Trong một chương trình học về kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể ở Singapore, các bé 6 tuổi được cho xem những tấm thẻ miêu tả các tình huống đụng chạm tốt và xấu.
|
Hiệp hội trẻ em Singapore bắt đầu chương trình phòng chống lạm dụng tình dục "KidzLive: Tôi có thể tự bảo vệ mình" vào năm 2000 |
Khi xem tấm thẻ miêu tả người đàn ông chạm vào vùng háng của một cậu bé, một bé trai đã khăng khăng rằng đó là hành động tốt, mặc dù các bạn khác trong lớp không đồng ý.
Khi được hỏi lý do, cậu bé trả lời rằng bạn của bố cậu từng cởi quần áo và chạm vào bộ phận sinh dục của cậu. Với cậu ấy, hành động này cũng giống như chơi đùa và cậu chưa từng được dạy về kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể.
Cậu bé không nhận ra rằng mình đã bị lạm dụng tình dục.
Dư luận Singapore bắt đầu chú ý đến nạn lạm dụng tình dục trẻ em khi xuất hiện vụ án về Boris Kunsevitsky, một kẻ ấu dâm người Úc sống tại Singapore đã lạm dụng hàng chục nạn nhân, trong đó có 5 em bé người Singapore.
Điều quan trọng mà các chuyên gia cảnh báo là không chỉ những kẻ mắc bệnh ấu dâm mới có thể lạm dụng tình dục trẻ em. Cũng có những người bình thường không có hứng thú tình dục với trẻ em, nhưng lại lạm dụng tình dục trong thời gian căng thẳng, chẳng hạn như khi họ gặp phải áp lực tài chính hoặc căng thẳng trong hôn nhân.
Chúng ta cũng thường nghĩ rằng thủ phạm xâm hại tình dục là người lạ, trong khi trên thực tế, phần lớn thủ phạm là những người thân quen với trẻ. Những thủ phạm này lợi dụng mối quan hệ của họ với trẻ để “chăm sóc”, lạm dụng tình dục và khiến trẻ phải giữ bí mật về việc này.
Lạm dụng tình dục trẻ em thường được che đậy trong sự bí mật và xấu hổ, và trẻ nhỏ tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương.
Các trường hợp lạm dụng thường ít được phơi bày vì trẻ có thể không có kỹ năng ngôn ngữ để diễn đạt hành vi lạm dụng bằng lời nói. Một số trẻ ngay từ đầu thậm chí không hiểu rằng sự lạm dụng đã xảy ra với chúng.
Theo ông Alfred Tan, CEO của Hiệp hội Trẻ em Singapore, chúng ta có thể bắt đầu giáo dục những kỹ năng này cho trẻ từ lúc hai hoặc ba tuổi bằng cách sử dụng các từ ngữ thích hợp khi đề cập những bộ phận riêng tư trên cơ thể và nhấn mạnh "quy tắc đồ lót" - nghĩa là không ai được nhìn thấy hoặc chạm vào các bộ phận cơ thể được che bởi đồ lót.
Điều quan trọng là thông điệp cần phù hợp với lứa tuổi và tận dụng những khoảnh khắc có thể dạy được con trẻ thông qua cuộc sống hàng ngày. Một số điểm cần lưu ý là:
- Người lớn cần sử dụng từ ngữ thích hợp cho các bộ phận riêng tư trên cơ thể. Điều này giúp trẻ phát triển tư duy lành mạnh đối với cơ thể của chính mình. Nhấn mạnh rằng những phần được che bởi đồ lót của trẻ là riêng tư và không dành cho bất kỳ ai khác.
- Khi trẻ đặt câu hỏi, nên trả lời sao cho càng thực tế và càng đơn giản càng tốt. Sau khi giải thích, hãy đặt câu hỏi cho trẻ để đảm bảo rằng thông điệp đã được hiểu đúng.
- Nói với trẻ rằng ngay cả những người thân quen cũng không được cư xử không đúng mực với chúng. Cho phép trẻ nói “không” với những động chạm không mong muốn, bao gồm cả những cái ôm và nụ hôn.
- Nhắc nhở trẻ rằng chúng cần phải nói với người lớn mà chúng tin tưởng bất cứ khi nào cảm thấy không thoải mái với những động chạm không mong muốn và tiếp tục nói cho đến khi ai đó lắng nghe. Luyện tập cách kể để trẻ biết chính xác mình phải nói gì và nói với ai nếu tình huống phát sinh.
Cởi mở trong việc truyền đạt những thông điệp về giới tính cũng dẫn đến những hành vi tình dục có trách nhiệm hơn và không bắt đầu quan hệ tình dục quá sớm.
Và còn nữa, trẻ em thời đại kỹ thuật số có thể truy cập các thiết bị di động ở độ tuổi còn nhỏ. Việc truy cập như vậy thường không được giám sát và điều này khiến trẻ có nguy cơ cao gặp phải những nội dung không phù hợp hoặc lạm dụng tình dục trực tuyến.
Các phụ huynh nên thường xuyên trao đổi với trẻ để có thể nắm được trẻ đang làm gì trên thế giới mạng.
Thời đại có thể thay đổi nhưng cách cha mẹ kết nối với con, đặt ra những giới hạn và dạy con về những mối quan hệ đáng trân trọng vẫn như thế.
Người lớn cũng cần phải lưu ý đến xu hướng muốn chối bỏ, cố “hợp lý hóa” hoặc làm nhẹ đi những tình huống có tính lạm dụng.
Nếu trẻ nói về bạn về chuyện này, hãy giữ bình tĩnh. Nếu bạn tức giận, mất bình tĩnh, trẻ có thể nghĩ rằng bạn sắp trừng phạt chúng và phản ứng này của bạn là “đúng ý kẻ lạm dụng” - vốn đã đe dọa trẻ không được tiết lộ. Nếu đứa trẻ lo sợ bạn sẽ trở nên khó chịu hoặc đau khổ, chúng ít có khả năng tiết lộ vì muốn bảo vệ bạn. Đứa trẻ cần thấy rằng người lớn tin chúng và đang làm mọi cách để bảo vệ chúng. Như thế, trẻ sẽ không ngần ngại tiết lộ khi đối mặt với những tình huống có vấn đề.
An Bình
(theo CNA)