt đưa vào thành phố tiêu thụ phải thông qua kiểm dịch: trên giấy tờ và cảm quan, nhìn xem thịt heo có bị nhiễm bệnh hay không (nhiều bệnh khác ngoài dịch tả heo châu Phi). 

Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra ở các chợ truyền thống, điểm bán thịt heo, bằng việc lấy mẫu kiểm nghiệm và tôi khẳng định rằng cho tới giờ phút này chưa phát hiện một mẫu thịt heo nào của TP.HCM nhiễm dịch tả heo châu Phi.

-Dịch tả tiến sát TP.HCM, không tránh khỏi việc người tiêu dùng hoang mang về chất lượng thịt, vậy đứng trên phương diện quản lý bà có thể cho biết người tiêu dùng biết cần làm gì để đảm bảo chọn đúng thịt heo?

-Thông qua truyền thông, chúng tôi kêu gọi người dân đừng tẩy chay thịt heo. Bởi vì, dịch tả heo châu Phi không gây hại cho người, nhưng gây hại cho người chăn nuôi, làm chết đàn heo, khó gầy đàn. Điều này khiến nền kinh tế thiệt hại. Nếu mọi người tẩy chay thịt heo thì vô hình trung người nuôi heo bệnh, heo lành đều “chết” hết, vì giá thịt heo xuống từng ngày, sẽ rất khổ cho dân chăn nuôi.

Ban quan ly ATTP TP.HCM: Chua phat hien mau thit nao nhiem dich ta heo chau Phi
Thịt heo về chợ đầu mối Hốc Môn phải qua khâu kiểm tra bằng mã code trước khi nhập chợ. Ảnh: Quốc Thái

Cũng như thông qua đợt dịch tả này, người dân phải có ý thức hơn trong việc lựa chọn thực phẩm, hãy chọn thực phẩm sạch từ cơ sở có uy tín, hợp pháp. Ví dụ, mua tại sạp trong chợ hoặc cửa hàng có phép; không mua trôi nổi, hàng rong. Vì dù chúng ta kiểm soát giết mổ rất chặt đối với những lò hiện đại cũng như bán thủ công nhưng rải rác vẫn có những lò giết mổ lậu một vài con heo, họ cũng đi theo con đường lậu để bán trôi nổi cho nên chúng ta hết sức cảnh giác để không những phòng chống được dịch tả, mà còn nhiều bệnh khác nữa.

Ngoài ra, một điều quan trọng nữa khi chế biến thịt thì cần phải nấu chín kỹ, không nên ăn các món chế biến sống như gỏi, nem vì nguy cơ nhiễm rất lớn. Đặc biệt, thời tiết tháng 4, tháng 5 cực kỳ nóng, thực phẩm dễ hư hỏng nên có rất nhiều mầm bệnh chứ không riêng gì bệnh tả heo châu Phi.

Quốc Thái (Thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI