|
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, chiều 23/6 |
Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo dự thảo luật, các loại nhà ở hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của luật này bao gồm các loại nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. Nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thực hiện giao dịch theo quy định của Luật Nhà ở.
ĐB cho rằng, quy định như vậy là chưa rõ những đối tượng nào được kinh doanh theo hình thức nhà hình thành trong tương lai, trừ một quy định trong dự thảo là không áp dụng với nhà ở xã hội. Do đó, cần quy định cụ thể hơn, loại nào thuộc nhóm hình thành trong tương lai để thực hiện, áp dụng thống nhất.
Về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình hình thành trong tương lai, dự thảo luật có đề cập tới chủ thể ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai là hộ gia đình. Tuy nhiên, ĐB chỉ ra, theo dự thảo Luật Đất đai đang trình Quốc hội cho ý kiến thì hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung trước ngày dự luật này thi hành.
Vì vậy, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị rà soát, đánh giá thêm, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, hộ gia đình có phải chủ thể mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai không. Bởi, chế định về hộ gia đình thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc bất cập khi xử lý các vấn đề liên quan đến bất động sản, nhất là chuyển nhượng, thế chấp. Do đó, đề nghị cân nhắc hộ gia đình là chủ thể trong trường hợp này.
Dự thảo luật đang quy định chủ đầu tư có trách nhiệm sử dụng tiền thu của khách hàng để đầu tư xây dựng dự án, công trình theo đúng hợp đồng đã ký kết; sử dụng tiền ứng trước theo đúng mục đích cam kết.
Tuy nhiên, thời gian qua, đây cũng chính là một trong những vi phạm thường xảy ra. “Nhiều trường hợp người mua đã thanh toán đủ tiền, thậm chí đã vào ở một thời gian dài nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, mất khả năng về tài chính... dẫn tới các cơ quan nhà nước không thể cấp giấy chứng nhận cho người dân, gây bức xúc trong dư luận, bất ổn về trật tự xã hội” - ĐB nói và đề nghị có cơ chế đảm bảo, kiểm soát để quy định có tính khả thi.
ĐB cũng nêu, dự thảo quy định “trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra về điều kiện của nhà ở đưa vào kinh doanh và trả lời bằng văn bản, nếu nhà ở không đủ điều kiện được bán, cho thuê mua”. Đây là điều cần thiết, song bà đánh giá quy định vẫn còn “đơn giản”, chưa phù hợp với tính chất phức tạp, nhạy cảm của hình thức giao dịch này.
ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định ngay trong dự thảo luật này theo hướng đây là một thủ tục hành chính để việc thực hiện rõ ràng, minh bạch hơn về thành phần, hồ sơ, thời gian trả lời, trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, còn một vi phạm khá phổ biến hiện nay là chủ đầu tư thực hiện sai thiết kế theo quy hoạch 1/500 hoặc quy hoạch tổng thể mặt bằng của dự án dẫn tới công trình không thể hoàn công, cơ quan không cấp giấy chứng nhận sở hữu cho người dân. Trong khi đó, chủ đầu tư đổ hết trách nhiệm cho cơ quan có thẩm quyền, gây bức xúc xã hội, nhiều trường hợp ảnh hưởng tới trật tự xã hội. ĐB nhấn mạnh phải bổ sung hành vi này vào các nhóm vấn đề bị cấm trong dự thảo luật.
|
| ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị có quy định giới hạn giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai nhằm bình ổn thị trường |
Tương tự, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đánh giá, mục đích đề ra liên quan đến các quy định về nhà ở hình thành trong tương lai là tốt đẹp, để doanh nghiệp huy động được tiền, người dân có thể mua nhà với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, thực tế, việc giao dịch này gây nhiễu loạn thông tin và giá. Tình trạng người tham gia thị trường mua đi bán lại làm giá đẩy tăng cao rồi lại giảm bất thường, gây hệ lụy tới người dân và xã hội. Chưa kể đến các vụ lừa đảo, dự án ma, dự án vẽ trên giấy.
So với Luật Kinh doanh bất động sản ban hành năm 2014, dự thảo luật lần này có quy định chặt chẽ hơn, tuy nhiên lại chưa quy định về giới hạn kinh doanh bất động sản trên thị trường thứ cấp, để khi đến tay người tiêu dùng, giá đã bị đẩy khác xa giá ban đầu.
ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm một điều quy định giới hạn giao dịch về bất động sản hình thành trong tương lai nhằm góp phần điều tiết và bình ổn thị trường bất động sản, có thể kiểm soát thông qua phòng công chứng.
Minh Quang