Chỉ đường cho hươu...

Bạn gái điểm 10, chỉ mắc tật ham "hóng biến"

13/04/2025 - 06:00

PNO - Một ngày không vào hóng drama, scandal là 1 ngày bạn gái của con sợ mình thành người tối cổ.

Con thổ lộ tình cảm hồi lớp 10 và được bạn gái đồng ý làm người yêu. 2 đứa con chạy chung chiếc xe 50 phân khối đến trường cách nhà 6 cây số. Bạn gái của con ngoan hiền, học vững trong lớp, tính tình dễ chịu, nhưng độ “hóng biến” vào loại cực cao.

Một ngày không vào hóng các nền tảng như TikTok, Instagram, Facebook hay Threads…, theo sát những drama, scandal là 1 ngày bạn sợ thành người tối cổ. Con phải làm sao để bạn gái “cai drama”, dành nhiều thời giờ hơn cho chương trình học cuối cấp và hướng nghiệp cho tương lai?

Một nam sinh học lớp 12 (quận Tân Phú, TPHCM)

Phải thừa nhận những thông tin, hình ảnh, câu chuyện trên các nền tảng mạng xã hội có sức lôi cuốn rất mạnh, nhất là với các bạn học sinh - lứa tuổi nhạy cảm, giàu năng lượng, tính hiếu kỳ mạnh và không tiếc thời giờ tranh cãi, hơn thua.

Cách đây nhiều năm, các nhà giáo dục đã cảnh báo về những đoạn văn ngắn, những clip gây sốc, những nội dung thiếu kiểm chứng, ít giá trị học thuật, không tạo ra được giá trị cho cộng đồng, chỉ cần có yếu tố giật gân, hài hước hoặc gây tranh cãi... là đủ "bỏ bùa" giới trẻ. Việc mải cuốn theo những trào lưu, những xu hướng rộ lên nhất thời rồi thay thế bằng làn sóng phổ biến khác khiến giới trẻ ngày càng ít đọc những bài nghiên cứu dài hoặc thưởng thức trọn vẹn tác phẩm văn học/lịch sử, 1 phát minh mới, 1 tấm gương sáng… nhằm nuôi dưỡng chiều sâu tri thức, cảm xúc, ước vọng và suy tư cá nhân.

Sự dễ dãi và tốc độ truyền tin nhanh làm người ta không sàng lọc thông tin, sẵn sàng bị lôi kéo vào việc bới móc đời tư người khác, phát tán tràn lan những tin tức sai sự thật, dựng chuyện nói xấu, giết thì giờ 1 cách vô bổ; cứ tưởng đi đầu xu hướng mà hóa ra đang bị dắt mũi.

Học sinh mải “hóng biến” sẽ thức xuyên đêm, sinh hoạt sai nhịp đồng hồ sinh học, ngủ ít, dẫn đến đầu óc lơ là, kém tập trung trên lớp, dễ cáu gắt, lo âu, nóng nảy và bị suy giảm trí nhớ ngắn hạn, ảnh hưởng chất lượng học tập.

Để “cải tạo” người yêu “nghiện drama”, cháu cần "lấy độc trị độc":

- Thuật toán của các nền tảng mạng xã hội thường dựa trên thói quen lướt mạng của từng người để ưu tiên điều mà họ tìm kiếm. Hãy rủ bạn gái truy cập những chủ đề liên quan đến hướng nghiệp, học ngoại ngữ, phim hay… để được đề xuất thêm những nội dung tương tự.

- Ẩn hoặc bỏ theo dõi các tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung độc hại, gây tranh cãi, để dành thời gian tham gia các hoạt động tích cực trong đời sống và tâm sự với người thân hoặc chơi thể thao, đọc sách, đi bộ, học vẽ, tập đàn... Đừng lún sâu vào các sự việc ồn ào trên mạng, ảnh hưởng xấu đến tâm trạng và cảm xúc, khiến mình giảm hứng thú học tập, giải trí, ngủ nghỉ.

- Chủ động chia sẻ, tương tác, trao đổi những nội dung tích cực, những thông tin giải trí thú vị và thông tin mang tính giáo dục, phản ánh các vấn đề xã hội quan trọng.

- Khuyến khích bạn gái làm các video ngắn ghi lại khoảnh khắc xúc động/hài hước/trẻ trung trong trường, lớp, kể lại những điều tử tế bằng cảm xúc và ngôn ngữ gần gũi, thu hút được người xem.

- Xây dựng thói quen chọn lọc thông tin từ những nguồn tin uy tín, chính thống. Có tư duy phản biện, đánh giá, phân tích thông tin một cách khách quan, biết phân biệt đúng sai, thật giả.

- Để điện thoại di động khuất tầm nhìn để đỡ bị cám dỗ. Nên có thời gian sử dụng mạng xã hội hợp lý, bởi ngay cả khi các cháu dùng mạng 1 cách tích cực, việc "cắm đầu vào mạng” cũng lợi bất cập hại.

Chúc các cháu coi mạng và thiết bị kỹ thuật số là người cộng tác tài ba chứ không phải là ông chủ sai khiến mình.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI