Thời hoàng kim và những thăng trầm
Thị trường nhạc Việt - ở bề nổi - những năm gần đây hầu như vắng bóng ban nhạc, chỉ còn lại những ca sĩ, dù cách đây nhiều năm, nhạc Việt từng được phủ sóng bởi những màu sắc tập thể.
Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 trở đi được xem là thời kỳ hoàng kim của những ban nhạc tại Việt Nam với những cái tên đình đám như: Ba Con Mèo, Da Vàng, Đen Trắng, Anh Em, Bức Tường, 5 Dòng Kẻ… hay bước sang đầu năm 2001 có Microwave. Họ hát, chơi nhạc cụ và có thể có khả năng sáng tác.
|
Ba thành viên của ban nhạc Ba Con Mèo tái ngộ trên sân khấu liveshow của Phương Uyên hồi năm 2015. |
Tuy nhiên, một thời gian khá dài thị trường âm nhạc dần thiếu vắng các ban nhạc. Nguyên nhân đầu tiên là sân chơi không còn, khiến hoạt động của các ban nhạc trở nên trầm lắng.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ tác động không nhỏ đến thị trường âm nhạc nói chung, các ban nhạc cũng không tránh khỏi. Khán giả dần quen với việc nghe, xem miễn phí và ca sĩ đơn hay ban nhạc đều khó bán được sản phẩm. Trong khi đó, để vận hành một ban nhạc nhiều thành viên thì kinh phí đầu tư đội lên gấp nhiều lần so với một nghệ sĩ độc lập.
|
Ban nhạc Bức Tường từng là ký ức đẹp của thế hệ 8X, 9X về các ban nhạc. |
“Chi trả cho chương trình ca nhạc bây giờ là các thương hiệu muốn quảng cáo. Họ quyết định ai xuất hiện trong các chương trình này nên cũng khá khó cho các ban nhạc”, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong chia sẻ.
Các show sự kiện cũng khá e dè với ban nhạc vì kinh phí và phải chuẩn bị sân khấu đủ lớn, hệ thống thiết bị âm thanh phải đầu tư nhiều hơn để âm nhạc được live hay nhất. Vì thế, ban nhạc gặp ít nhiều khó khăn trong thế cạnh tranh so với ca sĩ độc lập.
Nhạc sĩ Phương Uyên chia sẻ: “Ca sĩ đến hát chỉ cần bật nhạc nền rồi hát, còn ban nhạc thì phải thử âm thanh rất lâu. Ngày trước, Ba Con Mèo đi hát cũng chơi nhạc, sau đó phải vứt đàn đi, chỉ hát thôi vì mỗi lần thử âm thanh hết cả tiếng đồng hồ. Dù mình có nổi tiếng thế nào cũng không ai chờ đợi cả tiếng được”.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong. |
Nếu ca sĩ đơn dễ bề uốn mình để hoạt động theo nhiều phương thức khác nhau thì ban nhạc lại chịu sự chi phối của tinh thần tập thể. Đây là khó khăn hàng đầu để các ban nhạc tồn tại bởi mỗi cá nhân đều có cá tính, suy nghĩ khác biệt, đôi lúc khó dung hoà.
Việc thay thế, loại bỏ thành viên cũng vì thế trở thành chuyện thường tình ở các ban nhạc. Trong khi đó để có sự ổn định và nền tảng phát triển dài lâu, ban nhạc phải chơi với nhau ít nhất vài năm. “Một ban nhạc 6-7 thành viên mà chỉ cần 2 người chán nản hoặc có ý bỏ cuộc thì khả năng thất bại sẽ rất lớn”, ca sĩ Mỹ Linh nhận định.
Bước qua thời kỳ khá im ắng, vài năm trở lại đây hoạt động của các ban nhạc cũng dần sôi động trở lại. Bên cạnh những ban vẫn còn hoạt động như: 5 dòng kẻ, Microwave, Da LAB... thì vài năm gần đây đã có nhiều nhóm mới thành lập và tạo được tiếng vang như: Hạc San, Cá Hồi Hoang, Ngọt.
|
Ngọt, một trong những ban nhạc đang được khán giả trẻ yêu thích |
Nhờ một số sân chơi như Ban nhạc Việt, The Band hay trước đó có X-Factor đã kích thích nhiều ban nhạc mới được thành lập hoặc tạo điều kiện để các ban đang hoạt động thầm lặng được chú ý hơn như: Dolphin, An Nam, Yellow Star Big Band, Jazz Glory, X-Key…
“Việc các ban nhạc được thành lập, xuất hiện trở lại tại các sân chơi là tín hiệu đáng mừng. Còn chuyện có tồn tại hay đi đường dài hay không phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa”, nhạc sĩ Đức Trí nói.
Vẫn còn đất sống nhưng đường dài rất khó
Hầu như các ban nhạc có xu hướng không đi theo dòng chính thống mà hoạt động theo dòng độc lập. Vì thế họ không làm truyền thông, không có quản lý, cũng không có những hoạt động PR rầm rộ như ca sĩ solo. Tuy nhiên, không vì thế mà chất lượng âm nhạc bị ảnh hưởng. Nhiều ban nhạc hiện nay được các nhạc sĩ đánh giá có năng lực tốt, nhạy bén với dòng chảy.
Nhạc sĩ Đức Trí cho biết: “Các ban nhạc hiện nay chơi vì đam mê nhiều hơn là vì nổi tiếng hay để tìm kiếm tiền bạc. Vì thế, khó thể so sánh với ca sĩ hoạt động độc lập. Người chọn đi cùng ban nhạc hiểu được khó khăn, biết để nổi tiếng không dễ nên suy nghĩ cũng khác đi rất nhiều. Ban nhạc vẫn ở đó khi các sân chơi trở lại, họ có nhiều cơ hội để tiếp cận khán giả và thị trường hơn”.
|
Nhạc sĩ Đức Trí (bìa trái) biểu diễn cùng học trò trong ban nhạc ở đêm chung kết Ban nhạc Việt 2017. |
Nhưng ban nhạc vẫn có đất sống nhất định. Phân khúc khán giả vẫn còn rất rõ. “Người ta vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua vé để xem các ban nhạc hát, nhưng sự tương tác của nhóm khán giả này không mạnh nên nhìn chung có vẻ rất im ắng", nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong chia sẻ.
Hàng nghìn khán giả chen chân trong show diễn của Ngọt hay Da LAB trong thời gian qua có thể minh chứng cho điều này. Tại các quán cà phê, câu lạc bộ, các nhóm nhạc vẫn có thị trường hoạt động dù nhỏ nhưng tương đối ổn định. Tuy nhiên, giá trị các ban nhạc nhận lại chưa thể tương xứng với công sức bỏ ra.
Điều quan trọng vẫn là chất lượng âm nhạc quyết định sự đón nhận của khán giả. Hiện, các ban nhạc hầu như đều có thể sáng tác, mang cái tôi rất riêng, đặc biệt, phù hợp với xu thế tiếp nhận nhạc indie của khán giả.
|
Liveshow của ban nhạc Ngọt hồi cuối tháng 11 vừa qua tạo được tiếng vang lớn. |
Nhưng để tạo ra thị trường lớn hơn và đường đi dài cho các ban nhạc thì vẫn rất khó. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho rằng việc các ban nhạc có tiến tới các hoạt động chuyên nghiệp, tích cực ra sản phẩm mới và tăng phương tiện kết nối với khán giả thông qua môi trường số hay không là rất quan trọng. Ban nhạc phải chủ động nắm bắt được nhu cầu của thị trường. Nhưng quan trọng hơn, nhu cầu của khán giả phải đủ lớn để tạo sức bật cho các ban nhạc.
Với những ban nhạc bước ra từ các cuộc thi, chỉ một số ít có thể trụ được và có hoạt động chuyên nghiệp như: An Nam, Jazz Glory... Vẫn chưa có những chương trình để đưa ban nhạc trở lại với số đông khán giả. Nhạc sĩ Đức Trí bày tỏ: “Nếu các ban nhạc bước ra từ cuộc thi được nhà tài trợ đồng hành thì còn gì hơn. Không ai không mong muốn có những tour, sân chơi lớn cho các ban nhạc nhưng không phải lúc nào cũng được ủng hộ, được đầu tư".
|
Các nhóm nhạc trẻ được thành lập ngày càng nhiều để tham gia vào sân chơi riêng. |
“Chúng ta không thể ngồi chờ được. Người đi trước cũng có khả năng tạo ra những thay đổi nhất định bằng những việc làm vừa sức cho các ban nhạc”, ca sĩ Mỹ Linh nói. Hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5/2018, Mỹ Linh và nhạc sĩ Anh Quân đã tổ chức sự kiện The Band Fest, tạo ra không gian cho các ban nhạc để khán giả có dịp tiếp cận, hiểu hơn về giá trị của từng thành viên và tổng thể của ban khi ra thị trường. Chương trình sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2019.
Phương Uyên cũng mang An Nam đi biểu diễn ở nhiều nơi. Ban nhạc Jazz Glory sau khi ra khỏi chương trình Ban nhạc Việt cũng tìm cách đi diễn ở các đêm nhạc, đại sứ quán hay thậm chí đi đệm cho các ca sĩ nước ngoài.
Tại Hà Nội, hoạt động của các ban nhạc đang khá sôi động. Họ thường tụ họp vào cuối tuần để chơi nhạc, trao đổi kinh nghiệm thực tế hoặc thông qua các diễn đàn. Việc làm này nhỏ nhưng đủ giữ lửa để các ban nhạc tiếp tục hoạt động và tìm cơ hội. Hiện, việc làm tốt nhất để các ban nhạc được tồn tại là tự thân vận động và nắm bắt từng cơ hội trong cơ chế thị trường không nhiều thuận lợi.
|
Nhóm nhạc vẫn còn đất sống nhưng để tiến ra thị trường lớn hơn và tồn tại đường dài vẫn là bài toán khó. |
Sau mùa một khá thành công với sự lên ngôi của ban nhạc An Nam, gameshow Ban nhạc Việt chính thức trở lại mùa thứ hai với dàn HLV được giữ nguyên: Đức Trí, Phương Uyên, Mỹ Linh và Nguyễn Hải Phong.
Các ban nhạc lần lượt trải qua các vòng thi: Vượt tường, Huấn luyện, Thử thách và Gala chung kết. Trong đó, ở vòng Thử thách, các ban nhạc đứng trước áp lực phải tạo ra những bản “hit” do chính họ sáng tác. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho biết năm nay có đến 80% các ban nhạc dự thi sử dụng ca khúc tự sáng tác.
Chương trình năm nay sẽ có những thay đổi nhất định về format để bám sát hơn với tình hình thực tế hoạt động của các ban nhạc. HLV có quyền bỏ hoặc thêm thành viên cho ban nhạc để có được đội hình ưng ý nhất. Tuy nhiên, việc làm này phải được sự đồng ý của ban nhạc và chỉ được sử dụng quyền này 1 lần.
Ban nhạc Việt 2018 dự kiến có 13 tập phát sóng. Tập đầu tiên lên sóng lúc 21g15 ngày 30/12 trên VTV3.
|
Thuỵ Khuê