Bạn đã biết làm sạch dụng cụ trang điểm chưa?

10/11/2018 - 16:00

PNO - Dụng cụ trang điểm như cọ, bông phấn, miếng mút đánh kem... sẽ trở thành kẻ thù của làn da nếu không được làm sạch thường xuyên.

Vệ sinh những món đồ này đúng cách sẽ giúp bạn giảm các vấn đề không tốt cho da mặt hơn. Theo các chuyên gia trang điểm, những dụng cụ trang điểm cần được làm sạch từ 2 - 4 tuần/lần.

Việc lười vệ sinh sẽ làm vi khuẩn ẩn trong các sợi lông, bề mặt dụng cụ. Đặc biệt khi bạn trang điểm, phần mỹ phẩm còn sót lại cùng với độ ẩm không khí sẽ trở nên rất nguy hại cho làn da, dễ gây nên tình trạng da sần sùi, nổi mụn, kém mịn màng. Để tránh những nguy cơ tiềm ẩn này, bạn hãy thường xuyên làm sạch các dụng cụ trang điểm của mình nhé!

Vệ sinh cọ trang điểm

Cọ trang điểm là món đồ quen thuộc với rất nhiều tín đồ make up và cũng là dụng cụ dễ bám dính nhiều mỹ phẩm thừa cộng với vi khuẩn nhất. Dấu hiệu dễ thấy nhất thông báo bạn cần vệ sinh món đồ này là cọ không phủ đều phấn, kém mịn khi đánh, có các đường phấn nhỏ và dễ bị lưu phấn trên mặt.

Nếu chưa thể vệ sinh ngay, bạn hãy dùng ngón tay búng đầu lông, chổi trang điểm. Cách này giúp hạt phấn cũ rơi ra khỏi đầu cọ. Lưu ý không quét, mài đầu cọ vào giấy hoặc bề mặt khác vì sẽ làm rối lông cọ hoặc gãy.

Khi vệ sinh cọ trang điểm, bạn nên ngâm trong nước ấm cho tan các mỹ phẩm còn thừa. Tiếp theo, bạn nên dùng các sản phẩm nước gội đầu tự nhiên, đem pha loãng rồi khéo léo miết nhẹ hoặc dùng lược sạch chải nhẹ các sợi lông.

Ban da biet lam sach dung cu trang diem chua?
Nên vệ sinh các loại cọ thường xuyên - Ảnh minh họa

Ngoài dầu gội, bạn cũng có thể dùng sữa rửa mặt để thay thế và giúp tăng tính tẩy rửa đối với các loại cọ dày,nhỏ, khó vệ sinh. Sau khi làm sạch cọ, bạn rửa lại dưới vòi nước theo chiều xuôi cho các chất bẩn trôi ra hết. Vệ sinh lại từ đầu khoảng 1, 2 lần nữa nếu bạn muốn cọ sạch hoàn toàn.

Khi đã hoàn thành tất cả các bước tẩy rửa cọ, bạn lấy ngón tay bóp nhẹ để loại bỏ nước thừa đọng lại trên lông cọ. Nếu còn bọt, thì rửa lại cho hết hẳn. Lấy khăn mềm thấm một ít rượu trắng hoặc cồn sát trùng để lau vị trí tay cầm cọ. Đặt cọ nằm ngang ở nơi thoáng gió để phơi khô tự nhiên, không sấy để tránh làm hư đầu cọ.

Lưu ý, bạn không nên ngâm cọ trang điểm lâu trong nước để tránh phần keo gắn lông mau hỏng.

Bông/ mút trang điểm

Dấu hiệu cần làm sạch bông trang điểm là khi thấy lớp phấn trên bề mặt bông đậm từng mảng, việc đánh phấn trở nên khó khăn. Nếu những dụng cụ này có giá không quá cao nên bạn nên thay thường xuyên, bỏ đi các miếng bông, mút đã bị bẩn. Với các loại mút xịn, bạn có thể vệ sinh cho chúng để tái sử dụng.

