11/9/2001 tưởng chừng vẫn sẽ là một ngày hệt như mọi ngày với Ron DiFrancesco. Theo thường lệ, ông đến làm việc tại tầng 84, Tháp Nam, trung tâm thương mại thế giới ở quận Manhattan (New York). Thế nhưng vừa bước vào cửa văn phòng, ông nghe thấy tin tức chấn động từ loa phát thanh của lực lượng bảo vệ tòa nhà: 8g46 sáng, chuyến bay số 11 của hãng hàng không Hoa Kỳ - bị những kẻ khủng bố khống chế - đã lao thẳng vào Tháp Bắc cạnh bên.
Ban đầu, như nhiều đồng nghiệp khác, DiFrancesco cố giữ bình tĩnh. Nhân viên bảo an cũng trấn an nhóm người rằng “họ không cần phải sơ tán”. Thế nhưng sau khi nói chuyện cùng một người bạn, DiFrancesco quyết định rời đi ngay lập tức. Chỉ vài phút sau khi đi thang bộ xuống lầu, lúc 9g03, chiếc máy bay khác mang số hiệu 175 đâm thẳng vào tầng 77 đến tầng 85, Tháp Nam.
Khoảnh khắc đó, DiFrancesco may mắn vừa kịp bước xuống lối thoát hiểm duy nhất còn an toàn bên trong tòa nhà. Dẫu vậy, số ít người cũng đang tìm cách thoát thân như ông, trông thấy lửa lớn bốc lên ngùn ngụt, đã chọn cách di chuyển ngược lên trên. Vì hoang mang, ông suýt làm theo họ. Tuy nhiên, một cảm giác kỳ dị, tựa như linh tính, “mách bảo” DiFrancesco phải tiếp tục đi xuống.
 |
Trong sự kiện 11/9, DiFrancesco, người cuối cùng thoát khỏi tòa Tháp Nam của trung tâm thương mại thế giới, tiết lộ mình được chỉ đường “bởi một tồn tại vô hình”. - Ảnh: AllThatInteresting |
“Có ai đó… xuất hiện bên tôi”
Vất vả xoay xở giữa làn khói lửa dày đặc cùng tường gạch đổ vỡ xung quanh, người đàn ông lo sợ rằng mình có thể đã lựa chọn sai. Thế nhưng, một chuyện cực kỳ khó tin xảy ra tiếp theo.
“Tôi chợt nghe thấy một giọng nam. Người này bảo tôi, “Đứng lên!” - ông hồi tưởng.
Ông vừa “nghe thấy” vừa cảm nhận được “có ai đó xuất hiện gần bên”, dù DiFrancesco chắc chắn bản thân chỉ còn lại một mình, mắc kẹt trong biển lửa.
“Người đó dìu tôi, dẫn dắt tôi đi tiếp xuống từng bậc cầu thang” - DiFrancesco kể - “Tôi không rõ bằng cách nào, nhưng tôi tin chắc ai đó đã chỉ lối cho mình… băng qua cầu thang, qua mỗi đám lửa. Tôi cảm nhận được người đó đang động viên tôi tiếp tục chạy đúng hướng”.
Cho đến khi người đàn ông thoát khỏi khu vực hỏa hoạn nguy hiểm nhất, xuống được đến tầng 76, “giọng nói” và “bàn tay chỉ đường” thần bí bỗng biến mất.
Trong sự kiện 11/9 kinh hoàng, DiFrancesco là người cuối cùng thoát khỏi Tháp Nam, chỉ ít lâu trước khi khối kiến trúc cao 415m sụp đổ hoàn toàn.
 |
Một số vận động viên leo núi như Messner, khi mắc kẹt trong những tình huống cận kề sinh tử, cũng khẳng định họ được một “bóng dáng kỳ bí” giúp đỡ - Ảnh: SkepToid |
Trở lại thập niên 1970, vận động viên leo núi tài năng người Ý, Reinhold Messner, có trải nghiệm ly kỳ không kém. Nếu không nói, Messner “chạm mặt” tồn tại bí ẩn kể trên - về sau được gọi chung là hiện tượng “thiên thần hộ mệnh” - theo cách còn kịch tích hơn.
Ngày nay Messner được mệnh danh là một trong những chuyên gia leo núi hàng đầu thế giới, đã chiến thắng nhiều giải thưởng và kỷ lục danh giá, nhưng Messner năm 1970, ở tuổi 25, vẫn là một thanh niên đầy tham vọng.
Ông đủ tham vọng để thử sức với một trong những ngọn núi hiểm trở nhất hành tinh: Nanga Parpat tại Pakistan. Thời điểm đó, Messner muốn chinh phục Rupal Face, mặt phía nam cao đến 4.600m của Nanga Parpat, với địa thế dốc đứng và khí hậu khắc nghiệt được dân leo núi chuyên nghiệp ví như “địa ngục”.
Em trai Günther cùng tham gia với ông trong cuộc hành trình đầy thử thách. Thế nhưng, mỉa mai thay, thách thức trí mạng lại đến với họ trên đường xuống núi.
Thể lực Messner lúc bấy giờ đã gần như cạn kiệt, nhưng Günther còn lâm vào tình trạng tệ hơn.
 |
Günther Messner (ngoài cùng bên trái) và anh trai Reinhold Messner (thứ ba từ trái qua) cùng nhóm bạn là các nhà thể thao mạo hiểm, trong chuyến thám hiểm năm 1968 ở Eiger, Thụy Sĩ, 2 năm trước sự kiện leo núi đã cướp đi sinh mạng Günther - Ảnh: Getty |
“Trên đường trở xuống, tôi thường xuyên không nhìn thấy em trai đâu nữa. Günther bị tụt lại một đoạn dài phía sau..”, ông viết trong quyển hồi ký The Naked Mountain xuất bản năm 2002. Cơn mệt lả, cạn sức xen lẫn tâm trạng căng thẳng kéo dài rất có thể đã “đánh gục” vận động viên trẻ ngay giờ phút ấy. Cho đến khi, Messner thoáng thấy “một người leo núi thứ ba” đi gần mình tự lúc nào.
Ông mô tả: “Người đó đi cách vài bước chân, phía bên phải tôi. Vì điều kiện thời tiết, tôi không thể nhìn rõ bề ngoài của họ. Nhưng tôi chắc chắn, đã có ai đó đột ngột hiện diện gần bên, xuống núi cùng tôi”.
Messner chia sẻ, “người leo núi thứ ba” không tạo cho ông cảm giác e sợ hay khó hiểu, dù cả chặng đường người này “không hề lên tiếng”. Kiên định đi song song cạnh bóng người kỳ lạ đó, Messner thành công chinh phục được ngọn núi cực kỳ nguy hiểm. Trong khi em trai ông đã thất bại và bỏ mạng.
“Thiên thần” giữa đời thực?
Bóng dáng bí ẩn hành xử như “thiên thần” bảo hộ Messner và DiFrancesco tình cờ gặp được, không phải những trường hợp cá biệt hiếm thấy trong lịch sử thế giới.
 |
Bìa sách The Third Man Factor, xuất bản lần đầu năm 2008 - Ảnh: Amazon |
Nhà khoa học - sử học John Geiger đã tổng hợp tư liệu điều tra về hàng chục trường hợp tương tự, tạo thành một tựa sách nghiên cứu đặc sắc có tên Nhân tố người thứ ba (The Third Man Factor, ra mắt năm 2008).
Tất cả nhân vật Geiger phỏng vấn, bao gồm Messner và DiFrancesco, sở hữu một điểm tương đồng đặc biệt: họ đều từng mắc kẹt giữa hoàn cảnh vô cùng bi đát, chịu đựng sự cô độc và "tử thần" đe dọa.
Nhiều trường hợp trong số này là các nhà leo núi, vận động viên thể thao mạo hiểm. Một số vụ "chạm mặt thiên thần" cũng xảy đến với người gặp tai nạn nghiêm trọng trên biển, ngoài hoang mạc, nơi núi cao hiểm trở. Hay như trải nghiệm của DiFrancesco, một sự cố kinh hoàng gây ám ảnh nặng nề.
"Vào khoảnh khắc chừng như mọi hy vọng đã tắt lịm, "họ" xuất hiện, Geiger nhận xét. "Đột ngột hiện hữu cạnh một người hoặc một nhóm người, “người này” có thể là nam hoặc nữ, già hay trẻ, với ngoại hình đa dạng. "Họ" có thể là một bạn đồng hành kiệm lời hay hoạt bát, hay sẽ thốt ra những lời động viên, cảm thông gây xúc động. Chi tiết chung nhất là, "họ" đem lại sự khuây khỏa, truyền thêm sức mạnh và lòng tin cho những ai lâm vào đường cùng".
Phân tích của Geiger như đang mô tả các "thiên thần hộ mệnh" giữa đời thực. Nhận định ấy bắt nguồn từ đâu?
 |
Nhà thám hiểm Ernest Shackleton gặp nạn năm 1916 tại Nam Cực và được giúp đỡ bởi một “tồn tại thần bí”, trở thành ví dụ kinh điển trong lịch sử về hiện tượng “thiên thần hộ mệnh” |
“Thiên thần hộ mệnh” hiện thân, trên thực tế, đã được ghi nhận từ “buổi bình minh” của nhiều nền văn minh nhân loại. Dù vậy, minh chứng đầu tiên được ghi chép hoàn chỉnh về hiện tượng kỳ lạ này, liên quan đến chuyến vượt núi dũng cảm diễn ra năm 1916, của nhà thám hiểm nổi tiếng người Anh Ernest Shackleton.
Năm ấy, Shackleton dẫn dắt một chương trình thám hiểm quy mô nhằm mục đích chinh phạt lục địa Nam Cực từ đất liền. Họ dự tính đi xuyên qua nhiều miền đất khác nhau, để khám phá toàn bộ Nam Cực. Thế nhưng, nhóm thám hiểm gặp khó khăn khi nhiệt độ xuống quá thấp khiến thuyền của họ kẹt cứng trên biển băng.
Cảm thấy không còn chọn lựa nào khác, Shackleton đưa ra quyết định cực kỳ liều lĩnh. Cùng 2 đồng đội nữa, ông rời thuyền, băng qua dãy núi băng giá lạnh, hiểm trở để tìm sự giúp đỡ. Họ kiên trì đi bộ miệt mài trong 36 giờ, bọc người bằng số thiết bị bảo hộ và giữ ấm ít ỏi, dưới điều kiện thời tiết có thể đánh gục cả nam giới khỏe mạnh nhất.
Cuối cùng, nhóm Shackleton tới được trạm nghỉ của thợ săn cá voi thuộc bờ biển bắc, Nam Georgia. Họ đã tìm được cứu viện và cứu toàn bộ thành viên còn lại trong đoàn.
Nhiều tuần sau đó, 3 người trong cuộc đưa ra một tuyên bố chấn động, rằng suốt chuyến đi họ xem là “liều mạng” ấy, có một người… thứ tư xuất hiện trong nhóm. Shackleton cho biết, người bạn đồng hành này tuy “không hề lên tiếng”, nhưng đã mang đến “sự cứu rỗi”, vực dậy niềm tin giúp họ tiến bước.
Lời thuật lại của nhóm Shackleton làm xôn xao truyền thông nước Anh. Thậm chí, nhà thơ đoạt giải Nobel, T.S. Eliot, từng cho ra đời một tác phẩm thơ kỳ ảo lấy cảm hứng từ câu chuyện này.
 |
Nữ thợ lặn và nhà địa chất học Stephanie Schwabe trải qua hiện tượng “thiên thần hộ mệnh” khi gặp tai nạn đáng sợ trong chuyến khám phá hang động dưới nước tại Bahamas, năm 1997. Schwabe tin rằng, “bóng dàng vô hình” cứu mạng cô chính là người chồng đã qua đời 3 tuần trước đó của mình - Ảnh: AllThatInteresting |
Kỳ diệu như ý chí con người
Hiện tượng “thiên thần hộ mệnh” có thật chăng?
Geiger đề cập tới một số lý thuyết tâm lý học, giải thích cho sự hiện thân của "thiên thần". Ông suy luận rằng vấn đề có thể liên quan đến ảo giác, huyết áp xuống thấp, stress hay rối loạn tinh thần lẫn thể chất ở những mức độ khác nhau - khiến tâm trí chúng ta "gọi ra" một tồn tại dị biệt để đồng hành cùng bản thân, vượt qua hiểm cảnh.
Ý tưởng trên hãy còn là suy luận thuần túy. Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu thực tiễn xoay quanh chủ đề này.
 |
Qua thí nghiệm, bác sĩ - nhà thần kinh học Olaf Blanke chứng minh được sự rối loạn xảy đến ở vùng đỉnh não là nguyên nhân khiến một số người nhìn thấy “thiên thần” trong các tình huống sinh tử - Ảnh: EPFL |
Dự án nghiên cứu thú vị nhất được ghi nhận về "thiên thần hộ mệnh" diễn ra năm 2014, tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ. Dẫn dắt dự án, giáo sư Olaf Blanke, muốn tập trung điều tra nguyên nhân có thể kích thích não bộ con người trải nghiệm "hội chứng thiên thần".
Sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và phương pháp kích thích điện não, nhóm khoa học gia tìm thấy mối liên hệ giữa khu vực đỉnh não, nơi chuyên đảm trách việc xử lý thông tin xúc giác - không gian, và ảo giác "thiên thần". Họ cho rằng, hoạt động bị gián đoạn ở vùng não đặc trưng này là nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy có ai đó đột ngột xuất hiện quanh mình trong hoàn cảnh căng thẳng tột độ.
Thế nhưng, sự rối loạn tâm lý do ngoại cảnh liệu có phải câu trả lời "khuôn mẫu"?
Nhiều nhân vật trong cuốn sách của Geiger có cách diễn giải riêng độc đáo.
"Tôi nghĩ hiện tượng này là một phản ứng tự nhiên" - Messner chia sẻ - "Bạn sẽ cảm nhận được điều tương tự như tôi, khi lâm vào tình huống bấp bênh tương tự. Cơ thể con người đôi khi tự "sáng tạo" nên những phương thức sống sót rất kỳ diệu".
Ở chương kết của cuốn sách, Geiger khép lại đề tài này bằng một kết luận vừa nhân văn vừa lý thú. Ông viết: “Có lẽ bên trong tất cả chúng ta, có một “công tắc” đặc biệt cho các trường hợp đặc biệt. Có lẽ chính bạn có thể tự đánh thức “thiên thần hộ mệnh” của riêng mình, để vượt qua khoảnh khắc khốn khó nhất trong đời”.
Có lẽ, nhân loại là giống loài không thể bị khuất phục, vì lẽ ấy.
Như Ý (theo ELPAIS)