Bán hàng ăn dù mang găng tay vẫn có thể bị phạt 1-3 triệu đồng

15/10/2018 - 10:00

PNO - Nghị định 115/2018 của Chính phủ về xử phạt hành chính đối với những trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, khi người bán không dùng bao tay hoặc dùng bao tay nhưng không đúng cách vẫn bị xử phạt theo quy định.

Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ được chính thức áp dụng vào ngày 20/10 tới. Trong Nghị định mới của Chính phủ nâng cao mức phạt hành chính đối với những trường hợp vi phạm vệ sinh ATTP. 

Tuy nhiên, hiện nhiều người bán vẫn còn băn khoăn về những trường hợp xử lý vi phạm vệ sinh ATTP, cũng như mức phạt mới quá cao so với Nghị định 178 trước đây.

Mang găng tay chế biến đồ ăn không đúng cách vẫn bị phạt

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban ATTP TP.HCM cho biết, về Nghị định 115/2018 được cụ thể hóa từ Nghị định 178 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không chấp hành, hoặc cố tình vi phạm trong việc buôn bán hàng ăn đường phố; đồng thời, Nghị định mới nâng cao mức xử phạt lên gấp nhiều lần mục đích tăng cường răn đe với những trường hợp vi phạm. 

Ban hang an du mang gang tay van co the bi phat 1-3 trieu dong
Từ 20/10, kinh doanh bánh mì, hủ tiếu, bún, phở,... không mang bao tay, khẩu trang, mũ đội đầu,... sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng

Tuy nhiên, việc nâng cao mức xử phạt cũng khiến cho nhiều người buôn bán hàng rong, thức ăn đường phố như bánh mì, hủ tiếu, bún, phở,… trên thành phố không khỏi băn khoăn.

Theo bà Lan, Điều 15-16 trong Nghị định mới chính thức được áp dụng từ ngày 20/10, trong điều khoản xử lý những người trực tiếp chế biến thức ăn không mang găng tay, khẩu trang, cắt móng, đội mũ,… sẽ bị phạt hành chính từ mức 1-3 triệu đồng. 

Đồng thời, phạt 500.000 đến 1 triệu đồng đối với các trường không trang bị bàn, tủ, dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

“Không chỉ riêng việc đeo bao tay, cắt móng không, mà việc kê bàn ghế tủ không tiếp xúc với ruồi, mũi để bảo đảm sạch sẽ cũng quy định chặt chẽ nên mọi người băn khoăn là đúng. Tôi xác định đó là khung pháp lý xử phạt rất nặng. Nhưng nhiệm vụ của Ban quản lý ATTP vẫn là nâng cao ý thức của người dân, ý thức ở cả hai phía từ người bán hàng, đến người mua hàng và đã có rất nhiều các đợt tập huấn, và các hội đoàn cũng vào cuộc”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Tuy nhiên, sử dụng găng tay trong việc tiếp xúc trực tiếp với thức ăn cũng còn nhiều vấn đề khác. Cụ thể, bà Lan cho biết, nếu không dùng găng tay tiếp xúc với thực phẩm thì có thể dùng đũa, dùng kẹp để gấp thức ăn thì trường hợp đó không vi phạm. Tuy nhiên, dùng găng tay bốc thức ăn mà bốc luôn tiền thì vẫn sẽ xử phạt.

Ban hang an du mang gang tay van co the bi phat 1-3 trieu dong
Việc sử dụng găng tay bốc thức ăn mà bốc luôn tiền vẫn sẽ bị xử phạt

Cũng theo bà Lan, trường hợp xử phạt hành chính người bán nhưng vẫn phải dựa trên tính nhân văn, mọi trường hợp đều hợp tình, hợp lý. Điều quan trọng nhất vẫn đánh vào ý thức của người bán hàng, và người mua hàng. Ban quản lý ATTP sẽ kết hợp với quận, huyện để quản lý vấn đề vệ sinh ATTP trên toàn thành phố, nhắc nhở, xử lý, xử phạt một số trường hợp cố tình vi phạm.

“Hiện tại, khó khăn lớn nhất của Ban ATTP là làm sao để đảm bảo được nguồn nước sạch để vệ sinh quầy hàng, nếu không phải dùng các loại chén đĩa ăn một lần rồi bỏ, đó mới là vấn đề. Còn chuyện mang bao tay thì tỷ lệ 80-90% người bán đã thực hiện rồi. Chúng tôi đang vận động các mạnh thường quân để trang bị bao tay, vật dụng giúp cho thức ăn đường phố sạch sẽ hơn… Về lâu dài sẽ đầu tư xây dựng những khu phố kiểu mẫu, tập trung thức ăn đường phố lại vừa dễ kiểm soát chất lượng vừa đảm bảo vệ sinh ATTP người dân”, bà Lan nói thêm.

Quy định mới gây nhiều khó khăn cho người bán

Chị Hồng Phương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) kinh doanh bánh mì tại khu vực gần chợ Bà Chiểu cho hay, chị có biết quy định khi trực tiếp chế biến phải dùng bao tay để đảm bảo vệ sinh cho khách. 

Tuy nhiên, theo chị Phương thì không riêng đối đối với hàng bánh mì của chị mà nhiều người kinh doanh bánh mì trên địa bàn TP.HCM cũng chỉ áp dụng được một tay có đeo bao, tay còn lại thì không.

“Để bán nhanh, một tay bốc bánh thịt, chả, rau, dưa cho khách thì vẫn đeo, nếu đeo cả hai tay thì sẽ rất khó khăn. Chưa kể những người kinh doanh gỏi cuốn, nếu đeo bao tay thì sẽ rất khó khăn trong việc chế biến”, chị Phương nói.

Ban hang an du mang gang tay van co the bi phat 1-3 trieu dong
Theo nhiều người đánh giá, sẽ khó trong việc kiểm tra, áp dụng xử phạt trường hợp không đeo bao tay, đội mũ, cắt móng,... 

Khi được hỏi về việc áp dụng Nghị định 115 nâng cao mức xử phạt đối với những cá nhân, chủ cơ sở kinh doanh hàng ăn uống không đáp ứng vệ sinh ATTP, anh Phan Thanh Hoàng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - chủ quán phở cho biết hầu như cửa hàng anh đều áp dụng khá tốt.

“Khách hàng ngày nay rất ý thức trong việc ăn uống. Trong cơn sốt về thực phẩm bẩn, khách hàng sẽ rất tinh ý thứ nhất là hương vị, thứ hai là vấn đề vệ sinh. Khi bước vào một quán ăn, thấy không sạch sẽ hoặc chế biến dùng tay là họ e ngại. Do đó, muốn kinh doanh hiệu quả, ngoài hương vị thì vệ sinh ATTP là yêu cầu bắt buộc phải lưu ý”, anh Hoàng nói.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI