“Vườn ươm đặc biệt” cho ngày thống nhất - Bài 3:

Bản lĩnh của những cô gái vượt Trường Sơn

26/04/2024 - 05:48

PNO - Được lệnh đi B, các nữ thanh niên là con em miền Nam tập kết thuở nào mừng rơi nước mắt. Đây là lúc họ trả ơn Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc, hiến dâng sức trẻ và tài trí của mình vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Chúng tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng!”

Sau 10 năm học tập và tốt nghiệp đại học sư phạm, cô Trần Thị Tám - nguyên Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Tiền Giang (khi ấy 24 tuổi) - được phân công đi dạy ở Hà Bắc. Một buổi sáng giữa năm 1965, thầy hiệu trưởng xuống lớp gặp cô Tám. Thầy thông tin: “Có lệnh gấp. Xe đang chờ, cô vô dọn đồ đi nhận nhiệm vụ mới”. Cô Tám về phòng dọn quần áo và không kịp quay lại từ biệt học trò.

Cô được đưa về trường nghiệp vụ và nhận được thông báo chuẩn bị đi chiến trường B. Như mọi người, cô mất 3 tháng học các nghị quyết, trải qua 1 đợt huấn luyện sức khỏe và học các kỹ năng sinh tồn trong rừng…

Bà Trần Thị Tám (trái) và bà Trần Tố Nga - những cô giáo từng vượt Trường Sơn vào Nam năm 1965 - gặp lại nhau đầu năm 2024 - Ảnh: THU LÊ
Bà Trần Thị Tám (trái) và bà Trần Tố Nga - những cô giáo từng vượt Trường Sơn vào Nam năm 1965 - gặp lại nhau đầu năm 2024 - Ảnh: THU LÊ

Tháng 9/1965, hành trình vào B bắt đầu. Trước khi đi, Trung ương Đoàn phổ biến chương trình “3 khoan” (chưa yêu thì khoan yêu, đã yêu thì khoan cưới, đã cưới thì khoan có con) nên dù ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, mỗi ngày tiếp xúc, học tập và làm việc với bao người ưu tú, nhưng cô giáo 24 tuổi không dám hứa hẹn. Ngày đi, hành trang cô mang theo ngoài chiếc ba lô nặng 30kg còn có niềm tin vào cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi, miền Nam nhất định sẽ được giải phóng, đất nước sẽ thống nhất.

“Chúng ta đã vào bờ Nam sông Bến Hải rồi. Anh chị em dừng lại ở đây mấy phút nhìn về phương Bắc để nhớ Bác Hồ, nhớ Thủ đô Hà Nội, nhớ bà con” - người giao liên thông báo khi đoàn đã qua dòng Bến Hải. Cùng các thành viên trong đoàn nhìn về bờ Bắc, cô giáo Trần Thị Tám gửi gắm: “Miền Nam luôn nhớ đến miền Bắc. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng!”.

Trên đường đi, giao liên luôn động viên mọi người cố gắng vượt qua 7 ngày đầu. Nếu anh em nào vượt qua được thì đi luôn, còn ai không vượt được thì phải quay đầu (trở lại miền Bắc). Lời động viên như tiếp thêm lửa quyết tâm cho mọi người. Cô Tám cùng anh em soạn lại đồ đạc để ba lô nhẹ bớt. Mỗi người được phát gạo mang theo cho mỗi tuần. Qua khỏi vĩ tuyến 17, không còn nhìn thấy lá cờ tổ quốc bên sông Bến Hải, nhưng thỉnh thoảng mọi người vẫn ngoái đầu nhìn lại...

“Đường đi vất vả, có lúc dốc ngược, gót chân người đi trước đụng vào lỗ mũi người đi sau. Rắn rít, côn trùng chỉ là chuyện nhỏ, khổ nhất là những ngày mưa dầm nhưng không có nước uống và máy bay địch thì quần thảo trên đầu. Có những ngày, từ tinh mơ đã thấy núi dựng đứng trước mặt, nhưng đi đến chiều tối thì vẫn chỉ ở lưng chừng núi. Thế nhưng, có đi mới biết Tổ quốc mình đẹp vô cùng” - cô Tám nhớ lại.

Trong đoàn đi B năm 1965, cô Tám được giao nhiệm vụ về miền Nam tổ chức công tác giáo dục ở các vùng giải phóng. Năm 1966, ngay khi về đến miền Nam, cô về làm giáo viên Trường Lý Tự Trọng (hay còn gọi là Trường Nội trú Khu 9). Năm 1967, cô chuyển về công tác ở Trung ương cục miền Nam để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân.

Tuy nhiên, sau chiến dịch, một thế trận mới giăng ra. Với chủ trương “đánh địch ngay trong lòng địch”, khu ủy quyết định đưa cán bộ vào hoạt động công khai hợp pháp, cô Tám được giao nhiệm vụ về Mỹ Tho tiếp cận với giới giáo chức, mở rộng địa bàn hoạt động và trở thành cán bộ nằm vùng. Cô đã xây dựng mạng lưới và tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có cuộc vận động ra mắt Tỉnh Hội giáo chức Định Tường ngày 21/10/1971 (quy tụ được hầu hết giáo chức tiến bộ hướng về cách mạng) và 2 cuộc đấu tranh trong các trường học (nhằm phản đối hành động thô bạo của kẻ thù, bênh vực quyền lợi chính đáng của cán bộ giáo chức) đã tạo được tiếng vang lớn.