Cách vệ sinh đơn giản nhất là dùng xà bông trung tính, sữa rửa mặt để giặt các miếng bông này. Bạn ngâm các miếng bông vào trong nước, cho sữa rửa mặt vào và bóp nhẹ, tránh chà xát mạnh sẽ làm mất độ mềm. Dùng tay miết cho sữa rửa mặt ngấm sâu trong bông/ mút để loại bỏ cặn kem thừa. Cuối cùng, bạn xả lại nước sạch, vắt khô, sau đó để ở nơi khô thoáng cho bông mút khô hẳn, không phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

Bút kẻ môi

Dùng lâu ngày mà không vệ sinh bút kẻ môi sẽ làm phần đầu kẻ khô cứng, son ra trên môi không đều, lợn cợn. Với dụng cụ này,bạn nên vệ sinh ngay sau mỗi lần sử dụng. Đơn giản và nhanh chóng nhất là lấy khăn giấy ướt loại mềm kẹp phần đầu bút và miết nhẹ để lấy đi màu son môi thừa. Không nên kéo mạnh, xoay vò đầu bút để tránh các sợi lông mềm bị gãy, rối. Bạn cũng lưu ý là chỉ miết theo một chiều nhé, tránh ngâm nước sẽ làm các sợi lông trên bút dễ rụng.

Ban da biet lam sach dung cu trang diem chua?
Vệ sinh bút kẻ môi giúp bạn tô son đẹp hơn - Ảnh minh họa

Cây chải lông mày

Nếu chải lông mày mà màu đậm hơn bình thường là đã đến lúc bạn cần vệ sinh dụng cụ này. Để tránh mất thời gian, mỗi lần dùng xong bạn lấy khăn ướt sạch, lau miết phần lông chải tương tự như cách làm với bút kẻ môi. Trong trường hợp lâu ngày chưa vệ sinh, bạn nãy miết nhẹ phần lông cùng với dầu gội tự nhiên, xà bông trung tính hoặc sữa rửa mặt rồi xả nhẹ lại bằng nước, thấm khô bằng khăn giấy sạch.

Lược chải tóc

Làm sạch sơ bằng cách gỡ hết tóc rụng bám trên lược. Cho sữa tắm hoặc dầu gội đầu vào nước,hòa tan, sau đó bạn ngâm lược vào khoảng năm phút rồi lấy một cái bàn chải cọ sạch. Xả lược lại với nước cho đến khi hết hoàn toàn vết bẩn và dầu gội còn bám trên đó.

Việc vệ sinh lược giúp loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn, tránh tình trạng tích tụ gây ngứa, nấm da đầu, gàu bám trên tóc...

Ban da biet lam sach dung cu trang diem chua?
Vệ sinh lược giúp bạn bảo vệ tóc - Ảnh minh họa

Ngoài các dụng cụ trên, bạn cũng cần thường xuyên làm sạch một số dụng cụ làm đẹp khác như:

Nhíp, bấm móng tay, kìm cắt da, kẹp mi, tỉa lông mày,... bạn lau sạch bằng oxy già, dung dịch tẩy trang hoặc cồn rồi xả lại với nước sạch, lấy khăn thấm hết nước, để ráo.

Bông tắm: Ngâm vào nước nóng pha oxy già và giấm trắng trong 1 giờ, tiếp đó bạn vắt sạch nước rồi sấy hoặc phơi khô.

Dao cạo: Vệ sinh ngay sau khi dùng xong bằng cách xả sạch phần lông bám trên lưỡi dao. Cho một ít nước rửa tay hoặc dầu gội vào một miếng vải mỏng rồi dùng để lau lưỡi dao, xả nước lại cho sạch hoàn toàn rồi lấy khăn sạch lau khô.

Hãy thường xuyên vệ sinh các dụng cụ trang điểm để chúng phát huy tối đa công dụng, giúp bạn duy trì vẻ đẹp của mình nhé!

Thảo Sương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI