'Bán đảo Thanh Đa treo hơn 20 năm, quá sức chịu đựng của người dân'

11/07/2018 - 17:09

PNO - "Cử tri quận Bình Thạnh phản ánh sớm xem xét tình trạng "treo" trên 20 năm của bán đảo Thanh Đa. Dự án treo từ đó đến nay quá sức chịu đựng của cử tri”, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê bày tỏ.

Chiều 11/7, kỳ họp thứ 9, HĐND TP.HCM khoá IX tiếp tục làm việc, Thường trực HĐND TP báo cáo kết quả giám sát về hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP, trọng tâm là là tài nguyên đất do nhà nước trực tiếp quản lý.

'Ban dao Thanh Da treo hon 20 nam, qua suc chiu dung cua nguoi dan'
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê

Đại biểu (ĐB) Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá cao báo cáo đã nêu, tuy nhiên ông cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề giám sát chưa tốt. "Ví dụ như Công ty Thăng Long, quận Tân Bình vi phạm rất nhiều, vấn đề này chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo rất quyết liệt. Chúng ta cần loại trừ những dự án không tốt để cử tri an tâm", ông Khuê nói.

Theo ĐB Khuê, tài nguyên đất của TP không thiếu nhưng có những lúc buông lỏng, có những dự án nhằm vào dân cư đang ổn định, gây ra sự lãng phí, cần chấn chỉnh.

“Có nhiều mặt bằng kho bãi, nhà xưởng hiện nay sử dụng chưa đúng mục đích, chúng ta cần giám sát kỹ vấn đề này để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, phải kiên quyết xử lý những dự án treo.

Cử tri quận Bình Thạnh phản ánh sớm xem xét tình trạng "treo" trên 20 năm của bán đảo Thanh Đa. Ở đây không xa quận 1, dân cư đông nhưng cuộc sống người dân không đạt yêu cầu, nhà cửa, giao thông đều xuống cấp, tình trạng ngập lụt dễ phát sinh các mầm bệnh. Dự án treo từ đó đến nay quá sức chịu đựng của cử tri”, ĐB Khuê bày tỏ.

Ông Khuê thốt lên: “Tôi thấy khu này không thua kém gì Thủ Thiêm”. Vị ĐB kể có gặp một thanh niên 25 tuổi đã lập gia đình, khu dân cư này từ khi anh sinh ra đến nay vẫn như vậy, điều kiện sinh hoạt còn tệ hơn các khu tạm cư.

Ông đề nghị HĐND TP cần quan  tâm vấn đề này. Cần rà soát lại quy trình thực hiện, công khai về các đồ án quy hoạch để người dân tham gia các dự án vì họ là những người thụ hưởng, bên cạnh đó cần phải lắng nghe ý kiến của người dân.

'Ban dao Thanh Da treo hon 20 nam, qua suc chiu dung cua nguoi dan'
ĐB Vũ Thanh Lưu

Đồng quan điểm, ĐB Vũ Thanh Lưu đề nghị cần rà soát những khu đất sau năm 1975 đến nay, TP cần phối hợp bộ, ngành, trung ương giám sát những khu đất bỏ hoang sử dụng không đúng mục đích. Ông lấy ví dụ, riêng quận 8, dọc bến Bình Đông nhiều kho bãi sau năm 1975 bỏ trống trong khi quận này thiếu đất xây dựng trường học.

ĐB Cao Thanh Bình cho rằng, qua khảo sát, giám sát, có nhiều đơn vị chưa đưa nhà đất vào danh sách cập nhật dẫn đến tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp. Nhiều địa chỉ chậm đề xuất các phương án, chậm xác định ranh… Giám sát cũng phát hiện ra việc cho thuê sai thẩm quyền.

Ví dụ văn phòng HĐND, UBND quận huyện, phường xã, phòng tài chính, phòng quản lý đô thị… cho thuê chưa đúng thẩm quyền. Việc cho thuê, quản lý chưa chặt chẽ nên xảy ra tình trạng nợ tiền thuê nhà thuê đất, có đơn vị nợ thuê nhà thuê đất lên đến hơn 70 tỷ đồng.

Đặc biệt, rất nhiều hợp tác xã nợ tiền thuê nhà thuê đất… Khi được bán chỉ định, các hợp tác xã này lại xin cho thuê dài hạn do không có tiền, cần xem xét lại, cũng có thể các đơn vị sử dụng đất thuê cho thuê lại.

'Ban dao Thanh Da treo hon 20 nam, qua suc chiu dung cua nguoi dan'
ĐB Cao Thanh Bình

Ông Bình cũng đề nghị TP đánh giá kỹ trong việc liên doanh liên kết. Vừa qua có nhiều địa chỉ rất đắc địa như 101 Nguyễn Du, dự án khai thác từ năm 2000, diện tích 1.786m2, trong quá trình khai thác báo lỗ 26 tỷ đồng vào năm 2015, 2016, 2017 không có lợi nhuận... Cần đánh giá rút kinh ngiệm.

Có 112 địa chỉ sử dụng sai mục đích, bỏ trống hoặc cho thuê lại

UBND TP đã tập trung xử lý đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn 2001 - 2011 nhưng chậm triển khai trên địa bàn TP. Qua đó đã hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577/1.269 dự án (chiếm tỷ lệ 45,5%), với tổng diện tích là 5.915,1/18.930 ha đất.

Đây là nội dung mà người dân sống trong vùng quy hoạch, dự án “treo” rất phấn khởi trước quyết định của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, người dân mong muốn chính quyền cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu hồi các dự án “treo” và thực hiện đầy đủ quyền lợi của người dân đang sống trong quy hoạch, dự án chậm triển khai và khi dự án đã được hủy bỏ, thu hồi.

Hiện nay trên địa bàn TP vẫn còn một số dự án chậm triển khai, vẫn còn tình trạng quy hoạch nhiều năm chưa thực hiện nhất là đối với các công trình công cộng. Việc xác định giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi, nhất là đối với đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư có giá rất thấp so với giá giao dịch thực tế trên thị trường. Vẫn còn tình trạng nhiều dự án đã bồi thường 100% diện tích đất nhưng không triển khai thực hiện dự án trong thời gian dài, có nơi trở thành bãi chứa rác làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

Hiện nay, thành phố vẫn còn 13.930 căn hộ và nền đất đã được hình thành trong nhiều năm nhưng chưa bố trí sử dụng phần nào gây lãng phí ngân sách TP.

Qua kiểm tra, thanh tra của Sở Tài nguyên - Môi trường TP thống kê trong 346 khu đất do 10 tổng công ty và công ty nhà nước đang quản lý sử dụng có 112 địa chỉ sử dụng sai mục đích hoặc bỏ trống hoặc cho thuê lại.

Đến nay, vẫn còn 41 địa chỉ nhà đất chưa thu hồi, trong đó khối Trung ương là 13 địa chỉ chưa thu hồi nhưng có tổng diện tích đất phải thu hồi là 158.974m2; khối TP còn 28 địa chỉ với tổng diện tích phải thu hồi là 58.063m cần được quan tâm đẩy nhanh tiến độ.

Quyết liệt xử lý, thu hồi các dự án “treo”

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, TP sẽ quyết liệt xử lý, thu hồi các dự án “treo”, không để kéo dài tình trạng chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

“Tới đây TP sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, dịch vụ. Việc khai thác đất đai phải tuân theo thị trường, bán đấu giá các khu đất công đồng thời tuân thủ việc giao đất làm dự án cho chủ đầu tư có năng lực và phù hợp với quy hoạch. Bên cạnh đó, TP sẽ vừa đề xuất Trung ương tháo gỡ khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng đồng thời cũng sẽ thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Quỳnh Mai – Minh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI