Kinh tế học hiện đại khuyến khích mọi người áp dụng phương thức hợp tác win - win (đôi bên cùng có lợi) thay vì cạnh tranh để triệt tiêu nhau. Nhưng qua cách của các nhà sản xuất (NSX) chương trình truyền hình giải trí, các nghệ sĩ lẫn nhiều cơ quan báo chí đang hành xử thì việc áp dụng phương thức win - win dường như là điều không tưởng.
Trong câu chuyện “chèn ép” của Đàm Vĩnh Hưng đối với Phương Thanh hay Hồ Ngọc Hà với Minh Hằng, dù muốn hay không, chúng ta vẫn buộc phải thừa nhận rằng đó là một biểu hiện điển hình của tâm lý người Việt - luôn sẵn sàng xù lông lên khi bị “gác kèo”, bị chỉ trích, bị gán ghép những điều chưa chính xác.
Khi bắt tay thực hiện một show, NSX nào cũng đều mong muốn chương trình của mình sẽ hay, hấp dẫn, có ích cho xã hội và đó chính là cái nằm trong phần “Mục đích - Ý nghĩa” của các bản kế hoạch. Nghệ sĩ muốn được hát, được biểu diễn để giúp vui cho đời. Các cơ quan báo chí muốn cung cấp thông tin nhanh và độc đáo cho độc giả.
Ngoài chuyện kinh tế thuần tuý, đó là ước mơ của mỗi chủ thể trong tam giác truyền thông. Nhưng, chọn phương thức nào để đạt đến mục đích ấy, như lời tiến sĩ (TS) tâm lý Lê Thị Linh Trang (Học viện Cán bộ TP.HCM), lại là chuyện tùy thuộc vào “bản chất và năng lực của mỗi người”.
Với một NSX có tâm, họ sẽ không chọn cách truyền thông bẩn - không đẩy những người hợp tác với mình, tức các nghệ sĩ - vào đám đông cuồng nộ chỉ để kiếm thêm một chút chú ý từ công chúng hoặc tăng được một chút rating. Một nghệ sĩ đủ tư cách sẽ không dìm đồng nghiệp của mình xuống theo kiểu mang khiếm khuyết của đồng nghiệp ra làm trò cười hay công khai xỉ vả đồng nghiệp trên mạng xã hội hoặc báo chí. Một toà báo nghiêm túc sẽ không bới móc chuyện xấu của nghệ sĩ để bán hàng, cũng không khoét vào những vết thương giữa họ để câu view.
Mâu thuẫn giữa Đàm Vĩnh Hưng với Phương Thanh là chuyện mọi người đều biết, bởi nó đã xảy ra từ lâu. Nhưng rõ ràng, một đơn vị như Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM đã làm được điều tưởng như bất khả - đưa cả hai lên sân khấu, hát cùng nhau trong lễ trao giải Làn sóng xanh. Đó cũng là một phương thức làm truyền thông, nhưng là cách làm truyền thông tử tế - đưa nghệ sĩ đến gần nhau, mang đến cho khán giả một hình ảnh đẹp. Còn khi báo chí liên tục nhắc lại chuyện “bùa ngãi”, chuyện mâu thuẫn giữa họ thì chỉ khiến nghệ sĩ thêm khó chịu, bức bối với đồng nghiệp.
“Quan trọng nhất là truyền thông” - TS Trang nói. Một TVShow, kể cả khi được phát trên kênh có nhiều khán giả hay một nghệ sĩ dù có nhiều fan đi nữa cũng vẫn cần có truyền thông để chuyển tải hình ảnh, thông tin, chương trình của mình. Khán giả của truyền hình, của nghệ sĩ cũng là độc giả của báo chí.
Những cái hay, cái dở trong một chương trình cụ thể hay những mâu thuẫn nghệ sĩ chốn hậu trường, nếu truyền thông không đưa tin thì sẽ không ai biết hoặc sẽ hạn chế rất nhiều những điều tiêu cực. Ngay cả trong cách báo chí phê duyệt các nội dung bình luận cũng thể hiện tầm vóc hoặc tố giác ý đồ của báo.
Khi chọn đăng những bình luận dung hòa, tòa báo hướng đến những giá trị cao đẹp, hoặc ngược lại, tiếp tục đẩy độc giả lẫn nghệ sĩ vào những cuộc chiến không đoạn kết. Bao nhiêu lương tâm nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức sẽ quyết định cách thức một tờ báo vận hành và phục vụ độc giả, hợp tác với nghệ sĩ và NSX chương trình?
Mối quan hệ tam giác giữa NSX, nghệ sĩ và truyền thông là không thể tránh được và tác động rõ rệt lên nhau. Nếu nghệ sĩ quyết định mang đồng nghiệp ra đấu tố hoặc tự vạch lưng áo, họ đã chọn bán rẻ mình và bán cả nghề nghiệp. Nếu truyền thông chiều theo NSX để cung cấp những thông tin giật gân hoặc đứng về bên này để hạ nghệ sĩ kia, đó là lúc họ bán rẻ nghệ sĩ cho công chúng và bán rẻ cả chính toà báo của mình.
Điều gì quyết định truyền thông bẩn/sạch?
Một chương trình không hay mà vẫn muốn thu hút khán giả thì khó tránh khỏi việc sử dụng những phương thức thiếu chuẩn mực hoặc khai thác vào những yếu tố không liên quan. Nghệ sĩ thiếu năng lực sẽ có thể phải dùng tới những câu chuyện đời tư để quảng bá và một cơ quan báo chí ít lương tâm sẽ khai thác và cung cấp thông tin theo một hướng khác hoàn toàn với cơ quan uy tín và tầm vóc lớn hơn. N
gười có tài mà thiếu tử tế sẽ hành xử khác với người có tài và đủ tử tế, càng khác với người không có tài nhưng đủ tử tế. Vấn đề mấu chốt là chúng ta là ai, ta chọn cách nào và hướng đến điều gì. Khi ta làm việc, ngoài chuyện cống hiến, ta cũng cần có được quyền lợi mà trên hết là niềm hạnh phúc khi làm điều mình yêu thích. Được vậy, xã hội sẽ tích cực hơn và sẽ phát triển; còn nếu không, ta sẽ mãi chìm trong những ồn ào của những điều không tử tế và ít văn hóa.
TS tâm lý Lê Thị Linh Trang
|
Phạm Thành Nhân