Có gì đáng xấu hổ khi yêu nhau và đau khổ?
Hai cô bé chọn cách giải quyết đầy tiêu cực và đớn đau ấy sau khi bỏ nhà đi cả tuần - điều ấy có khiến các ông bố bà mẹ giật mình? “Các con ở đâu?” là câu các bậc phụ huynh luôn cần tự hỏi và biết rõ câu trả lời chứ không phải là nỗi day dứt suốt cuộc đời sau khi chuyện đáng tiếc đã xảy ra.
|
Cha mẹ cần biết khi nào con đau khổ hoặc có những cảm xúc khác thường - Ảnh minh họa |
Quan điểm rà theo con suốt ngày, không rời con phút nào đã bị gắn mác “thiếu văn minh”. Hãy để con có không gian riêng, được phát triển cá tính.
Điều đó đúng, thế nhưng giáo dục hiện đại, cha mẹ hiện đại phản đối hay mỉa mai các phụ huynh là “cha mẹ trực thăng” cũng phải thừa nhận rằng: vẫn không thể buông con, mặc con muốn làm gì thì làm, nhất là trong giai đoạn dậy thì.
Tuổi dậy thì là giai đoạn những tình cảm đầu đời được hình tượng hóa, chịu ấn tượng mạnh mẽ. Rất lâu sau này, sau khi trải qua nhiều hạnh phúc hoặc đau khổ vì yêu, vì các mối quan hệ tan vỡ, phụ nữ mới nhận ra chuyện của mình ở giai đoạn dậy thì chắc chắn chưa phải đau đớn nhất, ngày ấy chưa phải ngày buồn nhất.
Thế nhưng khi mới 16-17 tuổi, các con đã va vấp gì, đã trải nghiệm gì nhiều đâu nên chuyện sốc, hoang mang, chênh vênh và bồng bột tìm đến cách giải thoát nhanh nhất, tưởng chừng đơn giản nhất… là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Người đời thường phẫn nộ với cha mẹ của người trẻ chối bỏ cuộc sống: “Các ông bố bà mẹ ấy đã ở đâu khi con mình tuyệt vọng đến độ không còn cách nào khác hơn trốn chạy và từ chối quyền được sống tiếp?”. Các phụ huynh ấy đã không truyền được tình yêu và niềm tin cho con mình, rằng buồn bã, đau khổ, bế tắc hiện tại của các con là chuyện ai cũng có thể phải trải qua, nỗi đau ấy có thể hiểu được, không có gì đáng xấu hổ…
Nếu những người làm cha mẹ luôn ở bên con, luôn chìa tay ra để con mình nắm lấy khi chúng đang ở bờ vực tuyệt vọng, chúng sẽ hiểu sự đau đớn duy nhất chúng có thể gây ra khi chết là cho bố mẹ mình mà thôi.
|
Để con được yêu hay đẩy con tới bước đường cùng? - Ảnh minh họa |
10 phút cùng con mỗi ngày không phải chỉ là chuyện sách vở
Năm ngoái, công ty tôi suýt trượt một dự án vào sát ngày bắt đầu, do Y.L. - nhân sự chính của dự án - nghỉ phép đột ngột. Người nhận trách nhiệm thay Y.L. đã dẹp yên tất cả dư luận bất bình trong công ty bằng một email thông báo: “Y.L. cần cứu một sinh mạng, team mình giúp cô ấy nhé”.
Câu chuyện sau đó đã khiến chúng tôi rất cảm động. Đúng hai ngày trước khi dự án bắt đầu, Y.L. nhận trách nhiệm chăm sóc một học sinh 12 tuổi. Cô bé này là con một người hàng xóm mới chuyển đến sinh sống, thuê căn phòng trọ sát phòng của Y.L., đã tự tử vì buồn khi cha mẹ ly hôn.
Cô bé chuyển vào nơi này sống cùng mẹ và lạc lõng giữa bạn mới, trường mới, mẹ đi làm suốt ngày, có khi làm thêm đến tận khuya.
Đến một ngày, nhận được cuộc điện thoại từ bố tố các tội lỗi của mẹ khiến họ hàng phẫn nộ, không bao giờ còn đường quay về, cô bé đã nhảy từ ban công phòng trọ xuống đất. May mắn, tầng hai chỉ làm gãy chân, có thể xuất viện sau một tuần bó bột, nhưng bác sĩ dặn dò rất kỹ người mẹ phải quan tâm và để mắt đến con nhiều hơn vì ý định tự tử sẽ không chỉ xuất hiện một lần.
Y.L. nhận lời giúp người phụ nữ hàng xóm đau khổ và không nơi bấu víu, không chỉ vì cô sợ việc thương tâm sẽ xảy ra ngay nơi mình sống mà vì vốn có hoàn cảnh tương tự, bố mẹ cũng ly hôn, đấu tố, tranh giành con…
Y.L. cũng từng trải qua những ngày tháng tuyệt vọng. Sau đó, cô bỏ nhà ra đi, may mắn được một nhà dòng nhận nuôi. “Khi tôi bỏ đi, cha mẹ cũng chỉ đi tìm loanh quanh cho có, không biết sau hai ngày tôi đã bắt xe đi xa cả trăm cây số. Họ chỉ mải mê tranh giành quyền nuôi con mà không hề hỏi: “Con đang ở đâu?”. Tôi hiểu rất rõ cảm giác cô độc và tuyệt vọng…”, Y.L. trải lòng.
Hai tuần nghỉ phép, Y.L. đã trò chuyện và chăm sóc cô bé hàng xóm 24/24 khi cô bé ấy từ bệnh viện trở về. Một tháng sau, họ cùng mở lớp dạy làm thú bông cho các bạn nhỏ hàng xóm. Nụ cười đã nở trên môi hai mẹ con và cả khu nhà yên tâm rằng, những người hàng xóm của họ đã dần dần lấy lại cân bằng.
Giá như, lại giá như… câu hỏi “Các con ở đâu?” luôn được cha mẹ hỏi và nhận được câu trả lời thỏa đáng trong suốt một tuần hai nữ sinh ấy không trở về nhà.
Ý định tự tử luôn xuất hiện nhiều lần trong đầu người bị trầm cảm. Tai hại nhất là người đó không biết mình đang bị trầm cảm.
“Muốn chết” cũng là một quá trình: có bắt đầu, diễn biến và kết thúc chứ không bao giờ là chuyện tai nạn bất ngờ như một cú trượt chân.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Trở lại câu chuyện hai nữ sinh ở trên, mọi người đều nghĩ nếu hai bên gia đình đều gần con, biết được tâm tư của con trong cả những ngày trước khi hai con bỏ đi, mọi chuyện có thể đã khác.
Nhưng “gần con” như thế nào lại là cả một quá trình từ khi sinh con ra và nuôi con lớn lên. Tô Hồng Vân, một trong hai tác giả bộ sách 10 phút cùng con mỗi ngày, chia sẻ rằng, không phải các bài tập, hình vẽ là điều cần làm giữa bố mẹ và các con, mà thói quen bên nhau, gần nhau, kết nối các thành viên thật tình cảm, thật chặt chẽ, mới là thông điệp các tác giả muốn truyền tải.
Chỉ 10 phút thôi, chẳng lẽ trong đời chúng ta còn việc gì quan trọng hơn việc gần gũi các con mình?
Lê Lan Anh