Bản năng làm cha mẹ

24/07/2014 - 07:20

PNO - PN - Dr Brown, nhà tâm lý học người Mỹ, trong một cuộc nói chuyện với các bậc phụ huynh đã chia sẻ: “Bản năng làm cha mẹ có sẵn trong mỗi chúng ta. Chúng rất tuyệt vời và hãy tin tưởng vào điều đó”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sinh con, bên cạnh niềm hạnh phúc lớn lao, biết bao nhiêu lo âu cũng ập đến. Bạn lo không biết tắm cho con thế này đã đúng chưa, có làm con đau không; bạn lo khi thấy trên mặt con xuất hiện những mụn sữa nhỏ xíu li ti, lo vì con ăn ít; bạn lo tìm trường học tốt cho con, suy nghĩ đến mất ngủ vì con nhút nhát, khó hòa nhập, con nghịch quá… Thế đấy, bất cứ thứ gì có dính líu đến con đều khiến bạn lo lắng.

Để giúp mình vững tâm hơn, bạn lại cần mẫn, cặm cụi đọc sách, tìm kiếm trên internet, gặp gỡ những “cha mẹ nuôi con mát tay” để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Bạn có thể lọ mọ hàng giờ trong một hội nhóm có cùng mối quan tâm, đọc không sót một bình luận nào của các bố, các mẹ và vui mừng khi tìm thấy ai đó “cùng cảnh ngộ” với mình. Bạn gật gù với hàng trăm bài viết kiểu “Những lời khuyên giúp con bạn…” của các chuyên gia, của những bà mẹ nổi tiếng rồi hăm hở về áp dụng. Bạn luyện con ngủ, luyện con ăn dặm bốc nhón, rèn con tự lập, không bỏ lỡ bất cứ lớp học ngoại khóa nào cho con…

Có khi ông bà nội giận dỗi: “Chả hiểu các con dạy con bé kiểu gì”; ông bà ngoại bất bình: “Các con cho thằng bé ăn uống thế thì hỏng hết dạ dày nó còn gì!”… Và bạn lại bắt đầu “tự vấn lương tâm”, mình có cho con đi ngủ quá sớm hoặc quá muộn không, mình có để con khóc lâu quá không, liệu con có bị căng thẳng vì bị mẹ “bỏ rơi” không, mình cho con ăn thô như vậy có phải là quá sớm không? Hàng chồng, hàng lớp những lo lắng như vậy dồn ứ lại và khiến bạn dằn vặt: “Mình nuôi con như thế có đúng không?”.

Ban nang lam cha me

Tôi đã từng trải qua những cảm giác như vậy, cho đến khi tôi đọc một bài báo của nhà tâm lý học người Mỹ Dr Brown về vấn đề mà các bậc cha mẹ vừa có con đầu lòng gặp phải. Tôi cảm thấy thật tự tin và được an ủi khi đọc từng chữ “Bản năng làm cha mẹ có sẵn trong mỗi chúng ta. Chúng rất tuyệt vời và hãy tin tưởng vào điều đó”. Và tôi nhận ra rằng, những chuyên gia, những người vẫn hay đánh giá, đưa ra những lời khuyên với tôi phải nuôi con thế này, phải dạy con thế kia phần lớn là những người xa lạ, không phải họ - chính chúng tôi mới là người ôm ấp con, cười với con, trò chuyện với chúng, nấu ăn và cho chúng ăn, tắm cho chúng, chơi đùa với con hàng ngày. Và vì thế, chính bố mẹ mới là người hiểu tính nết và thói quen của con nhất. Không ai khác ngoài bố mẹ là người lắng nghe, đánh giá con tốt nhất chứ không phải bất cứ ai khác.

Chúng ta lựa chọn những điều tốt nhất cho các con của mình, vì thế, bạn hoàn toàn có thể quẳng ngay những danh sách lời khuyên bạn phải thế này thế kia khi dạy con, bởi vì nó được đúc kết bởi những người không phải là cha mẹ của con bạn. Đừng thay đổi cách dạy con của bạn chỉ vì “chuyên gia” nào đó nói rằng bạn quá sai lầm khi nuôi dạy con, hãy chỉ thay đổi khi chính bạn nhận thấy sai lầm của mình và thấy rõ hậu quả của sai lầm đó đối với các con.

Việc chia sẻ, học hỏi những điều tốt đẹp xung quanh là để bạn tự bồi dưỡng kiến thức của mình chứ không phải để bạn cảm thấy mình thật tệ hại hay để tự biến mình thành một ông bố, bà mẹ không giống như bản chất của bạn. Kiến thức chính là một trợ thủ giúp bạn nuôi dạy con đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều và bạn học hỏi để hoàn thiện mình chứ không phải để thay đổi bản thân thành một người khác. Vì các con chắc chắn cũng chỉ muốn bố mẹ mãi mãi là bố mẹ của mình mà thôi!

 Hải An

Chính bố mẹ mới là người hiểu tính nết và thói quen của con nhất. Không ai khác ngoài bố mẹ là người lắng nghe, đánh giá con tốt nhất chứ không phải bất cứ ai khác.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI