Bắn chết ngư dân là "hành động vô nhân đạo"

01/12/2015 - 07:43

PNO - Hàng loạt sự vụ xảy ra trên vùng Biển Đông với người dân Việt Nam trong thời gian qua là hành động phi pháp, vô nhân đạo.

Sự thật phơi bày

Sự việc ngư dân Đinh Văn Bảy (42 tuổi, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị một nhóm đối tượng lạ mặt bắn chết vào ngày 26/11 khi đang đánh bắt hải sản ngoài vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa khiến ngư dân cả nước cảm thấy bất an.

Cũng trong thời gian này, nhiều ngư dân ở thị trấn Sông Đốc - tỉnh Cà Mau thường xuyên bị lực lượng nước ngoài bắt giữ, đòi tiền chuộc. Hay việc tàu Hải Đăng 05 của Công ty bảo đảm An toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo bị tàu chiến 995 của Trung Quốc chĩa pháo, súng uy hiếp vào ngày 13/11 khi đang thực hiện công tác nhân đạo ở quần đảo Trường Sa.

Chiều ngày 30/11, trao đổi với Phunuonline, ông Ngô Đức Mạnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng:

"Dùng vũ lực uy hiếp, đe dọa của Trung Quốc là hành động vô nhân đạo, trái với pháp luật quốc tế, lời Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đúng ra, với những tàu nhân đạo thì các tàu đi trên biển còn phải có trách nhiệm cứu hộ, cứu nạn nhau chứ không phải là đe dọa, gây hấn với nhau.

Ban chet ngu dan la
Người nhà ngư dân Đinh Văn Bảy đau đớn trước sự việc xảy ra với người thân.

Đặc biệt, hành động của Trung Quốc là trái với lại lời tuyên bố của lãnh đạo nước này: "Muốn xây dựng khu vực ở Biển Đông hòa bình, ổn định". Các cơ quan chức năng của chúng ta cũng cần phải lên án hành động của Trung Quốc và phối hợp với các bên liên quan để giải quyết sự việc. Qua đây mình cũng hiểu rõ mục đích, ý đồ của phía Trung Quốc".

Theo ông Mạnh, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội luôn cố gắng thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo vệ và tăng cường quan hệ với các nước, đấu tranh phản biện trên diễn đàn quốc tế để bảo vệ quyền lợi của người dân.

"Ngư dân là những người đánh cá bình thường, đánh trong vùng biển ở Việt Nam thì ngư dân có quyền đòi hỏi các nhà chức trách phải đảm bảo an toàn khi họ ra khơi khai thác. Bên cạnh đó, ngư dân phải trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu sơ bộ khi có sự cố xảy ra, trang bị thông tin liên lạc" - ông Mạnh cho biết.

Thông qua Phunuonline, ông Mạnh chia sẻ: "Cá nhân tôi cũng rất quan tâm theo dõi tới các vụ việc xảy ra ở Biển Đông. Qua đây, tôi cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nạn nhân và thông cảm đời sống của bà con thường ngày phải đánh bắt xa bờ. Đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam sớm tìm ra đối tượng gây án đối với bà con chúng ta để có biện pháp xử lý phù hợp với luật pháp Việt Nam và Luật pháp Quốc tế".

Kiện ra tòa án quốc tế

Nói về chuyện nhiều ngư dân ở thị trấn Sông Đốc (Cà Mau) bị tàu nước ngoài bắt giữ, ông Trương Minh Hoàng - ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, rất nhiều nguyên nhân trong đó cũng có cả nguyên nhân ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của nước bạn.

Ban chet ngu dan la
Ngư dân Hồ Văn Thanh ở thị trấn Sông Đốc, Cà Mau kể chuyện bị tàu nước ngoài khống chế, đòi tiền chuộc. (Ảnh: Tuổi trẻ).

Ông Hoàng có kể, trước khi đi họp Quốc hội trong thời gian vừa qua, ông có đi thực tế, trao đổi với các đơn vị bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau thì được biết, thực tế 9 tháng đầu năm ngư dân Việt Nam cũng có những sai phạm đánh bắt vùng biển nước bạn và bị nước bạn bắt. Số liệu cho thấy, 9 tháng đầu năm 2015 ngư dân Cà Mau bị lực lượng nước ngoài bắt tăng hơn so với cùng kỳ các năm về trước.

Từ đó, ông Hoàng đưa ra các giải pháp: Một là, ngư trường của Việt Nam hiện nay cũng bị giảm bớt tài nguyên nên phải tuyên truyền cho bà con đừng có xâm nhập vùng biển nước bạn.

Hai là, kiến nghị Bộ NN & PTNT có chủ trương khảo sát, đánh giá trữ lượng vùng biển của Việt Nam, khuyến cáo bà con ngư dân trang bị những trang thiết bị phù hợp để đánh bắt. Đồng thời, thông báo tới người dân vùng nào trữ lượng hải sản còn nhiều thì tập trung khai thác.

"Nguồn lợi thủy sản không rõ ràng thì bà con sẽ không biết đường mà khai thác nên dễ bị nhầm sang phía vùng biển nước bạn" - ông Hoàng cho hay.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI