Bài xích vắc xin gây nguy hiểm cho con cái, cộng đồng

19/08/2024 - 06:19

PNO - Tiêm vắc xin giúp con người phòng, chống được nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thế nhưng, một số ông bố, bà mẹ lại đi theo trào lưu “nói không với vắc xin” khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật, tử vong, khiến bệnh có thể bùng phát thành dịch.

Cổ vũ nhau "không tiêm vắc xin"

Dịch sởi ở TPHCM đang diễn biến phức tạp và đã có bệnh nhi tử vong. Mỗi tuần, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận, điều trị gần 40 bệnh nhi mắc bệnh sởi. Hầu hết trong số này không được chích vắc xin ngừa bệnh sởi hoặc chỉ chích 1 mũi. Bên cạnh nhóm phụ huynh quên đưa con đi chích ngừa hoặc lo sức khỏe của con quá yếu, còn có nhóm phụ huynh theo trào lưu “anti vắc xin”, có chủ ý không cho con chích vắc xin phòng bệnh.

Tiêm vắc xin cho trẻ ở Bệnh viện Nhi trung ương ẢNH: N.THẠCH
Tiêm vắc xin cho trẻ ở Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: N.Thạch

Trào lưu bài trừ vắc xin đang ngày càng được cổ xúy trên mạng xã hội, nhất là Facebook. Trong các nhóm (group) trên Facebook, các cặp vợ chồng đua nhau khoe hình ảnh sinh con “thuận tự nhiên” tại nhà kèm theo chú thích “trẻ không cần tiêm chích bất cứ mũi vắc xin nào”. Điều chế ra vắc xin là thành tựu vĩ đại của y học thế giới, nhưng các ông bố, bà mẹ theo trào lưu bài trừ vắc xin lại cho rằng, tiêm vắc xin là đi ngược lại với sự phát triển “tự nhiên” của con người.

Họ lập luận rằng “đưa vắc xin vào cơ thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người; trong vắc xin chứa các thành phần “cực độc” như thủy ngân, nhôm, có thể gây ra các biến chứng thần kinh, tim mạch, tăng động, tự kỷ, thậm chí ung thư; tiêm vắc xin chính là tiêm chất độc vào cơ thể”.

Than thở trong nhóm Facebook “Hội không tiêm vắc xin đã thành công thực tiễn, chiến thắng dịch bệnh”, nhiều bà mẹ cho hay, dù đã né tránh nhưng y tế phường vẫn thường xuyên gọi điện yêu cầu đưa con đi tiêm; số khác lại phàn nàn và tìm cách đối phó với việc nhà trường yêu cầu cập nhật mũi tiêm. Tài khoản N.P.C. quả quyết: “Thà cho con nghỉ học hoặc tự học ở nhà chứ nhất định không để cho bất cứ ai tiêm thuốc đó vào người con trẻ. Các mẹ hãy dũng cảm bảo vệ con mình”.

Những phát ngôn sai lệch về vắc xin như trên khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Một phụ huynh cho biết, chị đã cho con tiêm “đầy một cuốn sổ” nhưng sau khi nghe những thông tin trên, chị vô cùng bối rối, không biết việc mình đưa con đi chích nhiều loại vắc xin thì có ảnh hưởng tới sức khỏe sau này của con hay không.

Thông tin về vắc xin đang bị "bẻ cong"

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - giảng viên cao cấp Trường đại học Y Dược TPHCM - nhận định, trên mạng xã hội, rất nhiều thông tin về vắc xin đã bị những người theo trào lưu bài xích vắc xin “bẻ cong”. Những thông tin này thường được lập luận sắc bén, kèm thông tin trích dẫn từ các nghiên cứu khoa học. Nhưng trong đó, chỉ có 1 phần sự thật, 9 phần còn lại thì mập mờ, giấu đi, làm thay đổi bản chất sự việc.

Sau khi được vận động, nhiều người dân đã đưa trẻ đến các cơ sở y tế ở quận Bình Tân tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi - ẢNH: S.V.
Sau khi được vận động, nhiều người dân đã đưa trẻ đến các cơ sở y tế ở quận Bình Tân tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi - Ảnh: S.V.

Ông dẫn chứng, thimerosal (thủy ngân) là một chất bảo quản, từng được dùng trong vắc xin với một liều lượng rất nhỏ nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn. Liều lượng này không gây bất cứ tác hại nào cho sức khỏe của con người. Ngoài ra, thủy ngân gốc ethyl trong vắc xin không gây hại tới sức khỏe như thủy ngân gốc methyl do có thể bài tiết nhanh chóng khỏi cơ thể con người. Hiện nay, trong nhiều loại vắc xin mới, người ta đã không còn dùng đến thimerosal. Các nghiên cứu trên thế giới cũng khẳng định, không có mối liên hệ nào giữa thimerosal tới chứng tự kỷ.

Theo ông, phong trào chống vắc xin không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác. Khi hãng dược AstraZeneca thừa nhận vắc xin ngừa COVID-19 của hãng có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp là đông máu, nhiều hội, nhóm chống vắc xin đã mượn thông tin này để tăng cường bài xích vắc xin. Tuy nhiên, so với tỉ lệ tai biến sau tiêm, vắc xin đã góp phần dập tắt dịch COVID-19 trên toàn cầu. “Trước khi có vắc xin ngừa COVID-19, thế giới có cả triệu người chết và nếu không có vắc xin, con số này còn gia tăng nhiều lần” - ông nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - khẳng định, số ca tai biến vắc xin chỉ chiếm chưa đến 1% trong số đã tiêm vắc xin, trong khi vắc xin đã góp phần đẩy lùi nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới, cứu sống hàng tỉ người.

Nhiều bệnh có nguy cơ thành dịch

Trong và sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, việc gián đoạn tiêm chủng và sự thiếu hụt vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã tạo ra “lỗ hổng” về miễn dịch. Đây là lý do khiến nhiều loại bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tỉ lệ tiêm chủng vắc xin sởi mũi 1 cho trẻ trên toàn TPHCM mới đạt hơn 89%, trong khi tỉ lệ bao phủ cần đạt là trên 95%. Hiện tại, TPHCM có 57 phường, xã thuộc 16 quận, huyện có ca mắc bệnh sởi.

Số ca mắc ho gà ở TP Hà Nội cũng gia tăng bất thường. Năm 2022, Hà Nội không ghi nhận ca mắc ho gà; năm 2023 chỉ ghi nhận 1 ca nhưng từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 215 ca. Năm 2021, cả nước chỉ có 6 ca bệnh bạch hầu; năm 2022 có 2 ca nhưng năm 2023, có đến 58 ca. Năm 2024, bệnh bạch hầu xuất hiện ở nhiều địa phương và đã có 1 nữ sinh ở tỉnh Bắc Giang tử vong. Từ tháng 6/2024 tới nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (TP Hà Nội) tiếp nhận gần 100 ca viêm não, trong đó có 1/4 số ca mắc viêm não Nhật Bản. Hầu hết các bệnh nhân này chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ số mũi vắc xin như khuyến cáo.

Những con số trên cho thấy hậu quả khôn lường nếu không có vắc xin, không tiêm phòng đầy đủ số mũi vắc xin. Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói: “Nhìn đứa trẻ ho gà ho sặc sụa đến xanh mặt, nhìn đứa trẻ bị viêm màng não đến yếu tay yếu chân, nhìn đứa trẻ mắc bạch hầu viêm cơ tim phải sống đời sống thực vật… mới cảm nhận được nỗi đau của việc không tiêm vắc xin nặng nề như thế nào”.

Các chuyên gia y tế lưu ý, những người bài xích vắc xin không chỉ tước đi tấm khiên bảo vệ sức khỏe con em mình mà còn gây nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng.

Huyền Anh

Xử lý những người tuyên truyền “anti vắc xin”

Theo HCDC, từ đầu năm 2024 đến ngày 14/8, TPHCM có 597 ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế. Trong đó, có 346 ca dương tính với sởi, gồm 153 trẻ ở TPHCM và 193 trẻ ở các tỉnh, thành khác, 3 ca tử vong. Trong khi đó, từ năm 2021-2023, toàn TPHCM chỉ có 1 ca bệnh sởi.

Sở Y tế TPHCM vừa triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát bệnh sởi, trong đó yêu cầu thanh tra sở kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp tuyên truyền “anti vắc xin” hoặc đưa thông tin sai lệch về vắc xin, gây hoang mang cho cộng đồng.

Một số nước phạt tù phụ huynh không đưa con đi tiêm vắc xin

Năm 2023, Pakistan đã ban hành một đạo luật mới liên quan đến vấn đề tiêm chủng. Theo đó, phụ huynh nước này không đưa con mình đi tiêm chủng có thể bị kết án 1 tháng tù và bị phạt 50.000 rupee Pakistan (khoảng 4 triệu đồng). Động thái ban hành luật là một trong những nỗ lực nhằm loại trừ bệnh bại liệt - căn bệnh đặc hữu ở Pakistan - khỏi đất nước này. Luật mới cũng quy định bắt buộc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh khác cho trẻ - gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, quai bị và rubella.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Pakistan và Afghanistan là 2 quốc gia còn lại trên thế giới vẫn còn bệnh bại liệt. Năm 2023, Pakistan đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh bại liệt hoang dã, trong khi năm 2022 ghi nhận tới 20 trường hợp. Tuy nhiên, có tới trên 62.000 phụ huynh, hầu hết sống ở tỉnh Sindh, đã từ chối tiêm vắc xin bại liệt cho con trong chiến dịch tiêm phòng bại liệt trên toàn quốc vào tháng 1/2023.

Tâm lý bài trừ tiêm chủng ở Pakistan đã ăn sâu vào nhận thức của người dân. Các giáo sĩ đã truyền bá tư tưởng cho rằng vắc xin là một âm mưu của phương Tây nhằm triệt sản trẻ em Hồi giáo. Ở một số khu vực, nhân viên y tế thực hiện tiêm chủng, thường là phụ nữ, cần phải có nhân viên bảo vệ đi cùng để đảm bảo an toàn.

Năm 2019, Ý cũng ban hành luật bắt buộc tiêm chủng cho trẻ em dưới 6 tuổi, do ghi nhận số ca mắc sởi tăng đột biến từ tháng Ba cùng năm. Cha mẹ có con 6-16 tuổi phải cung cấp bằng chứng đã chủng ngừa bại liệt, sởi, thủy đậu, rubella và quai bị trước khi đăng ký nhập học. Nếu không chấp hành, phụ huynh có thể bị phạt 500 euro (tương đương hơn 12 triệu đồng). Trẻ dưới 6 tuổi, không được tiêm vắc xin, sẽ bị cấm nhập học mầm non.

Tại Pháp, từ năm 2018, nước này bổ sung 8 loại vắc xin bắt buộc phải tiêm cho trẻ nhỏ gồm ho gà, sởi, quai bị, rubella, viêm gan B, cúm, viêm phổi và viêm màng não do mô cầu, bên cạnh mũi tiêm ngừa bạch hầu, uốn ván và bại liệt. Phụ huynh có thể bị phạt tù nếu không cho con chích ngừa.

Trước đó, Chính phủ Úc ban hành chính sách “không tiêm chủng, không trả tiền” (no jab, no pay). Chính phủ nước này sẽ không trả các khoản hỗ trợ chăm sóc trẻ em hoặc giảm thuế thu nhập cuối năm nếu gia đình có trẻ chưa chủng ngừa. Số tiền ước tính có thể lên tới hơn 9.600 USD/năm cho 1 cặp vợ chồng (tương đương hơn 200 triệu đồng). Giới chức cũng xử phạt các trường học tuyển sinh trẻ không tiêm phòng. Mức phạt vào khoảng 24.000 USD, tương đương hơn 580 triệu đồng.

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI