Bạn bè gọi họ là “vợ chồng A Phủ”

12/10/2021 - 06:00

PNO - Khi được hỏi về bí kíp của cuộc hôn nhân, vợ chồng “A Phủ và Mỵ” đều cho rằng: “Đó là nhờ niềm tin. Tin tưởng vào những điều tốt đẹp của cuộc đời và tin vào bản thân mình”.

Quen nhau từ… mẫu giáo

Cách đây 61 năm, cậu bé Nguyễn Xuân Thành (sinh năm 1955) và cô bé Trần Thị Thái (sinh năm 1956) học cùng lớp mẫu giáo tại Nhà trẻ Liên Cơ Bắc Giang. Hiện, cô giáo Lưu Ngọc Yến, chủ nhiệm lớp, vẫn giữ tấm ảnh chụp chung cả lớp mẫu giáo trong album gia đình. 

Rời lớp học chung, hai đứa trẻ đi sơ tán tránh bom Mỹ, mỗi người một nơi, tới năm 1970 mới lại về học cùng lớp 8C Trường Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang, Hà Bắc. Mối nhân duyên từ thuở ấu thơ dệt lên câu chuyện tình của đôi trẻ.

Năm 1972, theo tiếng gọi Tổ quốc, chàng trai Nguyễn Xuân Thành nhập ngũ khi vừa học xong lớp Chín. Cô gái Trần Thị Thái tiếp tục sự nghiệp học hành, thi vào Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Khoa Tiếng Anh. Họ luôn có linh cảm đặc biệt về nhau và dành cho nhau tình cảm tốt đẹp.

Ngày đám cưới của anh Thành, chị Thái
Ngày đám cưới của anh Thành, chị Thái

Năm 1977, anh Nguyễn Xuân Thành từ chiến trường Đông Nam bộ ra Bắc học bổ túc văn hóa lớp 10 để thi lấy bằng tốt nghiệp cấp III rồi thi tiếp vào Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cô gái Trần Thị Thái cảm phục ý chí học hành ấy, đã mang sách vở đến đơn vị cho bạn ôn thi. Tình cảm lứa đôi lúc này thêm phần đậm đà. 

Năm 1979 chị tốt nghiệp đại học, được phân công lên vùng núi dạy Khoa Tiếng Anh, Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc, tham gia giảng dạy các lớp đào tạo giáo viên tiếng Anh cho các trường phổ thông bảy tỉnh miền núi phía Bắc.

Anh bảo vệ luận văn tốt nghiệp Đại học Tổng hợp vào tháng 8/1981. Ngày 2/9, anh về Bắc Giang đưa bố mẹ đi làm lễ ăn hỏi. Đến 25/10/1981, hai gia đình tổ chức lễ cưới cho đôi lứa sau nhiều năm yêu thương, gắn bó. 

Gia đình ly tán

Cuộc sống hôn nhân của hai anh chị những năm đầu đầy gian khó, truân chuyên. Thời điểm đó, không phải ai cũng được phép chọn ngành nghề, chọn nơi làm việc.

Lấy nhau có hai mặt con rồi mà suốt 10 năm trời, gia đình anh chị được nhóm xã hội học khảo sát xếp vào nhóm “gia đình ly tán” vì anh là giảng viên Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng ở Hà Đông (thuộc Hà Nội bây giờ), chị và các con ở Bắc Giang. 

Giữa những năm 1980, anh được điều động lên biên giới, tăng cường cho Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 52, Sư đoàn 337 phòng ngự chống quân Trung Quốc xâm lược ở khu vực bình độ 400m Bắc Cao Lộc - Lạng Sơn. Cuộc hôn nhân sống trong xa cách làm cho đôi vợ chồng trẻ càng thương nhau hơn, không “xa mặt cách lòng”. 

Có một kỷ niệm anh chị hay kể, đó là khoảng thời gian đầu năm 1988, tiểu đoàn của anh được rút về tuyến 2, nhưng anh được tổ chức gọi trở lại học viện có công việc quan trọng. Khi rẽ qua nhà thăm vợ con, đứa con gái út xa bố lâu ngày không nhận ra anh. Hồi ấy, anh bị sút gần chục cân, đời quân ngũ vất vả, mặt mũi vêu vao đen sạm…

Con gái cứ ngồi tít trong góc giường, không chịu bò ra cho bố bế, chị giấu nước mắt không để anh thấy. Lúc ấy trong lòng anh tràn ngập nỗi niềm thương xót vợ con. 

Nén nỗi lòng, anh lại lên đường nhận nhiệm vụ, tự nhủ, sau này sẽ bù đắp thật nhiều cho gia đình. Hằng ngày ngồi trong hầm trên chốt, anh rất nhớ nhà, chỉ biết gửi tâm tình vào những bức thư dán tem miễn phí của quân đội.

Ở quê, chị dạy học ở Bắc Giang, lương chỉ đủ mua hai tập phiếu ăn cho con nhỏ, vì thế ngoài giờ dạy học, chị phải may thuê, đan len thuê, nấu và bán chè đậu đen… Chị dậy sớm, thức khuya nỗ lực nuôi dạy con cho chồng yên tâm chiến đấu.

Khi màn đêm buông xuống, hai con đã ngủ ngon, xong xuôi mọi việc thì mới là lúc chị có thời gian để gửi gắm “hương đồng gió nội” nỗi nhớ anh. Những bức thư trao đi đổi lại cứ dày lên, chắp cánh cho chị và các con, để bám vào “điểm tựa” tinh thần, vượt qua khó khăn và xa cách.

Thời gian rảnh, “vợ chồng A Phủ” lại đưa nhau đi chơi
Thời gian rảnh, “vợ chồng A Phủ” lại đưa nhau đi chơi

Vượt khó để gần nhau 

Đến năm 1991, anh chị bàn nhau quyết tâm về Hà Đông để gia đình đoàn tụ. Thời điểm ấy, đó là một quyết định dũng cảm, bởi xin việc ở một nơi mới không hề dễ dàng. Chị không có được việc làm ở Hà Đông, phải chịu cảnh thất nghiệp. Và chị thất nghiệp thì đồng nghĩa với việc cả gia đình thiếu thốn, vất vả. 

Suốt mấy năm, anh vừa theo học lớp nghiên cứu sinh triết học, vừa tranh thủ ngoài giờ chạy xe ôm ở cầu Trắng (Hà Đông, Hà Nội) kiếm thêm chút tiền nuôi vợ con. Khó khăn, cực nhọc, nhưng anh không than thở, cứ thầm lặng làm việc, vui vẻ khi về nhà để vợ khỏi chạnh lòng. 

Năm 1994, chị mở lớp dạy tiếng Anh ban đêm tại nhà, mỗi tối hai ca, để cùng anh có thêm tiền nuôi dạy con cái, dành dụm cho gia đình.

Nhờ tận tình dạy dỗ, “tiếng lành đồn xa”, chị được Khoa Tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân và nhiều nơi khác mời dạy. Cuộc sống gia đình dần dần được có “của ăn, của để”, anh cũng đỡ vất vả hơn. 

Vợ chồng xa nhau thì thương nhớ, cố gắng để sớm được đoàn viên, nhưng khi được ở bên nhau, chuyện cơm áo gạo tiền, quan điểm dạy con… của vợ chồng có lúc va chạm, không tránh được bực bội, tranh cãi, giận dỗi…

Tuy nhiên những xung đột ấy cũng chỉ là nhất thời trong khoảng thời gian ngắn, vợ chồng luôn giữ lời nên chưa bao giờ xúc phạm nhau. 

Sau những lần tranh cãi, anh thường chủ động làm lành, nhận lỗi về mình. Anh tâm sự: “Có thiệt thòi gì đâu khi là người xuống nước trước để cho người phụ nữ của mình khỏi buồn phiền”.

Về hưu là khởi đầu

Đến nay, chàng trai và cô gái ngày nào đã lên chức ông bà với cuộc hôn nhân tròn 40 năm. Theo ông bà, kết quả ngọt ngào nhất của hôn nhân là cô con gái đầu đang làm ở phòng Marketing Kênh truyền hình K+, con gái út làm ở một công ty phần mềm tư nhân cùng cháu ngoại 11 tuổi. Ngần ấy năm bên nhau, ông bà vẫn như ngày nào: trân quý, e ấp, nâng niu xúc cảm của nhau. 

Thời gian rảnh rỗi, vợ chồng thường xuyên tổ chức “phượt” vòng cung Tây Bắc. Đến nay, ông bà đã cùng nhau đi năm chuyến thăm, tặng quà động viên anh em biên phòng và các đơn vị đóng quân trên biên giới. Tấm lòng rộng mở của ông bà khiến bạn bè, đồng đội cựu chiến binh cảm động, họ đặt biệt danh cho hai người là “vợ chồng A Phủ và Mỵ”. 

“Vợ chồng A Phủ” trên đường lên A Pa Chải trong chuyến chạy xuyên vòng cung Tây Bắc để thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng tuyến biên giới cực Tây Tổ quốc. Trong hơn chục chuyến đi này, ông thường mặc quân phục dã chiến của quân đội cấp. Bà cũng thích mặc đồ dã chiến, chỉ là không có phù hiệu, sao, vạch
“Vợ chồng A Phủ” trên đường lên A Pa Chải trong chuyến chạy xuyên vòng cung Tây Bắc để thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng tuyến biên giới cực Tây Tổ quốc. Trong hơn chục chuyến đi này, ông thường mặc quân phục dã chiến của quân đội cấp. Bà cũng thích mặc đồ dã chiến, chỉ là không có phù hiệu, sao, vạch

Mấy năm dịch bệnh hoành hành, “A Phủ và Mỵ” chăm chỉ luyện tập thể lực, tăng cường sức khỏe. Khi giãn cách xã hội, họ vẫn đều đặn luyện tập tại nhà. Ông bà bảo nhau, có sức khỏe mới có thể giúp đỡ con cháu.

“A Phủ và Mỵ” truyền cảm hứng cho bạn bè, người thân và con cháu về việc xem “tuổi về hưu mới là tuổi bắt đầu”, và khởi động những thói quen mới tốt cho sức khỏe, học hỏi và tích lũy thêm những kiến thức cho tuổi già vui vẻ.

Khi được hỏi về bí kíp của cuộc hôn nhân, vợ chồng “A Phủ và Mỵ” đều cho rằng: “Đó là nhờ niềm tin. Tin tưởng vào những điều tốt đẹp của cuộc đời và tin vào bản thân mình”. Có tin tưởng nhau nên xa nhau sẽ không bị “xa mặt cách lòng”, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tác động tiêu cực nào. 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI