Băn khoăn khi cảnh sát giao thông không phải công khai "chuyên đề"

19/04/2024 - 06:30

PNO - Theo đề xuất của Bộ Công an thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ không còn phải công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông. Có ý kiến băn khoăn liệu đề xuất này có ảnh hưởng đến quyền giám sát của người dân?

Vì sao bỏ công khai "chuyên đề"?

Bộ Công an đang xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Bộ này đề xuất lực lượng công an chỉ phải công khai “kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, gồm các nội dung cụ thể: tên đơn vị, tuyến đường, các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện”.

Như vậy, so với quy định hiện nay, nội dung công khai về “kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên” đã được bãi bỏ.

Nhiều người băn khoăn, nếu cảnh sát giao thông (CSGT) không còn công khai “chuyên đề” thì người dân sẽ tham gia giám sát quá trình thực thi công vụ của lực lượng này như thế nào?

Lý giải về đề xuất trên, Bộ Công an cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện quy định tại Thông tư số 67/2019 (CSGT phải công khai “chuyên đề”) đã có nhiều bất cập phát sinh.

Trong đó, việc giám sát của người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, chưa đúng quy định, lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội.

Điều này dẫn đến tâm lý ngại va chạm, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng CSGT. Một số đối tượng chống đối đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi, gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Việc công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đang bị một số đối tượng lợi dụng để gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát.

Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CSGT chưa chịu khó học tập, chưa gắn việc thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông với việc thực hiện nhiệm vụ được giao; chưa nắm được pháp luật, nghiệp vụ khi làm việc với người dân nên chưa giải thích thỏa đáng những yêu cầu của người dân.

Từ những bất cập trên, Bộ Công an cho rằng việc thay đổi như trên là cần thiết; đảm bảo hợp pháp và thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đồng thời đảm bảo tính khả thi, ổn định và sát với thực tiễn công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ cơ sở.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tại TP Hà Nội - ẢNH: GIA HÂN
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tại TP Hà Nội - ẢNH: GIA HÂN

Phân biệt giữa giám sát và kiểm tra

Lâu nay, nhiều trường hợp khi bị xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, người vi phạm thường yêu cầu CSGT cho xem “chuyên đề”. Họ coi đây là cách để giám sát CSGT, để xem quá trình thực thi công vụ có đúng, có khách quan hay không.

Cho nên, nếu bỏ việc công khai “chuyên đề” thì người dân lấy gì để giám sát? Thế nhưng đề xuất này của Bộ Công an không phải là lần đầu tiên.

Trước đây, khi ban hành Thông tư số 32/2023 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT, Bộ Công an cũng đã bãi bỏ nội dung thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát.

Chưa kể, Thông tư số 36/2023 của Bộ Công an quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của cảnh sát đường thủy còn quy định “nội dung kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy được quản lý theo chế độ tài liệu mật”.

Theo đại diện Cục CSGT, cần phân biệt giữa giám sát và kiểm tra. Người dân có quyền giám sát CSGT làm việc theo quy định của Nhà nước, thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình, báo chí, đại biểu Quốc hội và HĐND.

Nếu thấy dấu hiệu bất thường hoặc CSGT ứng xử thiếu văn hóa, người dân có thể báo cho cơ quan công an nơi tổ công tác làm việc hoặc cấp trên của tổ công tác để xác minh, xử lý.

Tuy vậy, người dân không có quyền kiểm tra chuyên đề, kế hoạch tuần tra của CSGT. Đơn vị được quyền kiểm tra chuyên đề, kế hoạch tuần tra của CSGT là cơ quan có thẩm quyền.

Cùng với đó, kế hoạch tuần tra, kiểm soát là mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, trong đó có nhiều nội dung nằm ngoài công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, điển hình như phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Những nội dung này cần giữ kín nhằm đảm bảo bí mật công tác, tránh việc tội phạm lợi dụng.

Người dân giám sát thế nào?

Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đề xuất của Bộ Công an là phù hợp. Bởi như cơ quan soạn thảo đã giải thích, nhiều nội dung trong kế hoạch kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT được quản lý theo chế độ mật, cần giữ kín.

Chưa kể, mục đích của việc giám sát là để đảm bảo sự công tâm, khách quan của lực lượng CSGT. Việc này phụ thuộc vào quá trình thực thi công vụ, tiếp xúc giữa CSGT với người dân, tác phong giải quyết vụ việc, chứ không quyết định bởi “chuyên đề” hoặc kế hoạch làm việc.

Về lo lắng khi không còn công khai “chuyên đề” thì người dân lấy gì để giám sát, luật sư Hà Công Tâm cho hay, Thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định rõ, những việc người dân giám sát công an trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông gồm: việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.

Có 5 hình thức giám sát, gồm: thông qua các thông tin công khai của lực lượng công an và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Dự thảo thông tư của Bộ Công an chỉ đề xuất CSGT không phải công khai “chuyên đề”, còn các nội dung khác, bao gồm quyền và hình thức giám sát của người dân thì vẫn được giữ nguyên. Đồng nghĩa, người dân vẫn có thể thực hiện giám sát như bình thường.

Trong các hình thức trên, giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp thường được dư luận quan tâm. Luật sư Hà Công Tâm lưu ý, dù được quyền, nhưng người dân cũng cần chú ý không làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng.

Ví dụ, việc giám sát phải nằm ngoài khu vực kiểm soát, không nên dí camera vào mặt lực lượng CSGT, không có lời lẽ mang tính khiêu khích, xúc phạm CSGT…

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI