|
Vợ chồng chị Trâm đến thăm con ngày 21/7 |
Chiều 28/7, con phố nhỏ ở P.Thạch Quý (TP. Hà Tĩnh) như lặng đi, tiễn biệt một người mẹ: thiếu úy cảnh sát Đậu Thị Huyền Trâm. Chiều 27/7, lúc chị Trâm vĩnh viễn ra đi trong vòng tay mẹ, bà Nguyễn Thị Lan khóc ngất lịm bên thi thể con, thì trời đổ mưa.
Chiều 28/7, khi dòng người ngấn lệ tiễn biệt chị, trời lại nắng. Hình như trời đất thấu trái tim chị, trái tim của người mẹ chấp nhận lưỡi hái tử thần, vì con. Hàng xóm, đồng đội, người thân, nước mắt ngắn dài. Khóc cho một đời đàn bà son trẻ đau đớn hoài thai, đau đớn với bệnh tật, đau đớn chấp nhận chết vì con. Khóc cho đứa bé đang nằm trong lồng kính chưa một lần nhìn thấy mẹ, chưa một lần vành môi mềm ấm sữa mẹ. Khóc cho chồng chị từ nay gà trống nuôi con. Khóc cho mẹ chị, một đời tảo tần vì con, nay đành đứt ruột lìa con. Khóc cho tất cả nỗi đau và niềm kiêu hãnh của những người đàn bà mang thiên chức làm mẹ.
Ông Hùng, hàng xóm nói như khóc: “Trâm là đứa hiếu thảo, chưa làm phật lòng ai trong gia đình chồng. Nhìn ảnh nó mà thương quá. Cháu nó còn quá trẻ, sao ông trời không cho sống để nuôi con”. Đồng đội của chị là trung úy Trần Vũ Hà, không nén được xúc động: “Trâm là một đồng chí giàu nghị lực khi chấp nhận hy sinh để cứu con. Trâm mãi là tấm gương cho đồng đội, bạn bè”.
Mắt đỏ hoe, bà Trần Thị Quý, mẹ chồng của chị, thều thào: “Biết con Trâm mang bầu rồi bị bệnh hiểm nghèo nên tối nào tôi cũng khóc. Lúc nó ra Hà Nội điều trị, tôi theo nó suốt, cầu mong con vượt qua bệnh tật, sớm có cháu để thêm đầm ấm. Giờ con dâu mất rất tội nghiệp, tôi lại càng thương cháu nhỏ sinh thiếu tháng phải sớm mồ côi mẹ”.
|
Mẹ chị Trâm, một đời tảo tần vì con nay đành đứt ruột lìa con |
Ngồi gục bên quan tài em dâu, chị Trần Thị Hoài cố trấn tĩnh trong nước mắt: “Đến ngày 26/7, bệnh viện trả Trâm về vì không thể cứu được nữa. Trước khi về nhà, các bác sĩ ở Bệnh viện K đã đưa Trâm sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương để được nhìn con thơ ngọ nguậy trong lồng kính lần cuối. Hôm đó, tại phòng ấp của Bệnh viện Phụ sản Trung ương - nơi bé Gấu (con của chị Trâm) được chăm sóc, nuôi dưỡng, bỗng lặng ngắt. Trâm ngồi trên xe lăn, không nói được vì bệnh quá nặng, chỉ đưa ánh mắt yếu đuối cuối đời nhìn con. Rất nhiều người đã òa khóc. Trâm ngồi đấy, một tiếng đồng hồ, nhìn con. Lúc các bác sĩ đẩy về, Trâm chỉ đưa được cánh tay yếu đuối lên vẫy chào con lần cuối…”.
Nghe chị gái kể đến đây, anh Trần Mạnh Hà (chồng chị Trâm), gục xuống ngay quan tài vợ. Nhìn anh tiều tụy mà xót đắng. Đàn ông cũng là con người, sức chịu đựng có hạn. Hình như không ai dám nghĩ điều gì nữa. Sau khi lo đám tang cho vợ xong, anh Hà phải ra Hà Nội lo cho đứa con sinh thiếu tháng.
Cũng chiều ngày 27/7, khi một chia lìa, một đứt đoạn, một tang thương ập đến trên vai những người đàn bà ở xứ nắng cháy này, thì cùng lúc đó, ở nơi cách Hà Tĩnh hơn ngàn cây số - tỉnh Bình Phước, nước mắt cũng chảy, nhưng trong hân hoan của những người mẹ. Niềm vui bất tận đến với gia đình anh Vũ Đình Khiên (ở P.Phú Thịnh, thị xã Bình Long) và anh Huỳnh Văn Tuấn (xã Phước An, H.Hớn Quản), khi những đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm được trở về với cha mẹ ruột của mình. Chị Nguyễn Thị Trang, vợ anh Khiên đã mời chị Liên vợ anh Tuấn đưa con đến ăn cơm.
