Băn khoăn với dự thảo nghị quyết về nhà ở thương mại

22/11/2024 - 06:18

PNO - Ngày 21/11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, một số đại biểu đề nghị làm rõ phạm vi áp dụng để tránh xâm phạm các loại đất cần quản lý nghiêm ngặt.

Phải bảo vệ đất nông nghiệp, đất rừng

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (tỉnh Quảng Bình) cho hay, trong Luật Đất đai hiện hành, có tất cả 7 loại đất nông nghiệp, 9 loại đất phi nông nghiệp (trừ đất ở).

Còn dự thảo nghị quyết này quy định, tất cả các loại đất đều được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để xây dựng các dự án nhà ở thương mại, trong đó có một số loại đất cần được quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt, như đất quốc phòng, an ninh; đất phục vụ hoạt động khoáng sản; đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên. Ông đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ vấn đề này.

Cùng mối băn khoăn, đại biểu Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) cho rằng, cần có những quy định chi tiết về điều kiện thí điểm thực hiện dự án nhằm bảo vệ môi trường, đặc biệt là với các dự án trên đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải đất ở, để đảm bảo các dự án phát triển nhà ở không ảnh hưởng đến an ninh lương thực và các hệ sinh thái nông nghiệp hiện hữu.

Ông nói: “Các nước như Thái Lan và Philippines quy định rõ ràng về điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng các công trình thương mại, trong đó có các tiêu chí về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên đất bền vững”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (tỉnh Đồng Nai) lo lắng sẽ có tình trạng thu gom đất nông nghiệp,  đầu cơ đất đai chờ lên giá - Nguồn ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (tỉnh Đồng Nai) lo lắng sẽ có tình trạng thu gom đất nông nghiệp, đầu cơ đất đai chờ lên giá - Nguồn ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Công Long (tỉnh Đồng Nai) cũng cho rằng, còn nhiều vấn đề đáng quan ngại trong chính sách thí điểm này. Theo ông, thí điểm về đất đai khác với các chính sách khác, bởi khi đã xây dựng các công trình trên đó và đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì không có khả năng khắc phục và tác hại, hệ lụy cũng khôn lường, đặc biệt là khi Việt Nam coi trọng và đặt ra rất nhiều mục tiêu về an ninh lương thực, về sử dụng đất đai.

Ông cho rằng, khi thí điểm thực hiện chính sách này, tình trạng thu gom đất nông nghiệp, đầu cơ đất đai chờ lên giá sẽ càng trở nên nóng bỏng, khó kiểm soát:

“Câu chuyện thu gom đất nông nghiệp đã có hàng chục năm nay. Chúng tôi cũng hiểu tại sao các hiệp hội, các nhà đầu tư rất kiên trì vận động Chính phủ, Quốc hội theo đuổi chính sách này. Đó là vì lợi nhuận. Đối với lĩnh vực nhà ở thương mại thì lợi nhuận tối đa nhất chính là chênh lệch địa tô. Nếu chiếu theo các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở hiện hành thì lợi nhuận không còn nhiều”.

Dẫn chứng vụ vi phạm của Công ty Địa ốc Alibaba, ông băn khoăn về biện pháp chống việc mua gom đất đai trái phép. Ông cho rằng, Alibaba đã nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn nhưng do hành vi quá manh động nên bị xử lý, còn những doanh nghiệp khác khôn khéo hơn vẫn âm thầm thu gom đất và chờ chính sách này được ban hành.

Trong dự thảo nghị quyết, có quy định chỉ được phép thực hiện dự án với điều kiện không vượt quá 30% diện tích tăng thêm trong kỳ quy hoạch.

Ông Nguyễn Công Long cho rằng, điều này là cần thiết nhưng các doanh nghiệp không khó để nới hạn mức diện tích này. Nếu rơi vào đất lúa, đất rừng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thì 30% này đủ để lại hậu quả không thể khắc phục. Do đó, ông đề nghị Chính phủ có giải pháp kiểm soát việc chuyển đổi đất lúa, đất rừng sang mục đích khác.

Quan tâm hơn tới nhà ở xã hội

Dự thảo nghị quyết hướng tới việc tháo gỡ khó khăn về nguồn cung nhà ở thương mại, nhưng theo nhiều đại biểu, vấn đề cần quan tâm hơn lại là nhà ở xã hội. Đại biểu Nguyễn Công Long nói: “Người ta tính rằng, một công chức nếu nhịn ăn nhịn tiêu thì phải mất vài trăm năm mới mua được nhà. Câu hỏi mà cử tri đặt ra là tại sao không có cơ chế thí điểm để tháo gỡ cho nhà ở xã hội mà chỉ dành cho nhà thương mại” - ông nói.

Đại biểu Nguyễn Huy Khánh (tỉnh Đồng Nai) cũng đề nghị Chính phủ “nhìn thẳng vào sự thật” là trên khắp cả nước, có rất nhiều khu nhà thương mại, nhiều khu đô thị được xây dựng xong nhưng không có người ở. Trong khi đó, nhu cầu thực sự của đại đa số người dân là nhà ở xã hội.

Ông đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta không dành quỹ đất, không dành những nghị quyết cho nhà ở xã hội khi mà những người có thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng, thậm chí 20 triệu đồng/tháng không thể mua nổi nhà ở thương mại?”.

Trước những băn khoăn, góp ý của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy thông tin, theo luật hiện hành, các dự án nhà ở thương mại có quy mô đất dưới 20ha sẽ không có phương thức tiếp cận đất đai do không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất và cũng không thuộc diện được thỏa thuận, nhận chuyển quyền hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất nếu trong diện tích đó không có đất ở. Vì vậy, dự thảo nghị quyết ra đời nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang xảy ra ở tất cả các địa phương trên cả nước.

Ông cho hay, an ninh lương thực, đất trồng lúa, đất trồng rừng là vấn đề được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho đến quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, trong đó đã xác định có bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp được chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.

Ông khẳng định: “Dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của nghị quyết này thì tất cả các dự án đều phải tuân thủ quy hoạch, giữ ổn định 3,5 triệu héc ta đất lúa và bảo đảm độ che phủ rừng ổn định 42%”.

Về vấn đề để kiểm soát chặt chẽ quy trình, thủ tục, tránh trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi, thu gom đất, hưởng chênh lệch địa tô, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói nghiêm túc tiếp thu và sẽ được quy định chi tiết, cụ thể trong nghị định hướng dẫn thi hành nghị quyết này.

Nghị quyết có thể tạo ra mặt bằng giá đất mới

Việc cho phép thỏa thuận nhượng quyền sử dụng đất sẽ tạo ra mặt bằng giá mới cho đất không phải là đất ở. Ví dụ, giá đất nông nghiệp chỉ 500.000 đồng/m2 nhưng doanh nghiệp sẵn sàng trả giá lên 2-3 triệu đồng/m2. Điều này dẫn đến sự so bì khi Nhà nước thu hồi đất để làm các dự án, từ đó nảy sinh tranh chấp, khiến việc thu hồi đất của Nhà nước sẽ rất khó khăn.

Có lẽ, cần phải xem xét lại vấn đề xác định giá đất theo giá thị trường khi mà chính giá thị trường cũng bị thao túng. Mặt bằng giá của thị trường có thể do tư nhân kiểm soát. Nghị quyết thực sự rất cần thiết nhưng nên giao cho Chính phủ đưa ra một số nguyên tắc xử lý những vấn đề hiện tại, không nên mở quá rộng phạm vi áp dụng trong tương lai.

Để giải bài toán về nhà ở hiện nay, cần có chính sách đánh thuế đối với lợi nhuận, lợi tức trong kinh doanh bất động sản, đồng thời sử dụng công cụ để điều tiết giá đất đai, đảm bảo mọi người có thể tiếp cận. Giá đất cứ cao lên sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, dịch vụ, tạo ra hệ lụy rất lớn cho cả nền kinh tế trong dài hạn.

Đại biểu Quốc hội PHẠM ĐỨC ẤN (TP Hà Nội)

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI