Vừa qua, thông tin bộ phim Vị của đạo diễn trẻ Lê Bảo bị Cục Điện ảnh cấm phát hành, vì có cảnh quay khỏa thân tập thể dài 30 phút, đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Trước đó, vào tháng Tư vừa qua, nhà sản xuất phim này đã bị phạt vì thi “chui” ở Liên hoan phim Berlin 2021.
Câu chuyện bị phạt vì gửi phim thi lậu, rồi gặp trục trặc khâu kiểm duyệt sau khi giành giải thưởng nước ngoài (Vị nhận giải đặc biệt của ban giám khảo hạng mục Encounters tại Liên hoan phim Berlin) của Vị, gợi nhớ đến trường hợp tương tự của phim Ròm trước đây. Ở cả Vị và Ròm, ngoài sự trùng hợp đi thi “chui”, được tôn vinh ở nước ngoài, nhưng về đến Việt Nam bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, thì còn có điểm chung khi đều là sản phẩm đầu tay của những đạo diễn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X thực hiện: Trần Thanh Huy (phim Ròm), Lê Bảo (phim Vị).
|
Cảnh đánh nhau trong phim Ròm |
Không thể phủ nhận cả hai đều là những tài năng của bộ môn nghệ thuật thứ bảy, và tác phẩm của họ được người trong nghề đánh giá có sự tìm tòi, sáng tạo, góc nhìn mới lạ, thậm chí táo bạo. Đây cũng chính là những yếu tố góp phần giúp hai phim được ban giám khảo, khán giả quốc tế tôn vinh.
Tuy nhiên, đặt qua một bên chất lượng nghệ thuật của phim - một thứ khó đo lường bằng sự định tính, định lượng - thì những gì gây sốc đối với công chúng ở hai phim trên là các yếu tố bạo lực, cảnh nóng; là những góc nhìn cuộc sống đầy gai góc, tối tăm, nhiều uẩn ức.
Vị kể câu chuyện về một người đàn ông Nigeria sống ở Việt Nam cùng với bốn người phụ nữ mà tất cả sinh hoạt đời thường của họ đều trong trạng thái khỏa thân hoàn toàn. Ròm là lát cắt trần trụi về những nạn nhân của lô đề, là cuộc chạy đua mưu sinh đầy máu me của những cậu bé “cò đề”.
Có một ngạc nhiên không nhỏ khi những điều tăm tối, trần trụi kia lại là thứ mà những đạo diễn trẻ khai thác và “bê” lên màn ảnh chứ không phải là những điều tốt đẹp, những mặt tích cực trong cuộc sống. Lẽ nào những người trẻ làm nghệ thuật lại chỉ nhìn cuộc sống xung quanh bằng con mắt bi quan, bế tắc thế kia?
Trong Ròm, từ đầu đến cuối, bối cảnh và cách mô tả nhân vật của phim hết sức gai góc, đen tối. Bữa ăn của Ròm là mẩu bánh mì cũ của ngày hôm trước; quần áo rách rưới, bẩn thỉu. Ròm cũng chẳng ngại chui vào ngôi mộ trống đầy rác và bùn. Một nhân vật khác thì ngủ trong quan tài. Bối cảnh chung cư tồi tàn và mọi hoạt động diễn ra như thể một khu tự trị, không có bóng dáng của cơ quan quản lý nhà nước. Chất bạo lực đậm đặc, theo hướng tả thực nỗi đau thể xác, nhất là trường đoạn đánh nhau trong vũng bùn của Ròm và Phúc. Cho đến kết phim Ròm, khán giả vẫn không nhìn thấy lối thoát cho nhân vật chính.
Còn với phim Vị, hãy nghe mô tả của nhà báo Việt Văn (thành viên hội đồng duyệt): “Chưa nói chuyện khỏa thân đi lại trước mặt nhau, mà những phân đoạn khác của phim cũng xa lạ với văn hóa của người Việt”. Thử hỏi với những gì diễn ra đầy xấu xa, dị hợm như vậy trên phim, thì Vị mang lại những giá trị, thông điệp nhân văn gì cho người xem?
|
Phim Vị bị cấm vì có quá nhiều cảnh khỏa thân |
Cả Ròm và Vị đều là sản phẩm của những nhà làm phim trẻ độc lập, được làm từ kinh phí mà đạo diễn xin được từ các quỹ nước ngoài. Đích đến của những bộ phim như vậy thường là các liên hoan phim quốc tế, nên cũng dễ hiểu khi các đạo diễn có xu hướng chọn đề tài, cách thể hiện gai góc, u tối, trần trụi, đặc biệt nhấn vào yếu tố bạo lực, cảnh nóng để gây ấn tượng mạnh với khán giả nước ngoài.
Khi làm, chắc chắn người trong cuộc cũng đã lường trước việc phim sẽ gặp khó khi kiểm duyệt. Lựa chọn này thật đáng buồn và đáng tiếc, vì một bộ phim nói tiếng Việt nhưng không thể đến với khán giả quê nhà, thì có đoạt nhiều giải thưởng quốc tế cũng đâu lấy gì làm vẻ vang.
Ban giám khảo, công chúng quốc tế có gu riêng, họ thích những gì độc đáo, trần trụi, táo bạo, nhưng bất cứ tác phẩm điện ảnh nào cũng phải được sản sinh dựa trên chuẩn mực riêng, theo thuần phong mỹ tục của nước đó. Với văn hóa Việt, đó là chân - thiện - mỹ, mà những giá trị này không thể bao gồm quá nhiều yếu tố bạo lực, khỏa thân.
Trailer phim Ròm:
Nghệ thuật luôn tôn trọng sự sáng tạo, nhưng sáng tạo nào cũng cần tuân thủ nguyên tắc nghệ thuật, đó là hướng công chúng đến cái đẹp, cái hay, “gạn đục khơi trong” những điều tốt đẹp trong cuộc sống chứ không phải chỉ chăm chăm nhìn vào những mặt tối, mặt xấu (mà những mặt tối đó cũng xa lạ với xã hội Việt Nam) để khai thác hòng gây chú ý, để tạo “nét” riêng.
Thế mạnh của tuổi trẻ là sức sáng tạo, nhưng trong nghệ thuật, đó nên là những phát hiện mới lạ góp phần tạo ra cảm xúc tươi tắn, thú vị cho người xem, chứ không nên là những tìm tòi gây ra những ám ảnh, bi quan. Góc nhìn u ám, tiêu cực đó càng không nên đến từ thế hệ trẻ, những người vốn được coi là nguồn năng lượng tích cực của xã hội, là những người được tin tưởng mang sứ mệnh truyền cảm hứng cho mọi người.
Đạo diễn trẻ ơi, vì vậy xin hãy “gạn đục khơi trong”.
Nguyễn Ngọc