Băn khoăn sau cải cách tiền lương, lương hưu tối thiểu có đảm bảo cuộc sống?

27/03/2024 - 16:12

PNO - ĐBQH đặt vấn đề, sau khi cải cách tiền lương, căn cứ xác định mức lương hưu tối thiểu sẽ ra sao, có đảm bảo mức sàn an sinh xã hội?

Hội nghị ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chiều 27/3
Hội nghị ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chiều 27/3

Chưa có căn cứ điều chỉnh lương hưu

Báo cáo về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban xã hội của Quốc hội băn khoăn nhiều vấn đề liên quan khi thực hiện cải cách tiền lương.

Theo Ủy ban xã hội, dự kiến từ 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương song dự thảo Luật chưa dự liệu được tác động của việc thay đổi này đến các quy định liên quan, dẫn đến chưa rõ hướng điều chỉnh quy định trong dự thảo Luật.

Cụ thể, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ “bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới”.

Do bãi bỏ “mức lương cơ sở” nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh lương hưu và một số khoản trợ cấp theo quy định của Luật hiện hành. Đồng thời, không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội cũng như một số chế độ quy định ở một số văn bản quy phạm pháp luật khác.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi cải cách, tiền lương tăng lên so với hiện hành, sẽ làm tăng phần chi ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm xã hội cho những đối tượng này. Ngoài ra, khi cải cách tiền lương sẽ phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024.

Trong quá trình chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Xã hội đã có văn bản gửi Chính phủ và nhiều lần đề nghị các bộ, ngành liên quan rà soát đầy đủ và báo cáo, đề xuất phương án liên quan tới vấn đề này nhưng tới nay chưa nhận được văn bản chính thức.

Trước mắt, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến các quy định có liên quan đến “mức lương cơ sở” được quy định theo hướng mức hưởng không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi Luật này có hiệu lực và việc điều chỉnh theo quy định của Chính phủ. Đồng thời phải bổ sung vào dự thảo quy định: Chính phủ quy định về mức tiền trợ cấp không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi Luật này có hiệu lực và việc điều chỉnh.

Ủy ban Xã hội đánh giá, cải cách tiền lương là vấn đề lớn và khó, tác động đến nhiều đối tượng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ cụ thể của bảo hiểm xã hội, vì vậy phải tiếp tục xem xét kỹ.

Đề xuất lùi thời điểm thông qua luật

ĐBQH Ma Thị Thúy băn khoăn về cách xác định mức lương hưu tối thiểu khi cải cách tiền lương
ĐBQH Ma Thị Thúy băn khoăn về cách xác định mức lương hưu tối thiểu khi cải cách tiền lương

Đóng góp ý kiến về nội dung này, ĐBQH Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) đề nghị dự thảo luật phải có quy định mức lương hưu thấp nhất. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương cơ sở nhưng với việc bỏ tính mức lương cơ sở thì căn cứ xác định mức lương hưu thấp nhất sẽ ra sao, có đảm bảo đời sống của người về hưu?

Bà nhấn mạnh, không chỉ chú trọng tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội mà còn phải bảo vệ mức sàn an sinh tối thiểu. Dự thảo luật phải có quy định rõ ràng, minh bạch khi triển khai thực hiện.

ĐBQH cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc thông qua dự án luật này tại Kỳ họp thứ 8 chứ không thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới đây. Nguyên nhân vì cải cách tiền lương là chính sách khó, phức tạp, tác động tới nhiều nhóm khác nhau. Do đó nên để chính sách này đi vào cuộc sống, nhận định được các vấn đề phát sinh, từ đó tiếp tục điều chỉnh dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cho phù hợp. “Tránh việc vừa thông qua Luật này lại phải đề xuất sửa đổi, bổ sung”, bà nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (tỉnh Bạc Liêu) cũng đề nghị cân nhắc việc thông qua dự luật vào Kỳ họp thứ 7. “Nếu chúng ta thông qua trước khi cải cách tiền lương thì rất khó trong việc tính toán chính sách bảo hiểm xã hội. Nên cân nhắc chưa thông qua luật nếu chất lượng chưa đảm bảo và có thêm thời gian để đánh giá tác động, đặc biệt là những chính sách lớn”, bà nói.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI