Bàn ăn của cả nhà

29/06/2015 - 17:20

PNO - PN - Cuối tuần là bữa cơm của đại gia đình, khoảng sáu giờ chiều, hơn chục thành viên con cháu từ ba - bốn gia đình đã tụ họp đông đủ ở nhà ông bà, trong khi vợ anh thì chẳng thấy đâu. Do đặc điểm công việc, chị thường phải ở lại công ty làm trễ. Một phần vì ngại khi mọi người loay hoay nấu nướng, mình lại vắng mặt, khi mọi người ăn gần xong bữa, mình mới về đến nơi, nên chị có khi không về. Đối với anh, việc vợ mình không về trong bữa cơm nhà nội, hay về trễ, đều là một sự “vi phạm” những luật lệ bất thành văn trong gia đình. Dù anh là con trai thứ, nhưng học hành thành đạt hơn hẳn ông anh đầu, nên việc ngay trong chính nhà mình mà lại không “dạy vợ” được làm anh bực mình lắm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mấy lần không thấy con dâu thứ về ăn cơm, bà nội hỏi thăm. Không dám nói mình mệt mỏi vì những bữa cơm chung, chị chỉ nói xa nói gần rằng gánh nặng công việc cơ quan lẫn việc nhà lớn quá. Ý định là chỉ muốn mẹ đừng bắt lỗi và nếu được thì xin phép bà cho những lần về trễ tiếp theo. Nhưng chẳng ngờ, bà lại là người tháo gỡ cho chị. Bà bảo làm phụ nữ, đã mệt mỏi với đủ thứ chuyện không tên trong nhà, nay lại thêm việc ngoài xã hội, bà không bắt chị phải thêm cái gánh nấu cơm nhà chồng.

Đàn bà trong nhà không thông cảm với nhau thì còn thông cảm được với ai. Trong bữa cơm nhà tiếp theo đó, mẹ chồng chị đã “mở đường” bằng cách giới thiệu món tráng miệng do con dâu thứ đã làm sẵn ở nhà mang đến. Bà bảo, thôi thì tùy thời, cũng không nên bắt buộc tất cả mọi người phải xúm vào một bếp, các con có mặt được ở nhà đã là quý lắm, mẹ chỉ mong sao ai cũng vui khi ngồi cùng nhau trong bữa cơm nhà…

Kể chuyện lại, bạn bè bảo chị gặp may có mẹ chồng cập nhật và thông cảm với con dâu, chứ ở bao nhiêu gia đình khác, việc giữ nếp nhà, trong đó có bữa cơm nhà, đã thành chuyện đau đầu. Ai cũng thấy cần phải giữ bữa cơm gia đình, nhưng đâu phải dễ. Bữa cơm người giúp việc nấu có phải là “cơm nhà” không? Nhiều khi, lý do để không ăn cơm nhà là vì “vợ cũng đâu nấu cơm”, “cơm do người giúp việc chuẩn bị và dọn lên sẵn”, ăn hay không ăn đâu phải chuyện quan trọng! Rồi bọn trẻ vướng giờ đi học thêm, học ngoại khóa, kéo theo cả cha mẹ chúng cũng phải đưa đón con.

Những khi hiếm hoi được sum họp với ông bà cha mẹ trong bữa cơm chung, thì bọn trẻ cũng đã quen với kiểu ăn fast food, mỗi đứa một phần ăn riêng, cắm cúi ăn và dán mắt vào màn hình ti vi, điện thoại, mặc kệ người lớn chuyện trò, nhắc nhở. Ăn xong, mỗi đứa rời bàn ăn tót ra một góc. Bọn trẻ không biết và không tự giác xung phong đi nấu cơm đã đành, những kỹ năng như dọn bàn ăn, sắp xếp chỗ ngồi… chúng cũng vô cùng thiếu hụt, dửng dưng. Có đứa được mẹ bới một tô, chan canh, bỏ cá lên và cứ thế bưng ra bàn ngồi vừa xem ti vi vừa ăn, “cho gọn”. Bữa cơm gia đình trở thành một thứ ràng buộc, cha mẹ bắt con cái phải chấp hành, con cái coi đó là một bữa ăn chẳng thích thú gì, miễn cưỡng ngồi vào bàn ăn cho xong nghĩa vụ.

Ban an cua ca nha

Tổ chức gia đình hiện tại đã có rất nhiều thay đổi so với mô hình truyền thống. Khi người phụ nữ bước ra gánh vác một phần công việc xã hội, có sự nghiệp riêng, đóng góp vào nguồn tài chính của cả gia đình, sẽ không công bằng khi đòi hỏi họ cũng phải chu toàn việc nhà, chợ búa cơm nước đầy đủ như ngày xưa. Các phương tiện hỗ trợ, hay người giúp việc nhà là những nhân tố mới trong quá trình tổ chức đời sống gia đình và tái phân công công việc. Tuy nhiên chẳng phải ai cũng dễ dàng chia sẻ điều này. Điều thường nghe thấy là “ngày xưa tôi đâu có người giúp việc…, ngày xưa làm gì có máy giặt…, thế mà vẫn…”.

Người ta có khi quá chú trọng vào việc “nấu cơm”, trong khi con người của thời hiện tại thực ra đã chú trọng hơn vào việc “ăn cơm”. Bữa cơm nhà do mẹ nấu tất nhiên là tình cảm, nhưng nấu ra mà không có ai ăn, hoặc vừa ngồi vào ăn đã nghe ca cẩm chuyện giá cả, chuyện việc nhà nặng nhọc, chuyện sao về trễ để cả nhà phải chờ cơm canh nguội ngắt…, thì cái ngon, cái tình cảm của bữa cơm cũng chẳng còn được mấy chút.

Xét cho cùng, tâm thế của người ngồi trong bàn ăn là quan trọng hơn cả. Con trẻ có thể học nhiều thứ từ bàn ăn của gia đình, từ chỗ mời người lớn ăn cơm, từ chỗ ăn trông nồi ngồi trông hướng, từ những câu chuyện kể bên bàn ăn, nên tới đâu và như thế nào là phù hợp… Tất cả những điều đó chỉ có thể có được nếu bàn ăn gia đình là nơi thoải mái, nơi mọi thành viên sẵn lòng chia sẻ và học hỏi. Bàn ăn nên được biến thành bàn-ăn- của-cả-gia-đình, để mỗi thành viên trong nhà đều có thể đóng góp.

Đó mới chính là bữa cơm của cả nhà, chứ không chỉ là bữa cơm, được nấu ở nhà, dọn trong nhà, mà thiếu cái tình gia đình làm nền tảng. Mỗi một ngày, mỗi một việc như dạy con giã một chén nước chấm, so đũa lấy muỗng cho mọi người, bới cơm, mời cơm… cứ tự nhiên mà ngấm vào từng thành viên, trở thành nền tảng tự nhiên, đến một lúc nào đó, sẽ thấy “ăn một mình đau tức…”, sẽ thấy cần bữa ăn chung của cả nhà như một hoạt động sống, qua đó người ta được nạp cả năng lượng vật chất và năng lượng tinh thần.

 NGỌC YÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI