Băn khoăn bác sĩ “ngoại” phải thành thạo tiếng Việt

25/05/2022 - 16:01

PNO - Theo phương án đang lấy ý kiến tại Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, người hành nghề nước ngoài lâu dài tại Việt Nam phải thành thạo tiếng Việt.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải, việc yêu cầu người hành nghề nước ngoài phải thành thạo tiếng Việt xuất phát từ thực tế có nhiều vướng mắc trong khám chữa bệnh cũng như vi phạm của người phiên dịch
Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải, việc yêu cầu người hành nghề nước ngoài phải thành thạo tiếng Việt xuất phát từ thực tế có nhiều vướng mắc trong khám, chữa bệnh cũng như vi phạm của người phiên dịch

Chiều 25/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên văn bằng chuyên môn của người đề nghị cấp nên không đánh giá được thực chất năng lực người hành nghề, chất lượng đào tạo. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra, đa số các nước trên thế giới đều cấp giấy phép hành nghề dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề.

Do đó, Dự luật sửa đổi lần này quy định phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong quá trình hành nghề. Theo đó, nếu sau 5 năm, kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, người hành nghề phải đạt đủ số điểm theo quy định thì mới được gia hạn giấy phép hành nghề. Nếu không đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ phải cập nhật bổ sung hoặc phải kiểm tra đánh giá kiến thức để được gia hạn giấy phép hành nghề.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ bản nhất trí quy định giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm song lưu ý thời hạn với chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền cho phù hợp với điều kiện hành nghề của các đối tượng này.

Về việc sử dụng ngôn ngữ với người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, Dự thảo luật đưa ra hai phương án. 

Phương án 1, người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, ngoài hai trường hợp gồm: khám chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ, là chuyên gia quốc tế sang Việt Nam để khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc đào tạo thực hành, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn và giao Chính phủ quy định việc sử dụng ngôn ngữ không phải là tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh.

Lý giải cho phương án này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, tình trạng sử dụng người phiên dịch còn có nhiều bất cập trong khám chữa bệnh, do có sự bất đồng ngôn ngữ. Ngoài ra, có tình trạng người phiên dịch không làm việc sau khi người nước ngoài đã được cấp chứng chỉ hành nghề; người phiên dịch lợi dụng vị trí để hành nghề trái phép. 

Phương án 2, giữ nguyên quy định như hiện hành, người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, bên cạnh một số ý kiến đồng tình với phương án 1, có nhiều ý kiến đồng tình nên giữ quy định cũ như tại phương án 2 để tránh hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài. Thay vì yêu cầu người hành nghề nước ngoài phải thành thạo tiếng Việt, cần xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Quy định dịch vụ khám chữa bệnh từ xa phải cụ thể hơn

Đổi mới về phân cấp chuyên môn, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành 3 cấp theo chuyên môn, xác định mức độ cung cấp dịch vụ của từng cấp đồng thời cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa và kết hợp với sử dụng các công cụ về tài chính y tế như giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế để từng bước tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngay tại cơ sở, hạn chế việc người bệnh phải về các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Trung ương để được chăm sóc sức khỏe như hiện nay.

Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với quy định về vấn đề này, tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cơ chế thanh toán và trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan liên quan. Có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề mới, cần được quy định cụ thể hơn nữa bằng một mục hoặc một chương trong Dự thảo luật.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI