Giúp nữ công nhân tự tin hội nhập đô thị
Chiều tan ca, trong căn phòng trọ nhỏ, mẹ con chị Lê Thị Gái (P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM) loay hoay quét dọn, chuẩn bị bữa cơm chiều. Chị Gái quê ở Ninh Thuận. Hai năm nay, gia đình chị chưa sắp xếp được thời gian về thăm quê. Chị Gái chia sẻ: “Ngay từ tết, tôi đã đặt mua vé xe nhưng dịch bùng phát, mẹ con tôi quyết định bỏ vé, ở lại đón tết”.
Chị Gái theo hai con vào TP.HCM đi làm, nay ngót nghét đã sáu năm. Mẹ con chị trọ tại khu nhà trọ của dì Nguyễn Thị Phương Lân, P.Tân Thuận Đông và làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận. Nhiều năm trôi qua, chị Gái vẫn chọn ở trọ nơi đây vì đã gắn bó lâu năm, cảm giác căn phòng trọ thân quen như nhà mình; người thuê trọ xung quanh thân thiết như bà con hàng xóm; chủ nhà trọ gần gũi, luôn sẻ chia với chị em công nhân.
Khu nhà trọ của dì Lân có hơn 45 phòng với khoảng 160 người thuê, trong đó 2/3 là phụ nữ và trẻ em. Chia sẻ khó khăn với công nhân ở trọ, dì Lân thường xuyên hỗ trợ nhu yếu phẩm, lì xì năm mới, giảm giá tiền thuê phòng (trung bình khoảng 200.000 đồng/tháng) liên tục nhiều tháng liền trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công việc và đời sống công nhân lao đao.
|
Chị Nguyễn Thị Phương Lân (câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ - khu phố 1B, P.Tân Thuận Đông, Q.7) tuyên truyền, hướng dẫn các nữ công nhân về cuộc Bầu cử Quốc hội - ẢNH: PHÙNG HUY |
Cho biết thêm về hoạt động câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ, chị Huỳnh Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội LHPN Q.7 - nói: “Q.7 hiện có khá đông công nhân làm việc tại khu chế xuất, khu công nghiệp lưu trú. Kịp thời hỗ trợ, chăm lo cho nữ công nhân, đến nay, Hội LHPN duy trì hoạt động của 16 câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ với gần 400 thành viên. Các chị chủ nhà trọ cùng Hội Phụ nữ địa phương đã có nhiều hoạt động sẻ chia dành cho nữ công nhân như: trao quà dịp lễ, tết; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cung cấp kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng nuôi dạy con, chống xâm hại trẻ em, chống bạo lực gia đình… Những hoạt động này nhằm triển khai thiết thực đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân, lao động khu lưu trú - nhà trọ” do Hội LHPN TP.HCM vận hành từ năm 2017 đến nay.
Bước đầu thực hiện đề án, Hội tổ chức các cuộc khảo sát, nắm tình hình thực tế về công nhân, lao động nữ tại các khu nhà trọ. Kết quả cho thấy, phần lớn lao động nữ có trình độ chuyên môn thấp. Sau giờ làm việc, đa số về trọ trong các khu nhà gần khu chế xuất, khu công nghiệp; một số ít cư trú ở các khu lưu trú công nhân. Chị em ít có cơ hội, thời gian để vui chơi, giải trí, tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng. Thực hiện đề án, Hội LHPN TP.HCM cùng các Hội LHPN quận, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân ở nhiều lĩnh vực như: Các chế độ, chính sách đặc thù đối với lực lượng lao động ngụ cư tại TP.HCM; Kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân, phòng, chống xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, phòng, chống tội phạm được truyền thông định kỳ hằng tháng, hằng quý theo đặc thù từng địa phương; Kỹ năng hội nhập đô thị, kỹ năng ứng xử trong gia đình, nuôi dạy con thời hiện đại, phương pháp quản lý tài chính gia đình… Những nội dung này được nhiều chị em tiếp cận, hội nhập hiệu quả, hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc, an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
Được Hội LHPN P.Phú Hữu (TP.Thủ Đức) giới thiệu vay nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED) vào năm 2017, từ số tiền 30.000.000 đồng, tăng dần mức vốn lên 50.000.000 đồng, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (ngụ tại 3/1 đường 836 khu phố 3, P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã cùng gia đình mở quán phở tại nhà. Đến nay, qua bốn đợt vay vốn, quán phở chị Dung là nguồn thu nhập chính của gia đình năm thành viên, kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt. Ngôi nhà nhỏ xập xệ ngày trước nay được sửa sang lại khang trang, sạch sẽ hơn. Không chỉ tự mình vượt khó, thay đổi hoàn cảnh, quán phở chị Dung còn hỗ trợ việc làm cho các chị em phụ quán. Cuộc sống dễ thở hơn, chị Dung bắt đầu tham gia và hỗ trợ Chi hội phụ nữ địa phương chăm lo quà cho phụ nữ nghèo, tặng học bổng cho học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn…
|
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - tặng quà cho các nữ chủ nhà trọ tại Q.7, TP.HCM |
Cũng là một hội viên được Chi hội Phụ nữ khu phố 2, P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức) tạo điều kiện để vay vốn từ nguồn vốn của quỹ CWED, chị Trần Thị Lệ Thanh đã có cuộc sống khá lên nhờ mua bán phụ liệu may mặc. Năm 2010, chị được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ vay vốn của Chi hội Phụ nữ khu phố 2. Qua mười năm làm công tác, chị Thanh luôn nắm bắt thông tin, giúp đỡ chị em tiếp cận nguồn vốn vay buôn bán hàng ăn, bán tạp hóa, phụ liệu may mặc… với số vốn ban đầu từ 30 đến 50 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều chị em đã thoát nghèo, vươn lên.
Là Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM phụ trách mảng kinh tế, trực tiếp quản lý, vận hành quỹ CWED, bà Trần Thị Phương Hoa cho biết, hiện nay, Ban Kinh tế của Hội LHPN TP.HCM đang tập trung thực hiện có hiệu quả đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Ngoài công tác truyền thông, thời gian qua, Hội đã và đang đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ, đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, thực hiện hỗ trợ các chương trình hướng dẫn chuyển đổi số, quản trị phù hợp trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch Covid-19. Việc kết nối để tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp là một bước rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch này. Thời gian tới, nhiều kế hoạch được đặt ra trong việc hỗ trợ hội viên phụ nữ thành phố.
|
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, tặng quà hỗ trợ hội viên phụ nữ tại TP.Thủ Đức đang gặp khó khăn vì dịch bệnh |
Theo bà Phương Hoa, các chuyên đề, hội thảo như chương trình Cafe khởi nghiệp, chiến lược tăng trưởng sau Covid-19, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, dẫn dắt các doanh nghiệp trẻ xây dựng hình ảnh sức mạnh nội tại và phối hợp với Google thực hiện chương trình Digital 4.0 hướng dẫn chị em kinh doanh trên nền tảng công nghệ có hiệu quả… sẽ được đưa về TP.Thủ Đức và đẩy mạnh tổ chức để các doanh nghiệp và chị em có cơ hội học tập, trao đổi kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội sẽ đẩy mạnh nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc vận động các doanh nghiệp nữ sản xuất sản phẩm sạch, xanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp lấy trách nhiệm xã hội làm đầu.
Thiên Ân - Thu Lê