Bán mạng cho công việc

12/12/2019 - 11:30

PNO - Bạn bè tôi đang truyền đọc bức tâm thư của một người sếp khi nhân viên của chị đột tử sau nhiều giờ làm việc cật lực. 1.200 lượt chia sẻ bức thư trên mạng xã hội, kèm theo nhiều dòng tâm tư.

Theo chị, người đồng nghiệp đã ra đi như một số người trước đó đã đột tử bởi làm việc quá sức, không điều độ. Những cái chết đột ngột khiến người ta không khỏi đau lòng, bất lực và tự vấn lương tâm mình. Nhưng hậu quả đã không thể khắc phục.

Ban mang cho cong viec
Lại một người ra đi vì "bán mạng" cho công việc, làm việc quá sức.

Hơn 1.200 lượt chia sẻ bức thư trên mạng xã hội, kèm theo nhiều dòng tâm tư. Đó không còn là riêng câu chuyện riêng của người vừa nằm xuống mà còn là chuyện chung của nhiều người trẻ hiện tại.                                                                                                                              

Có đứa em nói với tôi thường xuyên thức đến 2-3g sáng mới đi ngủ để làm xong công việc. Rồi có bạn làm việc cho một công ty truyền thông, chuyên sản xuất những chương trình giải trí đã phải trải qua mấy năm liền thức đêm, ngủ ngày với những bữa ăn vội vã, ăn cho có. Tôi cũng có một người bạn làm trong lĩnh vực quảng cáo, thường xuyên đi quay, dựng clip xuyên đêm, có khi đến sáng mới trở về. Dĩ nhiên, việc đó kéo dài, chứ không phải thi thoảng.

Thử làm một phép tìm kiếm với các cụm từ: “chết do làm việc xuyên đêm”, “chết do làm việc quá sức”… không ít câu chuyện đau lòng cũng được phơi bày. Những cụm từ như “vào sinh ra tử”, “sinh nghề tử nghiệp”, “nghề”, “nghiệp”, “đặc thù”…  liên tục được nhắc đến đến như một phần để thấy rằng chuyện “bán mạng” cho công việc có phần nhẹ đi, hợp lý hơn. 

Ban mang cho cong viec
Nhiều trường hợp đã mất mạng do làm việc quá sức, liên tục nhiều giờ liền khiến cơ thể không được nghỉ ngơi hợp lý.

Nhưng con người vốn dĩ làm việc để sống, chứ không phải làm việc để chết. Nhiều người đã bước vội vài giờ và trả giá quá đắt cho cuộc đời mình. 

Một người ra đi, nỗi đau còn cho người ở lại, cho cha mẹ, gia đình của họ. Cảnh kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, chưa bao giờ thôi khiến người ta chua xót, đau lòng. 

Gần đây nhất, cái chết của diễn viên Đài Loan Cao Dĩ Tường khi quay một gameshow vào ban đêm, buộc phải hoạt động cường độ mạnh khi sức đã kiệt quệ. Đài truyền hình Chiết Giang xin lỗi, người hâm mộ khóc thương tiếc cho nam diễn viên. Nhưng sự điềm tĩnh của cha mẹ anh trên gương mặt đầy u buồn mới khiến người ta đau lòng nhất. Nước mắt không rơi không có nghĩa nỗi đau không tồn tại, có chăng rằng mất mát quá lớn khiến người ta chỉ biết khóc trong lòng.

Ban mang cho cong viec
Sự bình tĩnh của cha mẹ Cao Dĩ Tường (đeo kính đen) và mong mọi người không đau lòng khi con trai qua đời khiến không ít người đau xót.

Tôi cũng làm việc trong môi trường đặc thù, giờ giấc không cố định. Tôi cũng từng thức đến tận 1-2 giờ sáng, hoặc thậm chí xuyên đêm để làm hết việc. Nhưng một năm gần đây, tôi không còn như thế được nữa bởi cơ thể đã có dấu hiệu phản ứng lại cơ chế làm việc bất hợp lý này. Tôi tập đi ngủ lúc 10g đêm và dậy 6g sáng. Chỉ khi nào thật sự cần, tôi sẽ thức thêm một chút. Dĩ nhiên, tôi thấy mình khoẻ hơn, chất lượng công việc tốt hơn hẳn.

Mỗi lần về quê, đến độ gần 20g khi thấy đèn nhà vẫn còn sáng, tôi vẫn còn ngồi bên máy tính, cha tôi lúc nào cũng bảo một câu quen thuộc: “Khuya rồi, ngủ đi con”. Đôi khi, tôi cũng bực dọc vì chút việc còn dang dở. Nhưng, có lẽ, chỉ ở tâm thế của người làm cha làm mẹ, bạn mới hiểu hết được những nỗi niềm của họ. 

Ngoài công việc, chúng ta còn có cả cuộc đời. Cuộc đời thì không thể mua bằng những đồng lương 10 triệu, 20 triệu… và cũng không thể bán rẻ bởi những giờ làm việc bất hợp lý. Hơn hết, tính mạng của mỗi chúng ta không chỉ là riêng cuộc đời chúng ta, mà sau đó còn có ánh mắt và nỗi lòng của mẹ cha.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI