Bạn có ổn không?

10/03/2018 - 06:00

PNO - Bao lâu rồi ta không hỏi ai đó “bạn có ổn không?”, và bao lâu rồi không ai hỏi ta có ổn không?

Chúng ta dễ trông thấy và giúp đỡ những người thiếu ăn thiếu mặc, an ủi khi có giọt nước mắt rơi. Nhưng những ẩn ức, những nỗi niềm cuộn tròn trong yên lặng, ẩn sau nụ cười, liệu chúng ta có thấy?

Con người ngẫm lạ. Đâu phải cứ đàn ông là không mềm yếu, người lớn là không sai lầm, không phải cứ trẻ con là ngây thơ, không biết gì. Rất nhiều lần, dù đôi chân không nhiều thì ít đã từng bước qua những sợi dây cào xước đến tóe máu, tôi vẫn cứ giật mình nhận ra bản thân thật nhỏ bé. Ví như sáng nay, cô bạn chia sẻ bài viết “Bạn có ổn không?” kèm lời nhắn “Sợ không cậu?”. Cảm giác thế giới mông mênh, bản thân chơi vơi lại ùa về…

Ban co on khong?
 

Bài viết về một chàng trai đã trưởng thành và có lẽ hãy còn trẻ, định cư ở nước ngoài. Trong mắt mọi người, cậu ấy đã hòa nhập khá tốt - từ ngoại hình thay đổi đến việc cậu đi học lại dù đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, vẫn lạc quan với những tấm ảnh tươi cười cập nhật trên trang cá nhân. Và rồi, khi cậu tự tử thì mọi người mới giật mình, mới chợt nhận ra bấy lâu nay mình chỉ nhìn chứ chưa thấy gì cả. Chàng trai ấy trầm cảm, loay hoay với biết bao vấn đề của bản thân, một mình. Mỗi ngày, có thể vẫn có người bên cạnh cậu, nhưng không ai đủ sự thấu hiểu, tinh tế và thời gian để hỏi cậu một câu chân tình: “Bạn có ổn không?”.

Ngoài 70 tuổi, trông ba tôi rất đẹp lão. Từ sau lần mổ thoát vị đĩa đệm cột sống, ba chỉ loanh quanh trong nhà, ra vô uống trà, phụ mẹ bán buôn lặt vặt, lời lãi không bao nhiêu, chỉ vui là chính. Nhà toàn con gái và đều ở xa, ba cũng không bận bịu tiếng ồn ào trẻ con. Cuộc sống bình lặng, an nhàn. Nhiều bạn bè của ba, ở tuổi ấy, vẫn còn nhọc nhằn mưu sinh, còn trông coi cháu nội cháu ngoại, đón đưa các cháu học hành, chăm từng muỗng sữa đến chén cơm.

Một dạo, ba tôi thường xuyên than mệt, khó thở. Đỉnh điểm là lần ông bất tỉnh sau cuộc cãi nhau với chú tôi. Khi ba tỉnh lại, chúng tôi đưa ba đi khám khắp nơi, nghĩ ba có bệnh về tim. Thuốc men nhiều, nhưng những cơn đau thắt ngực và choáng váng vẫn thi thoảng kéo đến. Cho đến khi gặp một vị bác sĩ lớn tuổi, ông nhìn tôi, hỏi: “Cô có biết ba cô trầm cảm lâu rồi không?”. Tôi bất ngờ không nói nên lời. “Cũng có đến vài chục năm, ông ấy có một nỗi buồn đau gì đó, tháo ra là hết thôi. Tim khỏe” - vị bác sĩ nói.

Chị em tôi biết ba và các chú không thuận nhau. Đôi lần giảng hòa, nhưng hơn 10 năm nay, từ khi ông nội tôi qua đời thì anh em ba không lui tới nhà nhau nữa. Chuyện người lớn, chúng tôi là phận con cháu, không tiện xen vào hay ý kiến. Ba hay nói, già rồi, mạnh ai nấy sống, giận dỗi chi, ba không quan tâm. Có lần, đám giỗ ông nội, thấy ba nằm co ro trên võng, tôi thoáng có ý nghĩ phải chăng ba đang buồn. Thế rồi, vội chạy ào đi làm, bận bịu với mấy đứa nhỏ, tôi quên luôn cái nhìn xa xăm, trĩu nặng ấy của ba.

Giờ chúng tôi mới biết ba không hề ổn. Nỗi niềm riêng cố che giấu nhiều năm ấy có thể đánh gục trái tim già nua của ba tôi bất cứ lúc nào nếu không tháo gỡ. Suốt ngần ấy năm, chúng tôi sắm đồ đẹp cho ba, mua bao thứ cho ba tẩm bổ, nhưng năm đứa con gái yêu thương của ba lại không có đứa nào hỏi: “ Ba có ổn không ba?”.

Ban co on khong?
Ảnh minh họa

Tôi vẫn còn nhớ gương mặt thảng thốt của mẹ khi rời đám đông hiếu kỳ, dù tiếng còi xe cấp cứu chở ông hàng xóm đã rời đi từ lâu lắm. Mẹ cập rập điểm danh lại xem anh họ tôi dạo này có gì khác không, anh rể hình như ít nói hơn, em rể làm ăn sao mà cả tháng không thấy chở cháu ghé ngoại… Mẹ run rẩy nói về người đàn ông gieo mình từ lầu cao xuống đất vì nợ nần đến hàng chục tỷ trong khi vợ vẫn đi spa hằng tuần, con du học, ba mẹ vẫn đi du lịch nước ngoài. Họ không hề biết.

Em gái tôi ở xa, lệch múi giờ. Bên em trời sáng khi bên đây mình đã tối. Sau một ngày làm việc mệt nhoài, chỉ mong được ngủ một giấc. Lắm khi em gọi, tôi vờ như không thấy, nghĩ chắc em cũng chỉ nói ba chuyện tầm xàm thôi. Đến khi em gửi tấm hình cả nhà em cuốn chả giò, mua bánh tét, củ kiệu, mứt dừa, mặc áo dài ăn tết ở nơi xa với lời nhắn: “Thêm một tuổi nữa rồi chị, chưa 40 mà tóc em bạc gần hết rồi”. Tôi hiểu ra những cuộc gọi nửa đêm ấy nào chỉ là dăm ba câu tủn mủn, mà là nỗi nhớ, là cần nghe thanh âm thân thuộc để cân bằng. Biết bao người xung quanh đang rất cần điều ấy và bấy nhiêu lần chúng ta đã lướt qua?

Tôi cầm điện thoại, nhắn cho em: “Em có ổn không?”. Bên em là hai giờ khuya. Không sao, tôi sẽ nhắn cho em mình, mỗi ngày. Khi em ngủ dậy, sẽ nhận được và biết luôn có một nơi ấm áp để em bớt chơi vơi. Cần lắm phải không? 

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI