17 năm trước, sau 3 tháng thành lập, Công ty cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet Corporation) vượt qua 3 đối thủ thâm niên trên thị trường, trở thành đối tác độc quyền của Mercer (công ty tư vấn nhân sự hàng đầu thế giới) tại Việt Nam và hiện là tại Campuchia.
3 năm sau đó, Talentnet tiếp tục gây tiếng vang khi trở thành đối tác chiến lược của ADP Streamline - một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về giải pháp nhân sự thuê ngoài, tính lương, quản lý phúc lợi.
Từ 12 nhân viên buổi đầu, Talentnet hiện có 400 nhân viên, bắt đầu vươn ra thị trường Campuchia và Singapore. Mục tiêu của Talentnet được chị Tiêu Yến Trinh - sáng lập và điều hành - xác lập rõ từ đầu: trở thành doanh nghiệp Việt Nam cung cấp toàn diện các giải pháp nhân sự đạt chuẩn quốc tế và niềm tự hào “là người Việt Nam”.
Xuyên suốt hành trình đó, cách nhìn nhận của các lãnh đạo doanh nghiệp về Talentnet không chỉ dừng lại ở một công ty kinh doanh mà còn là công ty mang lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng nhân lực.
Thành quả trên xuất phát từ tầm nhìn và tâm huyết của nữ CEO này, khi chị dành hơn 40% thời gian để hỗ trợ các nhà khởi nghiệp trẻ, tích cực tham gia nhiều diễn đàn, hội nghị để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm.
Song song đó, nhiều năm qua Talentnet còn khởi tạo các chương trình chia sẻ kiến thức, xu hướng mới về quản trị nhân sự trong xu hướng toàn cầu cho cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng thiết lập giải thưởng chính quy về nhân sự mang tên Vietnam HR Awards. Vượt ra ngoài một giải thưởng đơn thuần, Vietnam HR Awards truyền cảm hứng đến cộng đồng doanh nghiệp, tôn vinh những chiến lược nhân sự sáng tạo, mới mẻ, đặt hạnh phúc toàn diện của người lao động làm trọng tâm.
Đến nay, Tiêu Yến Trinh vẫn say mê và tràn đầy nhiệt huyết trên hành trình này. Tôi tin rằng bất kỳ ai gặp chị cũng đều được truyền năng lượng vui tươi và cảm hứng thay đổi để bản thân, tổ chức bền vững hơn, hạnh phúc hơn.
Khát vọng xây dựng doanh nghiệp nhân sự việt chất lượng quốc tế
Phóng viên: Có thể xem sự nghiệp của chị tính đến thời điểm này có 2 bước ngoặt lớn. Thứ nhất, trở thành tư vấn viên cao cấp tại PwC - 1 trong 4 công ty kiểm toán uy tín nhất thế giới thay vì giáo viên tiếng Anh. Thứ hai, khởi dựng Talentnet trên nền tảng của ESS (bộ phận tuyển dụng nhân sự cấp cao của PwC). Đâu là động lực thúc đẩy chị chọn hướng đi khác biệt và nhiều thách thức thay vì một con đường an toàn, quen thuộc?
Chị Tiêu Yến Trinh: Tôi nghĩ động lực nằm ở 4 yếu tố mà có lẽ cũng là tính cách của tôi: sự linh hoạt, sáng tạo, niềm yêu thích đặc biệt khi tiếp xúc với con người và hạnh phúc khi làm một công việc mang lại giá trị cho người khác. Người ta thường bảo con người là một biến số, rất khó để quản trị. Tôi lại cảm thấy cực kỳ thú vị.
Tất nhiên, để nhận ra được điều mình yêu thích cần một quá trình làm việc, thử sức và khám phá bản thân. Tôi lờ mờ nhận ra được những điều này trong quá trình làm thêm một số công việc kinh doanh thời đại học.
Do đó, sau khi tốt nghiệp, tôi nghĩ sao mình không thử sức tại các công ty tư vấn để học nghề cũng như phát triển bản thân và tiếp xúc với khách hàng trong lĩnh vực dịch vụ. May mắn thay, công việc đầu tiên của tôi là ở PwC - một trong những công ty tư vấn hàng đầu thế giới. Tôi học được rất nhiều kiến thức, kỹ năng thú vị, hữu ích song song với việc thực hành và được trao thêm nhiều cơ hội mới.
Tôi rẽ sang nhánh đào tạo, tư vấn, phát triển con người và gắn bó với nghề “headhunt” (“săn” những ứng viên quản lý cấp cao cho các công ty, tập đoàn).
* Điều gì làm nên sự khác biệt của chị và đội ngũ lúc đó?
- Trong bối cảnh có rất nhiều headhunter trên thị trường, tôi tâm niệm, sau cuộc gặp, ứng viên phải nhận được điều gì giá trị hơn, xuất phát từ khát vọng, tâm tư và hoàn cảnh của họ chứ không đơn giản là mình cầm CV của họ đi rải chỗ này chỗ kia để họ có lương, vị trí cao hơn.
Muốn được như vậy, phải đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu. Từ đó, trong mỗi cuộc gặp, tôi luôn nghĩ làm thế nào để ứng viên hiểu được bối cảnh thị trường lao động ra sao, giá trị của họ đang ở đâu và nếu tìm kiếm cơ hội mới thì nên theo những hướng nào là tốt nhất. Làm nghề có thể mang đến giá trị thực sự cho người khác khiến tôi vô cùng hạnh phúc.
Cứ như vậy, cộng đồng ngày càng lớn mạnh hơn. Tôi trở thành trưởng bộ phận nhân sự (ESS) sau 2 năm. Khi công ty mở rộng mảng tư vấn cho doanh nghiệp, từ cấu trúc, cơ cấu tổ chức, lương bổng, hệ thống quản lý hiệu quả công việc… tôi được đào tạo thêm về mảng tư vấn và bước vào lĩnh vực này.
Sau 10 năm làm việc, tôi là người Việt Nam đầu tiên ở công ty được cân nhắc phụ trách cả hai mảng headhunt và tư vấn cho doanh nghiệp.
* Ở bước ngoặt thứ hai thì sao?
- Luật kiểm toán tại Mỹ không cho phép tồn tại song song dịch vụ headhunt trong công ty, tránh mâu thuẫn lợi ích về sau. PwC buộc phải giản tán bộ phận ESS. Họ muốn chuyển tôi sang bộ phận khác, đồng thời tìm hướng bán ESS cho một số công ty đang muốn vào Việt Nam.
Trước đó, đã có rất nhiều người rủ tôi ra làm công ty khác nhưng tôi từ chối vì thực sự biết ơn và yêu PwC. Tuy nhiên, trong tình huống như vậy, khát vọng xây dựng một doanh nghiệp Việt mang chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế và giá trị cho cộng đồng người Việt, doanh nghiệp Việt trong tôi trỗi dậy mạnh mẽ.
Thay vì đi làm ở công ty khác, tôi đã dành 3 tháng thương thảo PwC chuyển giao ESS cho mình. Nhờ chiến lược, tầm nhìn rõ ràng, tôi đã thuyết phục thành công. Tháng 11/2007, Talentnet ra đời.
* Khởi nghiệp luôn là câu chuyện phiêu lưu hấp dẫn về độ thử thách. Bởi, chúng ta có thể giỏi chuyên môn, có thể được kế thừa một nền tảng tốt nhưng không có nghĩa sẽ thành công…
- Trước đó 6 tháng, tôi đã có những bước chuẩn bị và làm cùng lúc 3 việc theo nguyên tắc 10-20-70. 10% là học lớp điều hành doanh nghiệp. 20% là học từ thực tiễn những người thành công.
Ông bà mình có câu: “Học đi đôi với hành”. 70% còn lại chính là bắt tay vào thực hành. Nếu chỉ ngồi một chỗ và suy nghĩ thì suy nghĩ đó cũng chỉ nằm trên giấy. Bạn có thể không giỏi tất cả nhưng cần hiểu được sở trường, sở đoản của bản thân, biết mình cần bổ sung gì. Hãy sẵn sàng chia sẻ giá trị, mời những đối tác giỏi, đáng tin để đồng hành.
Thay đổi hay là bị bỏ lại?
* Là công ty chuyên về kết nối, tìm kiếm nhân tài và tư vấn cho doanh nghiệp, đâu là hệ giá trị Talentnet theo đuổi?
- Triết lý kinh doanh của tôi là tạo sự khác biệt, mang lại giá trị cho khách hàng và mỗi nhân viên, nâng cao đời sống của nhân viên. Với triết lý đó, hệ giá trị cốt lõi của Talentnet được xây dựng dựa trên những yếu tố đều lấy con người làm trung tâm.
Hệ giá trị này được khuyến khích áp dụng trong công việc và hướng về đời sống của nhân viên. Tức là khi nhân viên hoàn thành xuất sắc trong công việc thì bước chân ra đời hoặc trong gia đình, họ cũng xuất sắc, có tinh thần chiến đấu chứ không bỏ cuộc. Hoặc khi họ quan tâm đến đồng nghiệp, con người thì về nhà cũng quan tâm gia đình.
Quan trọng nhất, theo tôi là người lãnh đạo phải nói được làm được. Ví dụ nói minh bạch thông tin và tài chính thì ngay từ đầu, người lãnh đạo phải thiết lập cơ chế để làm điều đó. Chỉ có như vậy mới tạo được giá trị bền vững và nội bộ tin tưởng lẫn nhau.
* Con người luôn tồn tại 2 tư duy song song, vừa cầu tiến vừa thích ổn định, an toàn. Làm thế nào để tư duy cầu tiến trở thành tiền đề cho những cơ hội mới khai mở trong bối cảnh thị trường lao động nhiều biến động như hiện nay?
- Bây giờ, tư duy ổn định, an toàn có thể đồng nghĩa với việc mình không tồn tại. Trước tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, thế giới không ngừng thay đổi, thị trường lao động cũng biến động theo. AI và chatbot ra đời đã và đang dần thay thế những kỹ năng cũ của con người.
Suy nghĩ mở ở đây là làm sao tạo cơ hội cho bản thân học cái mới, nâng cao kỹ năng, hiểu biết sâu sắc về những gì đang diễn ra trong tổ chức, vai trò của mình. Nếu không thay đổi, mình sẽ bị tụt hậu trong vòng 2-3 năm tới, sau đó bị thay thế.
Có 3 nhóm công việc trong thị trường lao động hiện nay. Thứ nhất, nhóm công việc tay chân (hand) có thể thay thế hoàn toàn bằng máy móc, công nghệ. Nhóm thứ hai, suy nghĩ (head) kết hợp giữa máy móc và con người. Khi công nghệ phát triển cao hơn, nhóm này cũng sẽ bị thay thế. Cuối cùng, nhóm thuộc về trái tim (heart), không thể thay thế.
Các công việc thuộc nhóm này xoay quanh việc xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người. Do đó, để không bị thay thế, chúng ta phải nâng cao giá trị của bản thân, đồng thời tạo ra giá trị cho người khác.
Có câu, “kỹ năng là tiền tệ”, do đó hãy tích lũy thêm nhiều kỹ năng. Đòi hỏi thay đổi diễn ra với mọi người, mọi ngành, từ nhân viên đến quản lý, kể cả người lãnh đạo. Khi con tàu lao về phía trước, nếu không thay đổi, chúng ta sẽ bị bỏ lại.
|
Chị thường xuyên được mời làm diễn giả các diễn đàn, hội thảo chuyên đề về quản trị doanh nghiệp, nhân sự |
* Công nghệ có phải là ưu thế của nguồn nhân lực trẻ, thưa chị?
- Đúng là như vậy. Người trẻ hiện tại có rất nhiều thuận lợi về công nghệ. Tuy nhiên, họ cần tính kiên trì để học hỏi và nâng tầm bản thân cũng như khả năng tập trung hơn. Bởi cũng vì có quá nhiều ý tưởng, quá nhiều bước nhảy nên con đường của họ thường kém bền vững.
Nguồn lực doanh nghiệp trong tương lai, tôi cho là sự kết hợp giữa công nghệ và con người (phần con người lại được chia thành 3 nguồn, gồm cố định, linh động và hợp tác). Người chủ doanh nghiệp phải tiết chế, quản trị làm sao để cân bằng sự kết hợp này.
* Quan sát nguồn nhân lực nữ trong 20-30 năm qua, chị thấy đã có những sự thay đổi nào?
- Phụ nữ Việt Nam thời nào cũng rất giỏi, tài năng và có năng lực quán xuyến cực kỳ tốt. Trong khối ASEAN, năng lực này không hề kém cạnh. Trên mặt bằng chung, nhân lực nữ Việt Nam tại các đô thị được coi trọng từ trong gia đình cho đến tổ chức. Tôi chưa thấy doanh nghiệp nào trả lương thấp chỉ vì nhân viên là nữ. Đây là điều rất nhiều phụ nữ ở các quốc gia khác, kể cả các quốc gia tiến bộ, đã và đang đấu tranh.
Trong 20 năm qua, về tiến bộ, quan sát của tôi từ thực tiễn doanh nghiệp Việt và trong các diễn đàn, phụ nữ tham gia rất nhiều. Điểm chung của các chị em là cởi mở và chịu khó học hỏi. Làm gì cũng chịu thương chịu khó.
Hạn chế ở đây là khi lên cấp lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cao cấp, tỉ lệ % nữ lại ít đi. Nguyên do đến từ việc khi dẫn dắt doanh nghiệp, cần kết nối, giao tiếp, gặp gỡ khách hàng nhiều nhưng phụ nữ bị hạn chế vì lập gia đình, sinh con, chăm sóc con nhỏ.
|
Chị Tiêu Yến Trinh (thứ hai từ phải qua) nhận danh hiệu Nữ doanh nhân xuất sắc TPHCM lần 1 |
Gánh vác này khá nặng nên nhiều chị em chọn lùi lại, tạo sự ổn định, thậm chí từ chối cơ hội đến với mình. Mỗi người có sự lựa chọn, cần tôn trọng nhưng tôi khuyến khích chị em thử trao cho bản thân cơ hội. Mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy.
Tuy nhiên, tôi nhận ra, nếu phụ nữ thế hệ trước có thể xem gia đình, con cái là lẽ sống thì thế hệ phụ nữ trẻ ngày nay không chỉ dừng lại như vậy. Các bạn chọn điều làm bản thân hạnh phúc nhất, không bị chi phối bởi mong muốn của bất kỳ ai, kể cả gia đình, người thân. Họ nghĩ thoáng hơn, tự do hơn, độc lập hơn, sắc bén hơn và cũng biết hưởng thụ cuộc sống hơn. Sự lựa chọn của họ khiến tôi học được cách yêu thương bản thân nhiều hơn.
Lễ nghĩa và kết nối là nền tảng của gia đình
|
Chị và chồng luôn muốn trở thành bạn của 2 con, lắng nghe để biết con đang nghĩ gì, đang băn khoăn gì |
* Lịch trình của chị luôn kín, từ việc ở công ty cho đến tham gia các diễn đàn, các buổi tư vấn cho cộng đồng khởi nghiệp, chưa kể đến chăm sóc gia đình. Vậy nhưng tôi luôn thấy ở chị hình ảnh tươi vui, tràn đầy năng lượng. Bí quyết quản trị năng lượng ở đây là gì, thưa chị?
- Trong công việc, tôi may mắn có dàn lãnh đạo giỏi. Nhờ chiến lược, định hướng, mục tiêu rõ ràng, cứ thế tôi trao quyền và phân vai để các bạn chủ động xử lý công việc. Thành ra, 60% tôi dành cho việc điều hành doanh nghiệp, 40% còn lại là tham gia các diễn đàn, hỗ trợ tư vấn nhiều cộng đồng khởi nghiệp…
Khả năng quản trị, năng lực lãnh đạo, truyền cảm hứng và thấu hiểu rất quan trọng. Dù rất bận nhưng bất cứ nhân viên nào trong tổ chức cần truyện trò, huấn luyện thì tôi rất sẵn sàng. Từ cấp quản lý trở lên, vào dịp sinh nhật, tôi đều cố gắng gặp từng người để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các bạn.
Bí quyết khác đến từ triết lý maslow về quản trị năng lượng. Cấp thấp nhất là ăn uống ngủ nghỉ. Tôi luôn lắng nghe cơ thể mình và ngủ đủ giấc mỗi ngày. Tiếp đến là xây dựng năng lượng tích cực. Mình không chỉ sống cho bản thân mà còn cần truyền đi nguồn năng lượng tích cực.
Muốn vậy, đời sống mình cần có sự bao dung, biết đặt bản thân vào vị trí của người khác để hiểu hơn về họ. Hãy thử xoay 360 độ khi gặp việc gì đó không vui để có những góc nhìn khác nhau. Không có đúng sai, chỉ là khác nhau về góc nhìn.
Có lẽ tôi may mắn khi sinh ra đã thấy việc gì đến cũng là nước đầy. Kể cả khi khách hàng phàn nàn, tôi cũng cho đó là cơ hội. Quan trọng nhất là thiết lập tư duy lạc quan. Mình được sống là điều may mắn, cần sống trọn vẹn từng phút giây và có giá trị nhất. Để thu hút người khác, trước hết mình phải hấp dẫn. Hấp dẫn ở đây không đến từ vẻ bề ngoài hay phục sức đắt tiền, sang trọng mà đến từ nội lực, ý chí và sự tự tin của mỗi người.
Muốn thế, phải đặt mục tiêu cuộc sống rõ ràng thay vì để bản thân “bèo dạt mây trôi”, phải biết yêu bản thân, dành 20 - 30% thời gian cho bản thân để làm những gì mình thích và cảm thấy hạnh phúc.
|
Ngoài lĩnh vực nhân sự chị còn tham gia đóng góp và phát triển các hội, hiệp hội, câu lạc bộ khác với mong muốn góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo tại Việt Nam và giúp doanh nghiệp kiến tạo sự đột phá trong kinh doanh |
* Ngoài công việc và tham gia các hoạt động cộng đồng, chị còn niềm vui nào khác?
- Tôi thường tổ chức tiệc tùng với bạn bè, kết nối gia đình 2 bên, yêu thương không phân biệt bên anh hay bên em. Tôi nghĩ, trong cuộc đời, cơ duyên trở thành máu mủ ruột rà của nhau ở kiếp này đã là một hạnh ngộ, kiếp sau biết có gặp lại nhau không nên tôi luôn chủ động kết nối để các thành viên trong gia đình 2 bên dành thời gian cho nhau.
Muốn có trái ngọt cần dành tâm sức gieo hạt, vun xới, chăm bẵm. Muốn thế hệ sau thân nhau, gắn bó với nhau thì cần kết nối, phát triển mối quan hệ ruột rà. Cuộc sống có hiện đại cách mấy thì nếp sống, nếp nghĩ của một gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ sau. Lễ nghĩa, sự kết nối, lòng yêu thương, tính sẻ chia và quan tâm trong gia đình vô cùng quan trọng.
* Là một nhà quản trị giỏi, chị “quản trị” các con và cuộc sống gia đình thế nào?
- Tôi vẫn trò chuyện sâu với các con mỗi tuần dù các con đã đi học xa nhà. Tôi trở thành bạn của 2 con, lắng nghe để biết con đang nghĩ gì, đang băn khoăn gì. Tôi để các con yên tâm rằng mẹ là một nguồn lực chứ không phải đưa ra yêu cầu con phải thế này, thế kia.
Tôi cũng tạo cơ hội cho con hỗ trợ và giúp đỡ người khác, truyền cho con cảm hứng mang đến giá trị cho người khác. Chẳng hạn con của bạn mẹ cần định hướng, cần tìm trường hoặc đang gặp khó khăn thế này, con giúp mẹ nha. Tôi cũng dạy 2 con từ nhỏ phải biết yêu thương người khó khăn, biết giữ lễ nghĩa gia đình.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Theo thống kê năm 2023 của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), Việt Nam là đại diện châu Á duy nhất nằm trong tốp 10 quốc gia có tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Theo đó, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động là 78,2% (so với nam giới là 86%). Tỉ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 đạt 27,2%. Tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%. Riêng tại TPHCM, trong năm 2023, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đã góp phần vào tỉ lệ tăng trưởng GRDP thành phố đạt 5,81%, chiếm hơn 28% lực lượng doanh nhân TPHCM (thành phố có hơn 560.000 doanh nghiệp). Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE) - nhấn mạnh, điểm chung của các nữ doanh nhân là luôn vững vàng trước khó khăn. Bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, các nữ doanh nhân vẫn luôn vững vàng tiến về phía trước, lèo lái doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của thành phố và cả nước, mang lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng. |
Hoàng Linh Lan (thực hiện)
Ảnh do nhân vật cung cấp