Sau chiến thắng 30/4/1975, giữa rừng cờ hoa, cô Tám cùng người dân Mỹ Tho khẩn trương ổn định trường lớp cho năm học mới. Phong trào bổ túc văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ được mở ra với người người, nhà nhà đi học. Thành phố Mỹ Tho - nơi cô Tám đang hoạt động trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào bổ túc văn hóa.

Xưởng sản xuất vắc xin giữa đại ngàn

Ngày 8/3/1966, bác sĩ trẻ Huỳnh Thị Phương Liên được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. 3 tuần sau, vào ngày 1/4, bác sĩ Phương Liên có mặt trong đoàn quân vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Trước ngày lên đường, cô được Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch mời lên giao nhiệm vụ: “Cháu cố gắng vào trong ấy phải sản xuất được 3 loại vắc xin tả, thương hàn, đậu mùa để chống chiến tranh vi trùng”. Phương Liên gật đầu nhận nhiệm vụ. Cô tự nhủ, mình đã học, biết chẩn đoán các loại dịch bệnh, còn được các thầy cô giỏi nhất từ nước ngoài chỉ dạy nghiên cứu về vi trùng, nhất định mình phải hoàn thành nhiệm vụ.

Thế rồi cô gái 26 tuổi vào chiến trường. Bên cạnh những thịt khô, cá khô và biết bao thức ăn mẹ chuẩn bị, trong ba lô của cô còn có cả các chủng vi trùng. Hơn 2 tháng lội bộ, băng suối, vượt đèo, bác sĩ Phương Liên đã đến được nơi đóng quân với mật danh K15, thuộc Ban Dân y Khu V tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Nhưng khi ấy, đơn vị đã bị máy bay địch san phẳng. Giữa làn bom, mũi đạn, không có phòng thí nghiệm hay bất cứ dụng cụ gì phục vụ cho nghiên cứu, nên nữ bác sĩ được phân công cùng đồng đội đi chặt nứa về dựng lại lán. Đến ngày thứ hai, chỉ huy phát hiện cô gái 39kg này năng suất kém, nên điều cô về làm cấp dưỡng.

Mấy mươi ngày liền sau đó, mỗi ngày cô đi hái rau rừng, đào sắn, gùi gạo, nấu cơm cho 47 anh chị em trong đơn vị. Lán trại dựng xong, bác sĩ Phương Liên xin lấy 1 chiếc dù trắng, nhờ người về thị trấn mua ni lông, bao bọc thành phòng thí nghiệm.

Khi phòng thí nghiệm tương đối hoàn chỉnh đã là 6 tháng sau khi cô rời miền Bắc. Lò hấp cùng các dụng cụ nghiên cứu như ống PET, kính hiển vi… cũng đã được chuyển vào. Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Phương Liên ngoài cô còn thêm 3 người khác, gồm 1 y sĩ phụ trách phân sấy vi trùng, hấp dụng cụ và 2 người phụ việc trình độ mới lớp Hai, lớp Ba.

Vừa thiếu trang thiết bị, vừa phải tự chống chọi với cái đói, cái khắc nghiệt của khí hậu cùng những cơn sốt rét rừng, vậy mà ngay nghiên cứu đầu tay, vắc xin phòng bệnh đậu mùa đã ra đời. Và sau đó là cả 3 loại vắc xin đều được nghiên cứu, điều chế và sản xuất thành công.

Các học sinh miền Nam đang học tập trên đất Bắc - Ảnh tư liệu
Các học sinh miền Nam đang học tập trên đất Bắc - Ảnh tư liệu

Từ năm 1967 trở đi, các vắc xin tả, thương hàn, đậu mùa do xưởng vắc xin giữa đại ngàn sản xuất đã được đóng vào ống tiêm để cung cấp cho đồng bào vùng ven Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bác sĩ Phương Liên nhớ lại: “Thời chiến mà, khó khăn muôn trùng. Đơn vị rút quân chỗ nào là phòng thí nghiệm phải nhổ theo.

Nhưng mỗi lần chuyển, phòng thí nghiệm của chúng tôi lại đẹp hơn, tiện nghi hơn. Sau này nhiều nhà báo, bác sĩ đồng nghiệp ở nước ngoài đến tham quan gọi nơi tôi làm việc là phòng thí nghiệm đặc biệt, có một không hai”. Bác sĩ Phương Liên nói rằng, những điều bà làm chính là “nhiệm vụ đã nhận thì phải hoàn thành của người chiến sĩ”.

Từ năm 1959-1975, Mỹ đã thả xuống 4 triệu tấn bom đạn các loại, hàng triệu lít hóa chất, gây mưa, tạo bùn dọc dãy Trường Sơn nhằm phá hoại tuyến đường đi cứu nước. Nhưng bom đạn và kỹ thuật hiện đại không thể thắng được ý chí sắt đá của những con người mang khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Trên tuyến đường đó, nhiều bạn bè của bác sĩ Phương Liên như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Thị Trừng, Chu Cẩm Phong… đã nằm lại, nhưng tinh thần chiến đấu, khát vọng hòa bình cùng tình yêu quê hương, đất nước của họ thì vẫn còn sống mãi để tiếp bước cho những người còn sống và hàng triệu thanh niên cùng xẻ dọc Trường Sơn.

Hơn 20.000 người đã ngã xuống, hàng triệu người đã gửi lại một phần xương máu để con đường Trường Sơn vươn tới các chiến trường cho đến ngày toàn thắng.

Thu Lê - Diễm Chi

Kỳ tới: Những hạt giống quý vươn chồi, cho trái ngọt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI