Bạn đã tiêm phòng COVID-19 hay chưa?

10/08/2021 - 06:37

PNO - Đó là câu hỏi được khuyến khích sử dụng, bên cạnh những câu chào hỏi thông thường khác, ở nhiều nước trên thế giới hiện nay. Trong khi trước đây, câu hỏi này được xem là thiếu tế nhị.

Nhu cầu được cảm thấy an toàn

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến nghị những người đã tiêm chủng vẫn nên đeo khẩu trang trong không gian kín công cộng, tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao. Hướng dẫn này khiến nhiều người lo lắng về việc đến những nơi có điều kiện giãn cách hạn chế, chẳng hạn như văn phòng bác sĩ hoặc spa, đặc biệt nếu họ cần phải tháo khẩu trang.

Trong những tình huống trên, mọi người có thể đặt ra câu hỏi cho người đối diện: “Bạn đã tiêm phòng chưa?”, vì sự an toàn của bản thân. Lawrence Gostin, Trưởng khoa của Viện O’Neill về Luật Y tế quốc gia và toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ), nhận định: “Việc hỏi người sẽ tiếp xúc rất gần, riêng tư với bạn rằng họ đã được tiêm phòng hay chưa là hoàn toàn hợp lý và đúng luật”.

Việc hỏi người sẽ tiếp xúc với mình “đã tiêm vắc-xin chưa?” được khuyến khích để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng - ẢNH: ISTOCK
Việc hỏi người sẽ tiếp xúc với mình “đã tiêm vắc xin chưa?” được khuyến khích để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng - Ảnh: Istock

Trước nỗi lo trên, yêu cầu tiêm chủng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn liên bang khi Mỹ dần quay lại cuộc sống bình thường. Trên thực tế, chủng ngừa vắc xin COVID-19 có thể làm giảm sự lây truyền và bảo vệ tất cả mọi người bằng cách giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng.

Ngay cả khi biến thể Delta với khả năng lây lan cao có thể vượt qua hàng rào phòng vệ, dẫn đến ca nhiễm “đột phá” ở những người đã tiêm chủng, số trường hợp này cũng không phổ biến, rất hiếm khi đe dọa đến tính mạng và không thúc đẩy sự gia tăng ca nhiễm cho cộng đồng. Ở tuyến đầu chống dịch, các hệ thống bệnh viện tại Mỹ đang tìm cách đưa vắc xin COVID-19 trở thành yêu cầu bắt buộc đối với người lao động. Mục tiêu chính là bảo vệ cả những bệnh nhân chưa được tiêm chủng và những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch bằng cách giảm nguy cơ lây truyền từ các nhân viên y tế. 

Mặt khác, một chiến lược tương tự nên được áp dụng tại những lĩnh vực khác để bảo vệ trẻ em chưa được tiêm chủng và người lớn dễ bị tổn thương. Nhiều bang tại Mỹ đang xem xét ban hành quy định về tiêm vắc xin cho giáo viên và nhân viên trường công lập.

Trong khi đó, các giáo viên tiểu học và trung học tại tỉnh Quebec, Canada cũng bày tỏ quan ngại về điều gì sẽ xảy ra khi trẻ em quay trở lại lớp học giữa lúc đại dịch tiếp tục diễn ra. Ngày 6/8, Sylvain Mallette, Chủ tịch Liên đoàn Giáo dục tự quản, phát biểu: “Đối với giáo viên, những gì họ muốn là được an toàn và đảm bảo an toàn cho học sinh của mình”. Ông kêu gọi các trường học thực hiện quy chế khám sàng lọc nhanh, như cho giáo viên chưa được tiêm chủng kiểm tra COVID-19 ba lần một tuần, vì “nếu bạn quyết định không tiêm chủng, bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả của sự lựa chọn đó”.

Ranh giới ngày càng rõ ràng

Tại châu Âu, Pháp yêu cầu tất cả nhân viên y tế phải tiêm COVID-19 nếu không sẽ bị đình chỉ công tác không lương. Đồng thời, người dân phải xuất trình “hộ chiếu sức khỏe” xác nhận rằng họ đã chủng ngừa, xét nghiệm âm tính hoặc khỏi bệnh trước khi vào quán bar, nhà hàng. Hy Lạp cũng chọn cách tương tự Pháp.

Tại Đức, chính quyền thực hiện cách tiếp cận gián tiếp, tăng áp lực lên những người từ chối tiêm vắc xin thay vì ràng buộc bằng luật pháp. Kể từ ngày 1/8, những khách du lịch chưa được tiêm phòng phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được phép vào lãnh thổ Đức. Winfried Kretschmann, Thủ hiến bang Baden-Württemberg, cho biết: “Trong tương lai, những người đã tiêm chủng sẽ có quyền tự do rộng rãi. Ngược lại, cuộc sống sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với những người chưa tiêm và họ phải chấp nhận điều đó”.

Gần đây, một số doanh nghiệp lớn của thế giới buộc phải hành động mạnh khi số ca nhiễm tăng trở lại do biến thể Delta. Microsoft, công ty sử dụng khoảng 100.000 nhân viên ở Mỹ, cho biết sẽ yêu cầu bằng chứng về việc tiêm phòng đối với tất cả nhân viên, nhà cung cấp và khách của mình. Google cũng yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng công ty phải tiêm vắc xin, Disney công bố quy định tiêm chủng bắt buộc đối với tất cả người lao động, bất kể toàn thời gian hay bán thời gian. 

Trước đây, cụm từ “người lưỡng lự về vắc xin” mô tả một thái độ thông cảm. Tuy nhiên, cụm từ mới “người chưa được tiêm chủng” xuất hiện ngày càng nhiều trong các câu chuyện thời sự và bài phát biểu chính trị, đi cùng những yếu tố tiêu cực như tỷ lệ tử vong cao, là nguyên nhân gây lây truyền bệnh… Qua đó cho thấy sự phân cực ngày càng mạnh mẽ; đến một lúc nào đó, ranh giới này sẽ vỡ và quyền được sống an toàn sẽ là bên chiến thắng, buộc thiểu số phải nhượng bộ vì lợi ích chung. 

Linh La (theo NY Times, Washington Post, Financial Times, The Journal, NBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI