"Đội nắng" bám nghề hấp cá cơm

14/03/2023 - 10:08

PNO - Hàng tấn cá cơm được nhiều phụ nữ lớn tuổi rửa sạch hấp, phơi, đóng gói để bán trong nước và xuất khẩu. Nghề này giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi.

Những ngày này, tại thôn An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi) gần trăm lao động lớn tuổi làm không ngơi tay. Họ rửa, hấp, phơi, đóng gói cá cơm từ 6g tới chiều cho kịp nắng.

Cá cơm được cho lên khay để đưa vào lò hấp - ảnh Thanh Vạn
Cá cơm được cho lên khay để đưa vào lò hấp 
Cá cơm được rửa với nước muối vừa đủ độ mặn để đưa lên khay
Cá cơm được rửa với nước muối vừa đủ độ mặn để đưa lên khay

Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi) Nguyễn Hoài Thanh cho biết, nghề hấp cá cơm có từ hàng chục năm nay, đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế địa phương, nâng cao giá trị thủy sản sau khi đánh bắt.

Ngoài làm nước mắm, cá cơm được hấp, phơi, bán cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trên địa bàn xã có khoảng 15 cơ sở hấp cá cơm, mỗi cơ sở giải quyết việc làm từ 15 đến 20 lao động, mỗi ngày hấp khoảng 4 tấn cá tùy vào quy mô.

Hàng ngàn khay cá được phơi trên nền xi măng ven biển thôn An Vĩnh - ảnh Thanh Vạn
Hàng ngàn khay cá được phơi ở ven biển thôn An Vĩnh 

Trước khi hấp cá cơm, công nhân cho nước vào thùng, pha muối. Cá cơm tươi sống được đổ đầy vào giỏ, tập kết tại lò, 2 - 3 người phụ trách đem cá đi rửa sạch, loại bỏ cá không đạt yêu cầu.

Một người đàn ông đảm nhận việc cho củi vào lò, canh lửa, duy trì nhiệt độ, thêm nước, cho cá vào hấp.

Khi cá vừa chín tới ở nhiệt độ hơn 60 độ C sẽ sực nức mùi thơm, lúc này cá sẽ được đưa ra cho những phụ nữ bên ngoài mang đi phơi. Nếu nắng đẹp, cá cơm nhỏ phơi 1 nắng sẽ khô, cá cơm lớn phải phơi 2 nắng.

Cá cơm hấp, phơi khô, trong đó có cả loại 1 nắng được chọn lựa theo tiêu chí của thương lái: đẹp, không quá khô hoặc được loại bỏ phần đầu.

Một chủ lò cho biết, lò của bà hoạt động hết công suất mỗi ngày hấp được 6 tấn cá tươi, sau khi phơi khô sẽ thu về được 2 tấn cá khô.

Về giá cả, chủ lò hấp Nguyễn Thị Liêu (63 tuổi) cho hay, hiện tại giá cá cơm khô dao động ở mức hơn 50.000 đồng/kg.

Cho nước thêm vào lò hấp - ảnh Thanh Vạn
Cho nước thêm vào lò hấp 
Nam công nhân cho thêm củi vào lò để đảm bảo nhiệt độ - ảnh Thanh Vạn
Nam công nhân cho thêm củi vào lò để đảm bảo nhiệt độ 
Những khay cá thơm sực nức, bốc khói nghi ngút được đưa ra khỏi lò để phơi
Những khay cá thơm sực nức, bốc khói nghi ngút được đưa ra khỏi lò để phơi

Dưới ánh nắng chói chang, bà Đặng Thị Hoanh (72 tuổi) mồ hôi nhễ nhại liên tục bưng từng khay cá bốc khói nghi ngút, thơm dịu nhẹ đi phơi.

Bà Hoanh cho biết, chồng bà đã mất hơn 10 năm, bà có 5 người con, kinh tế gia đình khó khăn nên mỗi khi đến mùa vụ, dù sức khỏe không còn được như trước nhưng bà vẫn cố gắng đi làm để kiếm thêm thu nhập.

Lao động ở những lò hấp làm việc theo tháng, theo ngày và tính theo giờ. Mỗi giờ, những phụ nữ ở đây được chủ trả từ 25.000 đồng đến 35.000 đồng, tùy vào mức độ và vị trí làm việc. 

Phụ nữ lớn tuổi trong thôn tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm việc kiếm thêm thu nhập dù nghề này khá vất vả 
Phụ nữ lớn tuổi trong thôn tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm việc kiếm thêm thu nhập dù nghề này khá vất vả 
Những con cá cơm được tranh thủ phơi nắng để kịp bán cho thương lái 
Những con cá cơm được tranh thủ phơi nắng để kịp bán cho thương lái 
Lao động ngoài nắng thường được trả công từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng 1 giờ - ảnh Thanh Vạn
Lao động ngoài nắng thường được trả công từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/giờ
Ở thôn An Vĩnh có khoảng 15 lò hấp cá cơm, mỗi ngày hấp được hàng chục tấn cá
Ở thôn An Vĩnh có khoảng 15 lò hấp cá cơm, mỗi ngày hấp được hàng chục tấn cá 
Cá cơm sau khi phơi khô được tuyển lựa, đóng gói 
Cá cơm sau khi phơi khô được tuyển lựa, đóng gói 

Ông Nguyễn Hoài Thanh - Chủ tịch xã Tịnh Kỳ - cho biết, các lò cá hoạt động tùy thuộc vào sản lượng đánh bắt, tập trung trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hàng năm. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tùy vào đối tượng khách hàng mà có cách phơi phù hợp. Trung bình 1 lò hấp cá bán ra hơn 100 triệu đồng/ngày.

Về lâu dài, chính quyền xã Tịnh Kỳ đã kiến nghị với các cấp mở các khu làng nghề để tập trung duy trì phát triển ngành nghề nhằm giải quyết việc làm, đồng thời giải quyết đầu ra cho sản phẩm sau khai thác cho ngư dân.

"Để giải quyết vấn đề sân phơi cho người dân, hiện tại, quỹ đất của địa phương đang gặp khó khăn, chính quyền TP Quảng Ngãi đã quan tâm tìm hướng giải quyết, kêu gọi đầu tư phát triển ngành nghề này. Tuy nhiên các nhà đầu tư chưa mặn mà" - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho hay.

Thanh Vạn

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI