Bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có

15/01/2025 - 06:34

PNO - Việt Nam ngày càng trở thành điểm sáng trong hệ thống lương thực, thực phẩm thế giới với các mô hình sinh thái, tuần hoàn, đa giá trị, giảm phát thải.

Nông dân trồng sầu riêng ở TP Cần Thơ phấn khởi vì bán được giá
Nông dân trồng sầu riêng ở TP Cần Thơ phấn khởi vì bán được giá

Nhiều ngành hàng không chỉ được khôi phục sau đại dịch COVID-19 và cơn bão Yagi mà còn nhanh chóng được cấu trúc lại cả về sản phẩm lẫn thị trường. Các hiệp hội và doanh nghiệp bước đầu thể hiện vai trò hợp tác, liên kết để tạo ra vùng sản xuất với quy mô lớn hơn, giảm dần tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Các trung tâm khuyến nông không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ mà còn phát hiện, vun đắp và làm lan tỏa các mô hình nông nghiệp mới, nâng cao kinh tế hợp tác trong các tổ nhóm nông dân và cư dân nông thôn.

Kinh nghiệm thu được trong thời gian qua là từ sự năng động của các địa phương trong việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Chính quyền các địa phương đã chỉ đạo kết nối hoạt động sản xuất với thị trường tiêu thụ, tổ chức những hội chợ giao thương nhằm chủ động kết nối.

Ngày trước, không ít nơi cứ thúc đẩy bà con sản xuất thật nhiều nông sản, nhưng quan điểm ấy giờ đã thay đổi, nghĩa là cùng với sản xuất thì phải áp dụng thêm tư duy kinh tế, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Mà thị trường thì rất đa dạng, mỗi thị trường có tiêu chuẩn, quy chuẩn, có giá trị riêng, có những hàng rào kỹ thuật khác nhau.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương… luôn cố gắng chuyển thông tin một cách nhanh nhất cho các địa phương, đến tận nông dân về những nhu cầu của thị trường trên thế giới và từng bước giúp hình thành tư duy sản xuất theo thị trường cho nông dân.

Cần thấy rằng, đây không đơn giản là chuyện sản xuất, mua bán nữa mà là sự định hình thói quen sản xuất theo tín hiệu thị trường, nghĩa là chúng ta bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có. Hay nói cách khác, là biến sản phẩm trở thành thương phẩm. Sản phẩm là cái chúng ta làm được, còn thương phẩm là cái mà chúng ta đem bán.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản 62,5 tỉ USD năm 2024 là thành quả của một hệ sinh thái gắn liền với các bộ, ngành trung ương, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, nông dân… để vừa phát triển những thị trường cũ, vừa mở ra những thị trường mới nhằm không gặp rủi ro ở bất cứ thị trường nào.

Năm 2025 và các năm tiếp theo, toàn ngành sẽ chú trọng hơn về nông nghiệp tuần hoàn. Lâu nay, nông dân quen trồng lúa, lấy gạo đem bán mà quên rằng rơm rạ, trấu, tro có thể làm giá thể hoặc làm viên nén cho năng lượng sinh khối. Giờ đây, bà con đã manh nha cách biến phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp thành chế phẩm sinh học, rồi đưa vào lại trong đất, canh tác cho mùa vụ mới.

Những mô hình về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh cần được các địa phương tăng cường chỉ đạo sản xuất. Thay vì bỏ đi và phải tốn thêm công xử lý để bảo vệ môi trường, chúng ta có thể áp dụng tuần hoàn để không bỏ đi thứ gì. Nông nghiệp, nông sản nếu chỉ khai thác dưới khía cạnh thực phẩm là chỉ mới tận dụng được tầng thấp nhất, trong khi bất kỳ một nông sản nào cũng đều có giá trị dược liệu, dược phẩm và mỹ phẩm. Sau nền nông nghiệp sản lượng, đã đến lúc chúng ta cùng ngồi lại để tìm kiếm những giá trị thặng dư cao hơn.

Có thể thấy, ngành nông nghiệp ngày càng được đánh giá đúng tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội quốc gia. Nhiều kết quả tích cực, nhiều ngành hàng bứt phá ngoạn mục, kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn dự kiến. Các chỉ tiêu, mục tiêu có nhiều dấu cộng của sự tăng trưởng, nhưng có những dấu trừ của cách tiếp cận mới. Đó là “ít hơn nhưng nhiều hơn”, giảm sản lượng nhưng tăng chất lượng, tăng giá trị. Tư duy kinh tế đã tạo ra những dư địa mới cho tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp.

Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI