Băn khoăn sau một lễ tưởng thưởng

23/08/2019 - 06:32

PNO - Điều dư luận băn khoăn nhất sau chuyện khen thưởng này là liệu việc làm chưa có tiền lệ trên có kéo dài không hay chỉ mang tính ngẫu hứng, nhất thời và còn phụ thuộc vào cả yếu tố may mắn.

Hành động trao bằng khen của Bộ VH-TT-DL cho đoàn phim Về nhà đi con có thể coi là việc làm tích cực, thể hiện sự khích lệ, động viên kịp thời đối với người làm phim - giới lâu nay ít nhận được sự quan tâm, chú ý của cơ quan nhà nước. 

Một tuần sau khi 90 tập phim (gồm 85 tập chính và 5 tập ngoại truyện) kết thúc, ngày 21/8, đoàn làm phim đã bất ngờ khi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT-DL) trao tặng bằng khen cho 2 tập thể (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam và nhóm biên kịch) và 13 cá nhân gồm: đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, đạo diễn hình ảnh Trần Anh Phương, thiết kế mỹ thuật Đặng Trọng Tuân, diễn viên NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Anh, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân, Quốc Trường, Thúy Hà, Ngân Quỳnh, Tuấn Tú, Quang Anh.

Chưa hết, Bộ VH-TT-DL còn chu đáo trao quà cho cả diễn viên nhí Gia Hưng, thủ vai bé Bon trong phim.

Không chỉ đoàn phim bất ngờ, dư luận cũng hoàn toàn bất ngờ trước việc làm chưa có tiền lệ này của Bộ VH-TT-DL. Lâu nay, những sự động viên, khen thưởng đột xuất thế này chỉ diễn ra trong lĩnh vực thể thao, dành cho các đội tuyển đạt được thành tích nổi bật trên đấu trường quốc tế, còn đối với phim ảnh, vinh dự này chưa bao giờ có, dẫu phim Việt từng có những tác phẩm gây tiếng vang, thậm chí gặt hái nhiều thành công ở nước ngoài.

Ban khoan sau mot le tuong thuong
Việc khen thưởng đoàn phim Về nhà đi con của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với người làm phim

Hành động trao bằng khen của Bộ VH-TT-DL cho đoàn phim Về nhà đi con, vì vậy, có thể coi là việc làm tích cực, thể hiện sự khích lệ, động viên kịp thời đối với người làm phim - giới lâu nay ít nhận được sự quan tâm, chú ý của cơ quan nhà nước, vì suy nghĩ phim ảnh thường chỉ có giá trị giải trí.

Giữa thời buổi phim truyền hình Việt phải chật vật chống đỡ trước sự áp đảo của phim nước ngoài trên sóng truyền hình, còn ngoài xã hội tình trạng đạo đức con người xuống cấp, chủ yếu xuất phát từ nền tảng gia đình, thì sự tưởng thưởng của Bộ VH-TT-DL dành cho một bộ phim có nội dung ca ngợi tình cảm gia đình, tạo nên tác động tích cực đến đời sống trong thời gian qua như Về nhà đi con càng cần thiết và đáng trân trọng.

Không thể phủ nhận sự thật: bộ phim Về nhà đi con đã thực sự gây nên một cơn sốt khi người người xem phim, nhà nhà bàn tán về nội dung phim, truyền thông liên tục đưa tin về diễn biến phim… thậm chí tựa phim, câu nói của nhân vật người cha trong phim - “Về nhà đi con” - còn trở thành trend trên mạng xã hội. Phim đã đánh đúng vào tâm lý khát khao tình cảm gia đình cũng như mô tả rất gần với hiện thực những điều đang xảy ra trong cuộc sống. Chỉ số lượt xem (tương ứng với số tiền quảng cáo), những lời ngợi khen từ công chúng, những lợi ích vô hình sau phim và sau từng vai diễn dành cho các nghệ sĩ là những sự tưởng thưởng mà ê-kíp làm phim xứng đáng được nhận.

Tuy vậy, phải thành thật mà nói, điều dư luận băn khoăn nhất sau chuyện khen thưởng này là liệu việc làm chưa có tiền lệ trên có kéo dài không hay chỉ mang tính ngẫu hứng, nhất thời và còn phụ thuộc vào cả yếu tố may mắn. Theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi khen thưởng, vì công việc bận rộn nên ông ít có thời gian xem phim, nhưng riêng Về nhà đi con, vì thấy cả nhà ông lẫn hàng xóm đều xem nên ông bị cuốn vào và đây là bộ phim ông dành nhiều thời gian để xem nhất.

Về nhà đi con được Bộ VH-TT-DL khen vì nó may mắn được người đứng đầu ngành văn hóa dành thời gian để xem? Mong là suy luận này không chính xác, bởi nếu đúng, sẽ rất không công bằng cho những bộ phim hay sau này, nhưng vì lý do nào đó chưa lọt vào “mắt xanh” của bộ trưởng. Càng mong Bộ VH-TT-DL và người đứng đầu bộ đừng để những sự tôn vinh như thế này chỉ là việc làm nhất thời, xuất phát từ ý chí cá nhân hay sự cảm tính mà sẽ là việc làm lâu dài, dựa trên những tiêu chí rõ ràng. Có vậy mọi sự khen thưởng mới thuyết phục.

Ở một góc khác của câu chuyện, khi sự quan tâm của xã hội hướng vào cùng một điểm tích cực, cơ quan quản lý nhà nước liệu có tận dụng được nó để đưa ra những định hướng, chính sách cho sự phát triển bền vững, mạnh mẽ trong tương lai? Những bộ phim tương tự Về nhà đi con hoặc những dự án lớn hơn, các phim điện ảnh liệu có cơ hội được hỗ trợ kinh phí sản xuất, được trợ giúp bối cảnh, được sắp xếp lịch phát sóng, lịch chiếu tốt hơn? 

Trong cuộc bành trướng văn hóa của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… chúng ta luôn thấy hình ảnh của chính phủ phía sau, khi nhìn vào không chỉ người làm nghề mà cả công chúng cũng thầm ước chúng ta có được những sự phát triển đồng bộ như vậy. Tín hiệu tích cực từ Về nhà đi con sẽ lan tỏa trên hành trình phát triển hay sẽ chỉ là một điểm sáng để nhớ về là điều ta cần nghĩ và làm nhiều hơn. 

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI