Đặt lợi ích của bạn đời lên trên lợi ích của mình
“Trong một mối quan hệ phụ thuộc, kẻ dung túng luôn tập trung vào cảm xúc và nhu cầu của người kia, thường là với cái giá bằng chính lợi ích của bản thân họ” - Andrea Wachter, một chuyên gia tư vấn hôn nhân người Mỹ, nhận định. Mặc dù việc này làm cho ta cảm thấy hài lòng về chính mình, nhưng đây là một thái độ rất nguy hiểm. Trong mối quan hệ vững chắc, mỗi người đưa thêm nhu cầu của họ vào góc nhìn.
Nếu các quyết định của bạn cứ mãi nghiêng về phía có lợi cho người kia mà thiệt cho mình, thì có thể bạn “có vấn đề”. Để thay đổi thái độ này, bạn cần học cách nói “không”, hoặc ít nhất dừng lại suy nghĩ lâu hơn trước khi quyết định đồng ý. Nhu cầu của bạn phải luôn được xem xét, vì nó quan trọng không kém.
Lúc nào cũng là lỗi của mình
Một dấu hiệu rất rõ ràng của những người dung túng là họ không thích xung đột hay tranh chấp. Họ sẽ làm bất kỳ điều gì để giữ vững mối quan hệ, kể cả xoa dịu người kia bằng cách xin lỗi - thậm chí dù đó không phải là lỗi của họ. Hành vi này sẽ chỉ khiến người bạn đời ngày càng lộng hành và lợi dụng bạn để tiếp tục các thói quen hay tập tính xấu.
Nếu là người có tính như vậy, bạn cần học cách chịu đựng các xung đột. Bạn cần hiểu rằng không phải các cuộc tranh luận, xích mích nào cũng cần phải giải quyết ngay lúc đó. Khi bạn có thể trì hoãn một cuộc xung đột để “hạ hồi phân giải”, nó sẽ cho phép bạn nảy ra những suy nghĩ khác khi đã bình tĩnh.
Với năng lượng dư thừa của những cuộc cãi vã, thay vì dùng nó để bực tức, hãy chuyển hướng chúng đến việc chăm sóc bản thân. Tại sao lại phải bỏ công sức bày trò giận dỗi, cãi vã, trong khi bạn có thể tập yoga, chạy bộ, hay đi mua sắm - đây là các khoảng thời gian tốt để suy nghĩ.
Không ai giải quyết vấn đề tốt hơn bạn
Nhiều người có suy nghĩ tự đề cao, cho rằng mình là người giỏi quán xuyến, nên có “trách nhiệm” giải quyết mọi vấn đề. Khi làm thế, bạn sẽ tạo điều kiện cho vợ/chồng phụ thuộc vào mình, hoặc tệ hơn là chiếm đi quyền tự do của họ. Cách nghĩ này sẽ tạo nên một mối quan hệ không “khỏe mạnh”.
Nếu bạn là dạng này thì cần phải tìm cách chia bớt quyền quyết định, trách nhiệm cho bạn đời của mình. Hãy để vợ/chồng bạn có cơ hội đưa ra ý kiến và thực hiện các quyết định của riêng họ. Những kế hoạch chung, cách giải quyết trở ngại trong mối quan hệ cần được cả hai người xem xét. Dù có thành công hay không, bạn cũng không nhất thiết phải chịu trách nhiệm cho mọi thứ.
Bạn xem vợ/chồng mình là vô dụng
Nếu có người xem mình là kẻ cần phải chịu trách nhiệm cho mọi thứ, thì lại có những người xem bạn đời là “rất cần được giúp đỡ”. Những người có thiên tính bảo vệ, chăm sóc người khác sẽ nhanh chóng nhảy vào cuộc sống của vợ/chồng, tìm cách giúp họ thăng tiến trong công việc, sắp xếp cuộc sống, giúp đỡ mọi việc trong nhà.
Có thể bạn đã không nhận ra rằng vợ/chồng mình cũng tài năng, tháo vát không kém, và chẳng cần sự giúp đỡ nào từ trước khi bạn có mặt trong cuộc đời họ. Đôi khi bạn đời thật sự cần trợ giúp, nhưng đôi khi bạn nên lùi lại để họ có cơ hội học hỏi và tự lực. Hãy nhớ rằng, không phải sự trợ giúp nào cũng hữu ích.
Cuộc sống của bạn xoay quanh bạn đời
Quan hệ đôi lứa là mối quan hệ song phương, nhưng mỗi người đều có những thú vui riêng. Thế nhưng, có những người luôn đặt khoảng không gian riêng tư của mình ra đằng sau để hỗ trợ cho vợ/chồng mình hưởng thụ niềm đam mê của họ. Đây là một hình ảnh khá phổ biến, khi ta thấy những người vợ đảm đang sẵn sàng ở nhà chăm sóc con cái để ông chồng theo đuổi sự nghiệp.
Hay những ông chồng phải từ bỏ chơi game, xem thể thao trên truyền hình, nghỉ ngơi thư giãn cuối tuần để phục vụ cho thú vui đi mua sắm, gặp bạn học cũ của các bà vợ. Cuộc sống của mỗi người không nên lúc nào cũng xoay quanh những người thân. Bạn cần phải tự hỏi mình thích làm gì, để tìm đến các niềm vui, đam mê bên ngoài mối quan hệ hôn nhân. Và dĩ nhiên, bạn cũng cần tôn trọng điều đó ở bạn đời của mình.
Mối quan hệ không thể tiến thêm
Khi một mối quan hệ độc hại luôn có người dung túng và kẻ phụ thuộc, nó sẽ không thể tiến triển được. Nếu bạn hay vợ/chồng bạn có một trong những thái độ đã kể trên, bạn sẽ thấy ngày càng có nhiều vấn đề trong hôn nhân. Người phụ thuộc sẽ không bỏ công sức ra để sửa chữa và cải thiện bản thân, dù cho người dung túng có bỏ bao nhiêu nỗ lực để hỗ trợ.
Tật xấu sẽ vẫn còn đó, dù bạn tìm cách né tránh chúng. Cặp đôi sẽ vẫn nói chuyện với nhau, tỏ ra thân thiện với nhau, nhưng các trở ngại sẽ cứ nằm chình ình đó và không bao giờ biến mất. Không một cá nhân nào có thể tự mình gánh vác mọi thứ. Cả hai cần phải cùng bắt tay thay đổi các thói quen, hành vi tiêu cực, phá vỡ những vòng luẩn quẩn mà bạn đã vô tình đặt ra.
Thạc sĩ tâm lý
Trần Thiên Linh