Bạn có hiểu bạn đời không?

13/10/2018 - 06:00

PNO - Nhiều người sẽ có thể khó chịu khi gặp câu hỏi này, bởi nếu không hiểu làm sao kết hôn và sống với nhau. Đúng. Để cưới, chỉ cần yêu thôi cũng quyết định được, nhưng để chung sống hòa hợp cần phải hiểu và rất nỗ lực.

Nếu quan hệ vợ chồng thường xuyên căng thẳng và ấm ức, bạn chỉ mới “biết” chứ chưa hiểu vợ/chồng, bởi nếu thật sự hiểu, dù có mâu thuẫn, tranh cãi gì đi nữa, sau khi giải quyết xong, hai người vẫn cảm thấy ở cạnh nhau thật bình an và nhẹ nhõm.

Ban co hieu ban doi khong?
 

Đừng lầm tưởng

Người ta thường lầm giữa việc hiểu tính cách của một người và thực sự hiểu người đó. Chữ hiểu trong đời sống vợ chồng không dừng lại ở đó. Hiểu tính khí là điều rất quan trọng, vì hiểu tính mới hiểu vì sao người đó nói năng và ứng xử với mình như vầy mà không như kia. Nhưng, từ biết và lý giải được suy nghĩ, hành động của vợ/chồng đến thông cảm, bao dung hơn với người ấy, để đời sống vợ chồng được hạnh phúc. Đó mới thật sự là hiểu nhau.

Hiểu và thông cảm lại không phải là cắn răng bỏ qua tất cả những thói hư tật xấu, chấp nhận những điều vô lý trong cuộc sống gia đình bởi vợ/chồng hạn chế vậy đó, mình lấy anh ấy (cô ấy) thì phải chấp nhận. Hiểu là biết phân biệt nặng nhẹ - biết rõ những điểm tốt lẫn các hạn chế và sống chung với chúng một cách thoải mái, không xét nét, câu nệ. Đôi khi một số điều nơi chàng hay nàng khiến mình khó chịu, muốn phát điên lên lại xuất phát từ tình cảm người dành cho mình.

Hiểu để ăn đời ở kiếp

Hạnh phúc hôn nhân kéo dài được hay không tùy thuộc vào việc vợ chồng hiểu nhau chứ không chỉ yêu nhau là đủ, dù càng yêu nhau nhiều thì khả năng hiểu nhau cũng cao. Nhưng chỉ yêu mà không đủ thương và hiểu thì khó mà đi cùng nhau hạnh phúc đến tuổi già.

Không phải tự nhiên người ngoài nhìn những cặp vợ chồng sống với nhau lâu năm bằng thái độ ngưỡng mộ và thèm muốn. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng có chút khó hiểu, vì sao họ có thể chịu đựng nhau lâu đến vậy. Như gia đình của bác Trầm - Hương luôn là đề tài “nóng” của cả xóm từ thời họ còn ở tuổi 30 cho đến nay đã là ông nội, bà ngoại cháu con đầy đàn. Ông rất giỏi, kiếm tiền rất khá, không nề hà chuyện quét nhà hay nấu cơm phụ vợ, nhưng ông có tật hay ghen. Dù vợ ông đã làm bà ngoại và nặng ngót nghét 80 ký, hễ thấy bà đứng nói chuyện với đàn ông là ông kiếm chuyện chửi chó mắng mèo rồi mắng cả bà. Bà vợ bức xúc, đi kể cho cả xóm nghe “nỗi oan Thị Kính”, nhưng vài bữa đâu lại vào đấy - vợ chồng lại vui vẻ, bà cười hề hề: “Ổng thương tui nên mới ghen, với lại đi đâu mà kiếm được ông chồng tốt như vậy”.

Ban co hieu ban doi khong?
Ảnh minh họa

Bà Hương hiểu chồng mình rất tốt về nhiều mặt, chỉ có một khuyết điểm nhỏ xuất phát từ tình yêu của ông Trầm với mình. Bà sống với ông chồng hay ghen nhưng không hề cảm thấy ngột ngạt, vẫn vô tư nói chuyện với đàn ông khác, không bị cái ghen ám ảnh đến phải dè chừng. Ông Trầm có máu ghen, thấy vợ vịn vai, đụng tay đàn ông khác, ông khó chịu, phải thể hiện sự khó chịu đó ra. Nhưng ông cũng thừa hiểu vợ mình chỉ vô tư chứ không có ý “đầu mày cuối mắt” với người. Dù thỉnh thoảng có biểu hiện “hục hặc”, cả hai đều hiểu tính nết, bản chất của bạn đời nên họ sống với nhau không áp lực, nhờ thế mà họ sống vui vẻ với nhau tới già. Biết đâu nếu thiếu màu sắc ghen tuông ấy, có khi bà Hương lại cảm thấy kém vui.

Nguyên tắc để hiểu nhau

Hãy giúp vợ/chồng hiểu mình bằng cách giao tiếp đơn giản và trực tiếp. Muốn gì, ghét gì thì cứ nói ra, để trách bị hiểu sai, tránh buộc chàng/nàng phải đau đầu suy đoán. Phụ nữ vẫn hay bị gọi là chúa vòng vo - muốn gì cũng không nói ra mà để chồng phải tự đoán. Chồng mà không đoán đúng ý thì quy chụp tội không thương vợ.
Hãy luôn trung thực và yêu cầu vợ/chồng cũng phải trung thực với mình.

Thường xuyên dành thời gian trò chuyện để hiểu nhau. Khi bản thân gặp chuyện không vui, không hài lòng, nên chia sẻ với vợ/chồng và sẵn lòng cởi mở khi bạn đời gặp chuyện, cần bạn chia sẻ.

Nên dành nhiều thời gian sinh hoạt cùng nhau: duy trì thói quen ăn cơm, xem ti vi, đi siêu thị, tập thể dục… cùng nhau. Thời nay, người ta có quá nhiều mối quan hệ, nên đôi lúc chúng ta quên mất vợ hoặc chồng mình. Cuối ngày trở về nhà, ta mệt nhoài, không còn sức để trò chuyện cùng bạn đời. Đây là lỗi nghiêm trọng của thời cách mạng công nghiệp 4.0: mỗi khi rảnh rỗi, ta lại ôm điện thoại chơi game, lướt Facebook thay vì trò chuyện, tìm hiểm tâm tư của vợ/chồng. Thói quen đó khiến vợ chồng dần trở nên xa cách, không còn có thể hiểu nhau, dễ dẫn đến tan vỡ. 

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI