Tại hội nghị, Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM xác định, đến năm 2035, sẽ hoàn thành khoảng 183km đường sắt đô thị; đến năm 2045, xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị.
Đến năm 2060, tổng chiều dài đường sắt đô thị ở TPHCM khoảng 510,02km. Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác sơ bộ (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) từ nay đến năm 2035 khoảng 837.249 tỉ đồng, không bao gồm vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1.
Hội nghị cũng thảo luận, cho ý kiến đối với “Báo cáo kết quả xây dựng đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ”, nếu đi vào hoạt động, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 150.000 tấn hoặc lớn hơn.
Vị trí dự kiến xây dựng cảng có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Trung Quốc và Philippines.
Cảng dự kiến nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa các nước có tiềm năng tăng trưởng lớn của châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ). Cảng đi vào hoạt động sẽ tạo ra việc làm cho 6.000-8.000 người, đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng từ 34.000-40.000 tỉ đồng/năm.
Các đại biểu dự hội nghị cũng bàn bạc và cho ý kiến về quy hoạch TPHCM và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM. Trong chiến lược phát triển thành phố đến năm 2060, UBND TPHCM đã ưu tiên cân đối, bố trí vốn cho nhiệm vụ quy hoạch.
Bản quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định TPHCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch tiếp tục định hướng phát triển không gian đô thị TPHCM theo mô hình đô thị đa trung tâm, gắn với đa dạng không gian sinh thái, bao gồm phân vùng đô thị trung tâm và 4 phân vùng đô thị đông, tây, nam, bắc, mỗi vùng đô thị đều đa chức năng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt khá, các ngành sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi, du lịch khởi sắc, thu ngân sách ổn định; khởi công và hoàn thành nhiều công trình, dự án; giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, công việc tồn đọng; thực hiện kịp thời, đạt hiệu quả trong công tác chuyển đổi số và triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15…
Tuy nhiên, nhiều nhóm nhiệm vụ vẫn chưa đạt yêu cầu. Tăng trưởng GRDP đạt 6,46% là khá nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra (7,5 - 8%); tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nêu bật tầm quan trọng của các đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM; đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế… để các đại biểu tập trung cho ý kiến.
|
Quang cảnh hội nghị lần thứ 31 (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI - ẢNH: TÚ NGÂN |
Về quy hoạch TPHCM và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa lớn với sự phát triển bền vững của địa phương nên cần thực hiện kỹ lưỡng.
Các đồ án quy hoạch của TPHCM bám sát các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, chuyên gia, các nguyên lãnh đạo, đội ngũ trẻ, học tập kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến.
Về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, để thực hiện, cần có giải pháp đột phá; cần tập trung nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện đề án cũng như các cơ chế, chính sách về quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, huy động và sử dụng nguồn lực.
Về đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ông đánh giá, cảng này không chỉ phục vụ cho TPHCM mà còn là tài sản có giá trị quốc tế, nên cần huy động trí tuệ thực hiện. Do vẫn còn các ý kiến băn khoăn, lo lắng về tác động môi trường nên UBND thành phố cần lắng nghe đầy đủ các góp ý trên tinh thần trách nhiệm cao, bổ sung, nghiên cứu hoàn thiện đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền.
Thiên Ân - Tú Ngân