Lượng kiều hối cao gấp 3 lần FDI
Ông Tăng Hữu Phong - Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng - nhận xét, một trong những điểm nghẽn lớn nhất của TPHCM là hạ tầng, dẫn đến kẹt xe, ngập nước, thiếu trường lớp, quá tải bệnh viện… Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lực. Trong khi ngân sách còn hạn chế, chính quyền thành phố vẫn chưa có chính sách đầy đủ để huy động nguồn lực chung ngoài ngân sách.
Theo ông, kiều hối là nguồn lực lớn, ổn định, tăng dần hằng năm. Quý I/2024, lượng kiều hối về TPHCM tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt gần 2,9 tỉ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, năm 2023, lượng kiều hối gửi về cao gấp 3 lần nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào TPHCM.
“Kiều hối là dòng tiền đơn phương, trách nhiệm, nghĩa tình, nhờ đó góp phần đầu tư, tích lũy tài sản, góp phần tăng cường nội lực của quốc gia. Tọa đàm nhằm tìm kiếm những giải pháp cụ thể, khả thi nhất, đóng góp vào cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả nguồn lực kiều hối vào sự phát triển hạ tầng của thành phố” - ông Tăng Hữu Phong nói.
|
Các đại biểu trao đổi bên lề tọa đàm |
Ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho hay, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của TPHCM rất lớn và không ngừng tăng. Trong các nguồn lực phát triển, chính quyền thành phố xác định ngân sách là nguồn lực đầu tiên, mang tính dẫn dắt, là dòng vốn “mồi” để từ đó thu hút các nguồn lực xã hội. Năm 2024, TPHCM được giao vốn đầu tư công 79.000 tỉ đồng, là con số cao kỷ lục nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế.
Ông dẫn chứng, giai đoạn 2020-2030, thành phố cần kinh phí khoảng 970.000 tỉ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng, nhưng ngân sách chỉ bố trí được 400.000 tỉ đồng, hơn 570.000 tỉ đồng còn lại cần huy động từ các nguồn vốn khác như ODA, PPP. Theo ông, chính quyền TPHCM cũng nhìn thấy kiều hối là một nguồn lực rất lớn, rất có ý nghĩa. Ông khẳng định: “Lãnh đạo thành phố cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con kiều bào và thân nhân an tâm đầu tư cho sự phát triển chung của thành phố”.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - nhu cầu về nhà ở cho người yếu thế, người có thu nhập thấp ở TPHCM là rất lớn. Lúc cao điểm dịch COVID-19, có 1,4 triệu người lao động sống trong nhà trọ và các chỗ ở không đủ tiêu chuẩn, tương đương 600.000 phòng trọ. “Theo chương trình nhà ở xã hội, giai đoạn 2021-2025, thành phố cần 37.700 tỉ đồng để xây 35.000 căn, giai đoạn 2026-2030 cần 86.400 tỉ đồng để xây 58.000 căn. Tuy nhiên, ngân sách TPHCM chỉ bố trí được khoảng 10%, còn lại phải huy động từ các nguồn lực xã hội” - ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết.
Dẫn dòng kiều hối vào hạ tầng qua trái phiếu
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM - cho rằng, kiều hối là nguồn vốn không phải tuân thủ các điều kiện vay, nguyên tắc hoàn trả như các nguồn vốn ngoại tệ khác (như vốn vay nước ngoài, ODA, FDI…). Do đó, ở góc độ quản lý kinh tế vĩ mô, nếu nguồn kiều hối này được tập trung và sử dụng hiệu quả sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế rất lớn.
Ông nói: “Trong 5 năm qua, TPHCM tiếp nhận lượng kiều hối bình quân 6,9 tỉ USD/năm. Chỉ cần 30% số này cũng đủ thực hiện các dự án nhà xã hội. Quan trọng là cần có các chính sách mang tính định hướng để dòng kiều hối chảy vào hạ tầng, như phát hành trái phiếu địa phương. Chính sách phải mang tính tác động, khuyến khích, định hướng, mới nắn được dòng kiều hối. Nếu thông tin, tuyên truyền đủ tốt, cho thấy tính hiệu quả, người nắm giữ kiều hối thấy có lợi, họ sẽ đầu tư”.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - ước tính, với khoảng 5,8 triệu kiều bào, thu nhập bình quân 20.000 USD/năm, tổng thu nhập của kiều bào khoảng 100 tỉ USD, bằng 1/4 GDP của Việt Nam, nghĩa là tiềm năng kiều hối còn rất lớn. Ông cho rằng, môi trường đầu tư ở Việt Nam đang bị khủng hoảng niềm tin sau các vụ án Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC… Nhiều nhà đầu tư, kiều bào đang nghi ngờ về khả năng trả nợ của nhà phát hành trái phiếu. Trong bối cảnh đó, để phát hành trái phiếu thành công, chính quyền TPHCM phải chứng minh mình đủ khả năng trả nợ đúng hạn. Trong đó, phải công khai trái phiếu sẽ tài trợ cho dự án nào, nguồn tiền trả nợ ra sao, đồng thời công khai một cách trung thực các yếu tố liên quan đến rủi ro của trái phiếu.
Theo ông, hiện nay, các kênh đầu tư như vàng, ngân hàng, bất động sản không còn hấp dẫn. Do đó, chính quyền TPHCM cần nghiên cứu thật sớm kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào để kịp phát hành vào đầu năm 2025. Có thể thí điểm đợt đầu với mức 100 triệu USD ở các quốc gia phát triển có nhiều kiều bào sinh sống thông qua các kênh phân phối đặt ở các quốc gia này. Lãi suất nên cao hơn lãi suất của Chính phủ Việt Nam phát hành trên thị trường quốc tế từ 1 - 2%. Ông dự báo, nếu chính quyền TPHCM phát hành trái phiếu hạ tầng, khả năng thành công là trên 70%.
Hoàn thiện đề án về chính sách kiều hối giai đoạn 2023-2030 Hiện có khoảng 5,8 triệu người Việt sinh sống, làm việc ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% đang sống ở các nước công nghiệp phát triển. TPHCM có mối liên hệ với khoảng 50% người Việt Nam ở nước ngoài, với lượng kiều hối hằng năm chiếm 38 - 53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam, mức tăng trung bình 3 - 7%/năm, riêng năm 2023 tăng 43,3%. Quý I/2024, kiều hối chuyển về TPHCM đạt gần 2,9 tỉ USD, tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây. Tuy nhiên, TPHCM vẫn chủ yếu đóng vai trò điểm trung chuyển, kiều hối chỉ góp phần vào kinh tế thông qua tiêu dùng, dịch vụ. Chính quyền thành phố chưa có cơ chế, chính sách chuyên biệt thu hút nguồn vốn của người Việt Nam ở nước ngoài vào sản xuất, kinh doanh. Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cùng các cơ quan liên quan đang tham mưu, hoàn thiện đề án “Chính sách kiều hối trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023-2030”. Đề án nhằm duy trì và phát triển nguồn lực kiều hối về TPHCM, đồng thời nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, sản xuất, kinh doanh… để tạo ra sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm, đóng góp nguồn vốn cho ít nhất 5 dự án phát triển kinh tế, xã hội ở TPHCM. Bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM |
Minh Linh