6g30, sau khi vợ lỉnh kỉnh xô bọc đưa con ra khỏi nhà, anh Võ Văn Hoài cũng xếp tấm lưới bỏ gọn vào bao bố, rồi treo bọc khoai lang luộc lên chiếc xe máy cũ nát chạy về phía khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An - nơi có các ao nước - để lưới cá. Anh Hoài từng là công nhân Công ty Điện tử Amtec trong khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM.
Thả lưới kiếm cá ăn qua ngày
Tấp chiếc xe vào miếng đất trống trong khuôn viên khu công nghiệp, anh Hoài móc chiếc chìa khóa vào nhánh cây kế bên rồi bắt đầu thả dép, lội xuống ao. Mất khoảng 20 phút, anh mới thả hết 100m lưới rồi lội ngược vào bờ với bộ quần áo ướt sũng, mở bọc lấy 1 củ khoai lang ăn, mắt không ngừng quan sát mặt nước.
|
Khu nhà trọ ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vắng lặng do hàng loạt công nhân trả phòng về quê hoặc đi tìm việc ở nơi khác - Ảnh: Tú Ngân |
Gần trưa, khi bộ quần áo trên người bắt đầu khô ráo trở lại, anh Hoài lại xuống ao kéo lưới lên. Không có gì. “Chắc do động quá, cá không dính” - anh nói. Anh Hoài lại gỡ từng mắt lưới, thả lần hai.
Ở 2 cái ao kế bên chiếc ao mà anh Hoài đang thả lưới, một số người đang câu cá. Anh Hoài cho biết, anh không dám thả lưới ở những ao đang có người câu do sợ động. Chỉ khi nào nắng gắt, người ta về hết, anh mới dám sang. Theo anh Hoài, những người đang câu cá ở các ao kia cũng là công nhân mất việc, đang lay lắt mưu sinh qua ngày. Anh nói: “Có mấy cái ao ở đây, tụi em chia nhau mà sống. Hôm nào nhiều người câu quá, em đi vô mấy ruộng xa phía trong kia”.
Từng là công nhân Công ty Điện tử Amtec trong khu công nghiệp Hiệp Phước nhưng từ sau tết Quý Mão 2023, công ty liên tục đói hàng. Hơn nửa số nhân công trong công ty bị cho thôi việc, số còn lại - trong đó có anh Hoài - làm ngày nào hưởng lương ngày đó. Tháng 8/2023, công ty gọi anh đi làm, nhưng được 4 ngày thì hết việc, phải nghỉ hơn 20 ngày qua. Trong 3 tháng của quý II, công ty không có việc nên anh về quê hái cam, gặt lúa thuê, nhưng công việc cũng lúc có lúc không. Đầu tháng Tám, anh xin được chân phụ hồ nhưng 1 tuần sau, cai công trình trốn biệt, quỵt lương. Anh đành mang lưới ra các ao bắt cá, chỉ mong có được bữa ăn hằng ngày. Vợ anh mang cá đi bán, được 25.000 đồng/kg. Thấy vậy, anh thả lưới cả ngày.
Buổi sáng, khi đưa con đi học, vợ anh Hoài chở theo cá, bán ở chợ chồm hổm gần trường học rồi ra ruộng gần đó hái đọt rau muống, ngọn nhãn lồng bán tiếp, đợi tới giờ đón con. 16g, sau khi đón con về phòng trọ, vợ chồng anh cùng nhau ra ruộng thả lưới bắt cá, mò cua, đến tối mịt mới về. Anh Hoài cho biết, ngày nào “trúng”, anh thu được khoảng 4kg cá, bán được 100.000 đồng, còn trung bình chỉ được khoảng 2kg, bán thêm rau thì được 70.000 đồng.
Quê anh Hoài ở tỉnh Hậu Giang. Hơn 10 năm trước, anh tới TPHCM làm công nhân với mong muốn đổi đời. Nhưng lương công nhân chỉ giúp anh tích cóp được chút ít để lo cho vợ con và gửi về lo cho cha mẹ già ở quê. Khi công việc ở công ty “bữa có bữa không”, anh cũng muốn về quê, nhưng nhà không có đất, cũng phải đi làm thuê nên anh ráng bám trụ chờ ngày công ty có nguồn hàng dồi dào. Khi được hỏi sẽ tính sao nếu công ty vẫn tiếp tục thiếu việc, anh cười buồn: “Em ước có tiền mua chiếc xe máy để chạy xe ôm, chở hàng cho người ta rồi dành dụm tiền mua cho vợ xe nước mía, lo cho con ăn học”.
Vừa chi tiêu tiết kiệm, vừa làm thêm
Chiều tối có mưa, con hẻm 58, đường số 5, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM càng vắng bóng người. Cả gia đình anh Cao Văn Đạt quây quần trong căn phòng chỉ khoảng hơn 10m2, giá thuê 1,3 triệu đồng/tháng. Bữa cơm tối của gia đình chỉ có 1 nồi canh rau tập tàng và mấy con cá khô chiên.
|
Nhiều dãy trọ ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM treo bảng “còn phòng” gần nửa năm nay nhưng không có ai đến hỏi thuê - Ảnh: Tú Ngân |
Trước đây, vợ chồng anh Đạt đều là công nhân ở Công ty TNHH PouYuen. Con lớn của họ đang học lớp Hai, còn con út đi nhà trẻ. Thu nhập hằng tháng của 2 vợ chồng khoảng 12 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, sau tết, công ty cắt giảm lao động, vợ anh Đạt phải ở nhà chăm con. “Vợ thất nghiệp, tôi cũng bị cắt giảm giờ làm, thu nhập chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tụi tôi tằn tiện lắm mới không phải lâm cảnh nợ nần” - anh Đạt kể.
Tuy chưa đến nỗi thất nghiệp, nhưng từ ngày công ty thu hẹp sản xuất, chị Nguyễn Thị Xuân - công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng, ở quận Bình Tân - phải đi phụ quán ăn gần nhà do bị cắt giảm giờ làm. Ban đầu, khi bị cắt giảm 3 ngày công/tuần, chị Xuân tìm nguồn thực phẩm về bán trên mạng kiếm lời. Thế nhưng, việc bán buôn ế ẩm, chị bèn nhận hàng về nhà may gia công, mỗi sản phẩm kiếm được 30.000 đồng.
Chị Xuân rầu rĩ: “Bây giờ, cầm cự được lúc nào hay lúc đó, chứ nghỉ việc thì sợ khó tìm được việc mới, bởi các công ty cũng không có nhu cầu tuyển dụng”.
Do mất việc, công nhân thi nhau trả phòng trọ. Dãy nhà trọ của bà Trần Thị Thuật ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân có 42 phòng nhưng hiện có hơn 10 phòng trống. Bà Thuật thở dài: “Hơn 20 năm cho thuê phòng trọ, đây là lần đầu tiên tôi gặp tình trạng ế ẩm thế này. Lúc trước, khách thuê đông lắm, nhiều người phải đặt cọc trước để giữ chỗ, còn bây giờ, có giảm giá cũng không ai thuê”.
Việc công nhân đồng loạt trả phòng khiến tiệm tạp hóa nhỏ của bà Thuật ế ẩm. Trước đây, bà mở tiệm để bán hàng cho công nhân, nhưng nay công nhân mất việc, rời đi hết, những người ở lại cũng thắt lưng buộc bụng do giảm thu nhập.
|
Công nhân mất việc về quê, buôn bán ế ẩm nên bữa cơm chiều của chị Thu Hương cũng chỉ có trứng và rau muống luộc - Ảnh: Tú Ngân |
Chị Thu Hương - bán tạp hóa gần khu nhà trọ của bà Thuật - cũng rầu rĩ do buôn bán ế ẩm. Chị cho biết, từ đợt dịch COVID-19 năm 2021 đến nay, công nhân thường xuyên mua chịu, nhưng nhiều người trong số đó bỏ về quê, chị không biết tìm đâu để đòi. Số công nhân còn lại cũng đi tìm việc khắp nơi, ăn uống tiết kiệm hết mức nên chị cũng không nỡ làm khó họ. Từ đầu năm đến nay, chị lỗ gần 100 triệu đồng. “Bây giờ, tôi chỉ bán hàng kiếm cơm qua ngày, chỉ mong mỗi tháng kiếm được 4 triệu đồng để đóng tiền thuê nhà, tiền điện nước” - chị Hương buồn rầu tâm sự.
* Kỳ tới: Đào tạo nghề mới, cải thiện hệ thống an sinh
Xu hướng tuyển người làm việc tự do, trực tuyến Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố bản báo cáo, cho biết, xu hướng làm những công việc theo yêu cầu trên nền tảng trực tuyến (gig work) đang gia tăng trên toàn cầu, tạo ra nguồn thu nhập chính cho nhiều phụ nữ và thanh niên, đặc biệt là ở các nước đang phát triển - nơi mà chỗ làm còn khan hiếm. Gig work là việc làm thời vụ, độc lập và không bắt buộc đơn vị tuyển dụng phải ký hợp đồng với người lao động, như nhập dữ liệu, thiết kế trang web, phát triển phần mềm… Theo báo cáo của WB, ước tính trên toàn cầu có 435 triệu người nhận việc làm theo yêu cầu trên nền tảng trực tuyến. Nhu cầu đối với loại hình công việc này đã tăng 41% từ năm 2016 đến quý I/2023. Tuy nhiên, xu hướng việc làm này đang làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn và quyền lợi của người lao động trong bối cảnh nền kinh tế tự do (gig economy) - nền kinh tế mà trong đó người lao động làm việc tự do thay vì làm cho các công ty theo cách truyền thống - đang phát triển mạnh. Ở các nước đang phát triển, gig work mang đến cho phụ nữ, thanh niên cơ hội tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, gig work là công việc tự do, không ổn định và thiếu sự đảm bảo của doanh nghiệp đối với sức khỏe, chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động. Theo WB, khoảng 50% số người làm gig work tham gia khảo sát không có lương hưu. Thanh Hằng |
Hơn 75% người lao động có thu nhập không đủ sống Tháng 8/2023, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023. Theo đó, chỉ có 24,5% người có tiền lương và thu nhập đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu; 75,5% người có thu nhập không đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. 11,2% người lao động phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập, 17,3% phải vay nợ thường xuyên. Cũng theo khảo sát trên, có 76,2% người lao động muốn được làm thêm giờ để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. TPHCM có 29 doanh nghiệp cắt giảm đông công nhân Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quý II/2023, cả nước có 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 24.500 người so với quý I/2023. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 562.641 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, riêng quý II có 357.513 người. Theo ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - tính đến tháng 7/2023, TPHCM có gần 4,7 triệu người lao động. Trong 7 tháng đầu năm 2023, TPHCM có gần 92.000 người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cũng trong thời gian trên, toàn thành phố có 29 doanh nghiệp cắt giảm lao động từ 500 người trở lên với tổng số gần 38.500 người, trong đó có gần 31.000 người không có chuyên môn kỹ thuật. Trong số bị mất việc, có 17.752 người trên 40 tuổi, chiếm 30%. Vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng cho công nhân UBND quận đã, đang phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm và các đơn vị có liên quan tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm ngay trong các doanh nghiệp có cắt giảm lao động để hỗ trợ việc làm cho những người trong diện bị cắt giảm. UBND quận cũng chỉ đạo áp dụng kịp thời các chính sách, chế độ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn; tổ chức các tổ công tác đến làm việc với chủ doanh nghiệp để đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động mất việc; giảm thuế cho những hộ kinh doanh nhà trọ bị giảm thu nhập; vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng trọ cho công nhân. Ngày 21/9, UBND quận Bình Tân sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm tại Nhà văn hóa Lao động quận Bình Tân (68 Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo A). Người lao động có nhu cầu tư vấn, tìm việc nên trực tiếp tham gia hoạt động này. Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, TPHCM Tú Ngân (ghi) Số người đã qua đào tạo chiếm 86,2% nhu cầu tuyển dụng Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cũng dẫn kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp ở TPHCM cần tuyển khoảng 145.000-155.000 người lao động, trong đó có 86,2% đã qua đào tạo. Cụ thể, nhân lực trình độ đại học trở lên chiếm 19,73%, cao đẳng chiếm 23,19%, trung cấp chiếm 24,42%. Theo nghiên cứu “Công việc được nâng cao nhằm thích nghi với một thế giới tự động hóa dựa trên AI” do Viện Nghiên cứu giá trị doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghệ máy tính IBM thực hiện và công bố vào tháng 9/2023, 42% lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam được khảo sát cho biết, ước tính có 35% lực lượng lao động của họ cần được đào tạo lại kỹ năng. Chủ doanh nghiệp chọn giải pháp đào tạo các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân sự đang có thay vì thuê nhân sự sở hữu những kỹ năng đó từ bên ngoài. Thanh Hằng |
Tú Ngân - Thu Lê