Kem chống nắng là thành phần quan trọng trong việc bảo vệ làn da khỏi nguy hại từ ánh nắng mặt trời, phòng chống các nguyên nhân gây lão hóa, mụn và ung thư da.
Dưới đây là một số thông tin hữu ích để có thể sử dụng kem chống nắng tối ưu nhằm bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời do chuyên gia Da liễu, bác sĩ Hun Kim Thảo (Phòng khám Grace Skincare Clinic, TP.HCM) chia sẻ.
|
Bác sĩ Hun Kim Thảo |
Những ai nên dùng kem chống nắng?
Việc sử dụng kem chống nắng có thể giúp ngăn chặn ung thư da bằng cách ngăn những tia cực tím nguy hiểm ảnh hưởng lên da. Bất cứ ai cũng có thể mắc phải ung thư da, bất kể tuổi tác, giới tính hoặc chủng tộc.
Nên dùng kem chống nắng mọi lúc mọi nơi. Tia cực tím nguy hiểm luôn xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào. Ngay cả vào những ngày trời râm và mát, 80% lượng tia cực tím nguy hiểm vẫn có thể thâm nhập vào da của bạn.
Nên dùng loại kem chống nắng nào?
Ánh nắng mặt trời bao gồm hai tia có thể tiếp cận đến làn da là UVA và UVB. UVA có thể xuyên qua lớp kính, làm lão hóa nhanh làn da, gây nếp nhăn và nám. UVB không thể xuyên qua kính, là nguyên do chính dẫn đến cháy nắng và ung thư da.
Nên sử dụng các loại kem chống nắng có ghi: kem chống nắng phổ rộng (Broad Spectrum: bảo vệ làn da khỏi tia UVA và tia UVB); chỉ số SPF từ 30 trở lên và chống nước để da được bảo vệ tốt nhất. Loại kem chống nắng tốt nhất là loại mà bạn dùng đi dùng lại nhiều lần. Tùy vào mỗi vùng da khác nhau mà chọn dạng kem chống nắng phù hợp. Chẳng hạn, sản phẩm chống nắng dạng kem tốt nhất cho da khô và da mặt; dạng gel tốt cho vùng có lông tóc như ngực và da đầu; dạng lăn tốt cho vùng lân cận mắt; dạng phun xịt dễ dàng sử dụng cho trẻ con. Lưu ý, một số loại có mục đích rõ ràng như: kem chống nắng dành riêng cho da nhạy cảm, trẻ nhỏ…
Một vài loại kem chống nắng còn có thể kết hợp sản phẩm dưỡng ẩm và mỹ phẩm. Hầu hết những mỹ phẩm này đều tiện dụng nhưng cũng cần phải thoa lại nhiều lần để có thể bảo vệ làn da dưới ánh nắng mặt trời.
Kem chống nắng đôi khi còn được kết hợp với thuốc chống côn trùng. Bạn nên mua và sử dụng những sản phẩm này riêng lẻ và độc lập. Kem chống nắng cần được thoa nhiều và thường xuyên, trong khi thuốc chống côn trùng nên dùng ít hơn.
Chỉ số SPF càng cao càng tốt?
Nên dùng kem chống nắng có lượng SPF thấp nhất là 30, nhằm ngăn chặn 97% tia tử ngoại UVB từ ánh nắng. Chỉ số SPF cao hơn có thể ngăn chặn UVB cao hơn một chút. Tuy nhiên, không có loại kem chống nắng nào có thể ngăn chặn tuyệt đối tia UVB. Những loại kem có chỉ số SPF cao cũng chỉ có thể chống nắng trong cùng thời lượng so với chỉ số thấp hơn. Thoa kem chống nắng SPF cao không có nghĩa là bạn có thể ở lâu hơn giữa trời nắng.
Sử dụng kem chống nắng thế nào để mang lại hiệu quả?
Hầu hết mọi người đều chỉ thoa khoảng 25-50% lượng kem chống nắng cần phải thoa, trong khi mỗi người lớn cần khoảng 30cc (1 ounce) để chống nắng toàn thân. Khi thoa trên mặt và cổ thì cần khoảng 1 muỗng cà phê.
Bạn nên thoa kem chống nắng tại bàn chân, cổ, tai, đầu và nhớ thoa 15 phút trước khi ra ngoài. Ung thư da cũng có khả năng xuất hiện trên môi. Để bảo vệ phần môi, các bạn nên sử dụng son dưỡng hoặc son môi có chỉ số chống nắng từ 30 SPF trở lên.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý:
- Tránh ánh nắng trực tiếp: tia cực tím mạnh nhất từ 10g đến 14g.
- Mặc thêm quần áo tránh nắng: áo khoác tay dài, quần dài, mũ rộng vành và kính mát bất cứ khi nào có thể.
- Cẩn thận khi ở bên cạnh nước và cát vì chúng phản chiếu tia cực tím và có thể tăng khả năng khiến da bị cháy nắng.
- Hấp thu vitamin D một cách an toàn bằng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung vitamin mà không cần phải phơi nắng.
- Thăm khám bác sĩ chuyên khoa nếu thấy có điều gì thay đổi, ngứa da, chảy máu.
Sự khác biệt giữa kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý
Kem chống nắng hóa học giống như một miếng bọt biển, thu hút ánh nắng mặt trời, chứa những thành phần rất hiệu quả như: oxybenzone, avobenzone, octisalate, octocrylene, homosalate và octinoxate. Những loại này dễ thoa và không để lại vệt trắng trên da
Kem chống nắng vật lý giống như một tấm khiên chắn giữa bề mặt da và ánh nắng mặt trời. Thành phần của kem bao gồm zinc oxide và/hoặc titanium dioxide. Kem chống nắng vật lý hoàn toàn phù hợp với da nhạy cảm.
Kim Nhung (ghi)
Nên bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời như thế nào?
- Tốt nhất, phụ huynh không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Thay vào đó, hãy để trẻ sơ sinh trong bóng mát càng lâu càng tốt cùng quần áo dài và mũ. Nhớ không được để quá nóng và phải luôn cung cấp đủ nước cho trẻ. Nếu trẻ quấy khóc hoặc có dấu hiệu da bị đỏ, cần lập tức đưa trẻ vào nơi thoáng mát.
- Nên hạn chế sử dụng kem chống nắng với trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, phụ huynh có thể thoa kem chống nắng phổ rộng, có lượng SPF từ 30 trở lên trên vùng da không được quần áo che chắn. Những loại kem chống nắng có thành phần oxide kẽm, dioxide titanium hoặc các loại kem chống nắng dành riêng cho trẻ em có thể bớt gây cảm giác khó chịu lên làn da nhạy cảm của trẻ.
|