Những ngày vừa qua, khi Việt Nam bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ 2 sau 3 tháng không có ca lây nhiễm, cả nước bàng hoàng, buồn, lo. Mọi hoạt động học tập, kinh doanh, du lịch trên đà tái khởi động khi dịch bệnh đã phần nào “yên ả” đi qua thì bỗng dưng đột ngột xuất hiện một ca bệnh mới ở Đà Nẵng, rồi liên tiếp như thế, trên 30 ca trong vòng 4 ngày. Một con số “quá sức tưởng tượng” kể từ đầu mùa dịch này.
Bao công sức phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và người dân cả nước lại phải quay về điểm xuất phát. Lúc này đây, dù buồn dù lo nhưng ai nấy đều động viên nhau bình tĩnh để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Thế nhưng, đâu đó vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh” với những phát ngôn “không có não”, thích thể hiện trên mạng xã hội khiến dư luận nổi giận.
Những cá nhân này vô tư (hay có chủ đích?) dùng từ “toang” để nói về tình hình của tâm dịch Đà Nẵng hay các địa phương khác như Hà Nội, Đăk Lăk, TPHCM với một tâm trạng, cảm xúc hả hê khác thường, kiểu như: đợt này Đà Nẵng “toang rồi, toang thật rồi”, Hà Nội “toang rồi”…
|
Nhiều người thích dùng từ "toang" một cách vô duyên để gắn cho Đà Nẵng đang oằn mình chống dịch. |
|
Ảnh chụp màn hình Facebook. |
Bắt nguồn từ một câu troll (hài hước) của nhóm hài mạng 1977Vlog trong clip hài chế từ tác phẩm văn học Lão Hạc "Toang rồi ông giáo ạ!”, từ “toang” lại được giới trẻ mang ra sử dụng vô tội vạ, từ đời thực đến mạng xã hội.
“Toang” trong clip hài chế này có nghĩa là “toi đời”, “tiêu tùng”… "Toang” chỉ thực sự có nghĩa khi nói vui trong một vài ngữ cảnh hài hước khó đỡ nào đó.
Tai hại thay, “toang” lại trở thành “trend”, thành câu cửa miệng của giới trẻ, của “giang hồ mạng”, hở ra là “toang rồi”, “toang thật rồi”… đến mức nó dần trở nên chướng tai và cực kỳ méo mó, xấu xí. Nhất là khi được lôi ra sử dụng để nói về quê hương mình khi đang phải oằn mình chống dịch bệnh.
Một từ “toang” vô duyên nhưng cũng có thể trở thành mũi dao đâm xuyên tim những người đang gồng mình chống dịch, đau lòng hứng chịu hậu quả nặng nề vì dịch bệnh. Tại sao người ta lại hả hê trên nỗi đau của chính đồng loại, của quê hương máu mủ ruột rà mình như thế?
Thoạt đầu, "toang” không khiến người ta khó chịu, chỉ đến khi tần suất xuất hiện và ngữ cảnh xuất hiện của nó khiến “toang” trở nên vô duyên, vô nghĩa. Nhiều người, cả trí thức lẫn bình dân đã giận dữ lên tiếng chỉ trích và yêu cầu những cá nhân “không não” này ngưng ngay việc phát ngôn vô duyên, vô bổ, cẩu thả ấy.
Cách đây không lâu, nhà thơ Nguyễn Thị Việt Hà đã bức xúc lên tiếng. Chị viết: “Cái từ vô duyên, lạnh lẽo và hả hê ấy được sinh ra từ đâu và từ bao giờ gắn lên miệng một số người?”. Sau đó, vô số người dùng mạng xã hội là các nhà văn, nhà giáo, nhà báo… khác cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này.
|
Nhà thơ Nguyễn Thị Việt Hà bức xúc lên tiếng. Ảnh chụp màn hình Facebook nhân vật. |
Thoạt nhìn việc này có vẻ không có gì “ghê gớm”. Nhưng theo sau những lần thản nhiên quăng “toang” cho các địa phương chịu ảnh hưởng dịch bệnh, một số “trẻ trâu” lại châm ngòi cơn giận của người dân bằng việc liên tục đăng đàn những phát ngôn “ngáo”, ngông cuồng, thiếu ý thức.
Người dùng mạng xã hội được phen “giận sôi gan” khi đọc được bài post của một hướng dẫn viên du lịch trẻ. Người này thích thú kể lại việc đã nhanh chân đưa đoàn du khách mình hướng dẫn “tẩu thoát” khỏi Đà Nẵng đến Huế trước giờ G - giờ thành phố Đà Nẵng phong tỏa tất cả các phương tiện đường bộ, hàng không để phòng chống COVID-19. “Ý thức tồi” là bình luận nhiều nhất dành cho trường hợp này. Nói dại, nếu trong đoàn du khách có người là ca F0, F1… thì Huế sẽ ra sao? Bạn có còn được hả hê lên mạng xã hội khoe chiến tích?
Ca sĩ Hòa Minzy mới đây cũng một phen “vạ miệng” nhớ đời khi cẩu thả chia sẻ “phát ngôn” giả mạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về tình hình COVID-19 hiện nay. Sự cố “vạ miệng” xuất phát từ tính “nhanh nhảu đoảng” và tâm lý thích câu view, câu like này có khiến cô ca sĩ “muối mặt” trước công chúng? Ông bà ta nói “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, đố có sai!
|
Tin giả được Hòa Minzy chia sẻ khiến cô phải chịu nộp phạt mới đây. Ảnh chụp màn hình. |
Gần đây nhất, cơn giận của dư luận bùng lên đỉnh điểm trước bài post của một cô gái đòi “thiêu sống” Đà Nẵng để dập dịch. Hình chụp bài post của cô gái này được chia sẻ mạnh mẽ khiến các hội nhóm bùng nổ. Mất não, mất nhân tính, không phải người… là những cụm từ nặng nề nhất của cộng đồng mạng “ném” lại chủ nhân bài post. Không chỉ giận dữ, người ta còn “sốc nặng” với kiểu “trẻ trâu” ăn nói hàm hồ như thế. Và “Không hiểu sao xã hội lại tồn tại những thể loại này?”. Thậm chí có người còn bức xúc nói thẳng: “không nói không ai biết mình câm”.
Giá như những cá nhân phát ngôn ngông cuồng đó biết xúc động trước hình ảnh đẹp của các bác sĩ, điều dưỡng từ các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TPHCM hối hả lên đường chi viện Đà Nẵng phòng, chống dịch; hay bức ảnh ngay trong bệnh viện, nữ bác sĩ hy sinh mái tóc dài để xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Hàng triệu trái tim đang hướng về và cầu nguyện cho Đà Nẵng…
Những phát ngôn “mất não” không nói được gì.
Nếu đã không giúp ích được gì cho xã hội, thì cũng xin đừng tỏ “thái độ” với quê hương mình như thế. Bạn sinh ra ở đâu? Mảnh đất nào đã cưu mang và nuôi dưỡng bạn? Nhớ lại đi!
Trần Huyền Trang