Trong bữa cơm ấy, con đẻ lẫn con nuôi đều quấn lấy ba mẹ hai bên. Ông ngoại ông nội hai bên thảy đều nói con nào cũng là con, cháu nào cũng là cháu, từ nay xúm nhau mà giúp tụi nhỏ, mình nghèo cực nhưng vui. Thấy hoàn cảnh chị Liên cực khổ, anh Khiên đứng ra lo nhập khẩu, học hành cho đứa nhỏ bị trao nhầm, để tụi nó gần nhau, học cùng lớp, cùng trường, cuối tuần lại cho về nhà chị Liên để vui với mẹ nuôi, mẹ đẻ. Gia đình hai bên đều tâm niệm, việc trao nhận con đã thành, không những không mất mà họ lại được thêm con, thêm ông bà họ hàng anh em. “Chúng tôi đều thống nhất, từ nay cháu Ngọc Yến và Lan Anh đều là con của cả hai bên gia đình, không có chuyện con người này con người kia” - chị Trang nói. Lai láng tình!
Chuyện sinh đẻ của người đàn bà, như cặp bài trùng của những hành lang bệnh viện, những phòng đẻ phòng mổ vắng lặng, chỉ có gió và dao kéo lách cách chứng kiến những hài nhi có mặt trên cõi đời này. Người mẹ và thầy thuốc, quyết định chuyện sinh-tử của mẹ và con. Chị Trâm đã chấp nhận không vô thuốc để giảm cơn đau, kéo dài sự sống cho riêng mình, nghiến răng ngồi để mổ, cứu con. Có lẽ chưa có người đàn bà nào như thế. Phải chăng, trước sự kiên cường của chị Trâm, y học đã bất lực lẫn yếu đuối. Bất lực vì ung thư là chấp nhận chết, dù rằng thầy thuốc có thể can thiệp xạ trị, hóa trị để chị Trâm kéo dài thời gian sống.
Trong cấp cứu sản khoa vẫn hay có chuyện mổ con cứu mẹ, hay có chuyện bác sĩ động viên, tư vấn mẹ chọn lựa từ bỏ giọt máu của mình, để tiếp tục điều trị và tìm cơ hội cho bé con khác. Yếu đuối, vì tình mẫu tử của chị Trâm là vĩ đại, vượt lên tất cả. Thân xác gầy gò kia có sức mạnh khôn cùng, không có tình nào lớn hơn tình mẫu tử. Chị Trâm có mạnh mẽ với chính mình không? Có người nói, chị thực ra không mạnh mẽ.
Chị là người đàn bà yếu đuối. Yếu đuối trước đứa con bé bỏng của mì nh. Yếu đuối trước tình mẫu tử thiêng liêng. Và chị đã chọn sự yếu đuối đó để mạnh mẽ ra đi. Và nhiều người nghiêng mình trước sự yếu - đuối - vĩ - đại của bà mẹ trẻ ấy. Ai làm mẹ, hẳn cũng chọn như chị, bởi với mẹ thì con là tất cả, khi giữa ranh giới sống-chết, họ sẽ nhận cái chết về mình, chọn hy sinh để con được sống. Nhưng chị Trâm hơn hẳn nhiều người ở sự quyết đoán, không phân vân chần chừ, quyết ngay lập tức, không phải người đàn bà nào cũng làm được, dẫu rằng tình mẹ ở đâu cũng vậy, mẹ cúi xuống cho con lớn lên, như trăm sông đều đổ về biển lớn. Biển đó là tình mẹ.
Lại nghĩ đến những đứa trẻ bị trao nhầm. Ba năm đã đi qua, nhưng chắc rằng, gió vẫn thổi thâu đêm trong lòng những người đàn bà bị trao nhầm con. Bởi họ không thể nghĩ có chuyện như thế, chưa nói có người đàn bà trong họ bị gia đình nghi là ngoại tình, phải sống trong ô nhục. Cay đắng khôn cùng ở hai người mẹ đó, ai thấu cho? Và những đứa trẻ sẽ chưa hết quen với mùi mồ môi của người đàn ông xa lạ, vòng tay nâng niu của người đàn bà xa lạ, mà họ chính là cha mẹ ruột của mình, sau này sẽ hỏi vì sao như thế, thì trả lời sao đây? Bất lực trong y học, nhầm lẫn trong ngành y, không hề là những thán từ khô khốc, mà nó là cơn vẫy vùng đau thương. Đứa trẻ mất mẹ.
Đứa trẻ tìm lại được mẹ. Những giấc mơ hoài thai và sinh thành trong nước mắt chia lìa lẫn đoàn viên. Nước mắt của mẹ ngàn đời không bao giờ lạnh lùng, dẫu khô cằn như chắt ra từ ruột đá, bởi đó là bản hợp xướng về tình thương. Mong sao, sẽ không còn những tiếng kêu than lạc giọng để mẹ mất con, con ngơ ngác tìm mẹ giữa đời. Khi cánh cửa khoa sản bật mở, tiếng khóc của con là niềm vui chứ không phải cơn đau của mẹ.
Trung Việt - Liên Hoàn