Bán ngoại tệ ở đâu để không bị phạt?

24/10/2018 - 14:37

PNO - Việc anh thợ điện (ngụ Cần Thơ) khi đi đổi tờ 100 USD tại một tiệm vàng và bị lập biên bản, tịch thu tiền, đồng thời phạt 90 triệu đồng khiến nhiều người lo lắng vì không biết bán ngoại tệ ở đâu là hợp pháp?

Vụ việc ngay lập tức gây sự chú ý của dư luận vì mức phạt 90 triệu đồng dành cho anh thợ điện với lương hàng tháng chưa đến 4 triệu đồng; bên cạnh đó cũng khiến người dân lo lắng vì không biết bán ngoại tệ ở đâu là hợp pháp? 

Ban ngoai te o dau de khong bi phat?
Một doanh nghiệp kinh doanh vàng có quầy đổi tệ riêng trước tiệm tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Quốc Thái

Nghị định 96/2014 quy định: Đối với tổ chức không có giấy phép đổi ngoại tệ mà thực hiện hành vi đổi ngoại tệ thì bị xử phạt hành chính 500 - 600 triệu đồng.

Đối với cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có giấy phép có thể bị xử phạt 80 - 100 triệu đồng. Các cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có giấy phép còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam quy đổi.

Qua khảo sát, hiện TP.HCM có rất nhiều nơi nhận thu đổi ngoại tệ và lượng khách đến giao dịch hàng ngày rất nhộn nhịp. Quản lý một cơ sở kinh doanh vàng thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM cho hay, cửa hàng này có quầy thu đổi ngoại tệ bên cạnh và luôn có nhân viên túc trực phục vụ khách đến đổi ngoại tệ.

Tại đây, sau khi được kiểm tra tiền, định giá tiền theo quy định của cửa hàng, khách hàng sẽ cầm mẫu giấy nhỏ mà nhân viên thu ngoại tệ đưa rồi vào phía trong quầy thu ngân của tiệm vàng để nhận tiền Việt Nam đồng. Mọi việc diễn ra khá tiện lợi, nhanh chóng.

Khi chúng tôi hỏi về việc cấp phép thu đổi ngoại tệ, quản lý cửa hàng chỉ tay về phía góc tường có treo sẵn 4 mẫu giấy và cho biết đó là giấy phép kinh doanh của đơn vị.

Chị Minh Ngọc (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, chị nhiều lần đổi ngoại tệ tại các tiệm vàng tại TP.HCM nhưng không để ý đến quy định tiệm vàng, điểm chuyển đổi phải có giấy phép mới được giao dịch.

Ban ngoai te o dau de khong bi phat?
Điểm thu đổi ngoại tệ nổi tiếng tại quận 1, TP.HCM hoạt động sôi nổi vào sáng 24/10. Ảnh: Quốc Thái

“Tôi có nhu cầu là cứ đến các tiệm vàng, riết thành thói quen chứ cũng chưa bao giờ hỏi người mua là họ có giấy phép hay không. Mà tôi tin là nhiều người cũng sẽ không thắc mắc chuyện này. Thường là vào tiệm vàng bất kỳ rồi hỏi họ có đổi ngoại tệ không, cửa hàng bảo có, đưa giá cả hợp lý là cứ thế đổi. Nay nghe có người đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, tôi mới giật mình”, chị Ngọc nói.

Trên mạng xã hội, rất nhiều tài khoản cũng bày tỏ sự hoang mang xoay quanh việc đổi ngoại tệ và bị xử phạt gần 100 triệu đồng dù cho chỉ đổi tiền có giá trị thấp. "Nghe vụ anh Cà Rê chợt nhớ lại có mấy tờ đô mệnh giá nhỏ, may là chỉ để làm kỷ niệm… Nói chớ, tôi vô tiệm vàng thấy đổi đô như mua rau ngoài chợ”, tài khoản N.N viết.

Nhân viên một chi nhánh ngân hàng tại quận 1, TP.HCM cho hay, người có nhu cầu bán ngoại tệ ngoài đến các chi nhánh ngân hàng hoặc các điểm được phép thu đổi ngoại tệ thì các phòng bán vé hàng không, hàng hải, du lịch, cửa khẩu quốc tế, khách sạn 3-4 sao trở lên… sẽ có địa điểm đặt đại lý thu đổi ngoại tệ của Ngân hàng nhà nước. 

Ngoài các nơi này ra, những cửa hàng chuyển đổi cho khách du lịch tại các quận trung tâm, các tiệm vàng tư nhân, doanh nghiệp vàng phải được cấp phép của nhà nước mới được quyền thu đổi ngoại tệ.

Mức phạt quá nặng

Được biết, do hoàn cảnh khó khăn nên đến nay anh Rê vẫn chưa đóng phạt 90 triệu đồng. 

Trao đổi với báo Phụ Nữ, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trường hợp người có hành vi vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt và cưỡng chế thực hiện theo quy định như việc trích một phần từ thu nhập…

Tuy nhiên, theo ông Phượng nhận định, bất cập ở đây là quy định tại Nghị định số 96/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng không phù hợp. Điều khoản quy định chung một mức phạt tiền 80 - 100 triệu đồng nhưng lại không định tính và định lượng về mức độ vi phạm. Từ đó, đối với vi phạm ở mức độ nhẹ thì cũng chịu mức chung như vi phạm cao nên với những người nghèo, có hoàn cảnh là quá nặng.

“Trường hợp của anh Rê, nếu có khó khăn về kinh tế thì có thể làm đơn xin hoãn, giảm, miễn theo Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012”, Luật sư Trần Đức Phượng cho biết.

Ngoài ra, luật sư Phượng cũng khuyến cáo người dân khi tham gia vào quan hệ giao dịch thì phải có trách nhiệm kiểm tra trước khi giao dịch. 

“Theo quy định Thông tư 20/2011/TT-NHNN ngày 29/08/2011 quy định về việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân đối với tổ chức tín dụng được phép thì các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt phải được Ngân hàng Nhà được chấp thuận. Khách hàng có thể xem danh sách trên trang thông tin của các ngân hàng và tại địa điểm đó phải có công bố công khai giấy phép này”, luật sư Phượng cho biết.

Ngoài ra, theo quy chế đại lý đổi ngoại tệ thì các đại lý đổi ngoại tệ (không phải là các chi nhánh, điểm giao dịch của tổ chức tín dụng) thì các điểm này phải công khai các giấy phép về đại lý đổi ngoại tệ.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI