'Bài toán' xe đưa rước công nhân chưa có lời giải?

07/07/2017 - 11:30

PNO - Sau loạt bài “Trần ai những chuyến xe đưa rước công nhân”, báo Phụ Nữ đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc, đặc biệt là công nhân đang làm việc tại Công ty Pouyuen Việt Nam bày tỏ bức xúc về vấn đề này.

Ngày 6/7, phóng viên báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty Pouyuen Việt Nam về trách nhiệm, giải pháp của công đoàn trước thực trạng xe chạy ẩu, nhồi nhét công nhân… 

'Bai toan' xe dua ruoc cong nhan chua co loi giai?
 

- Để xảy ra thực trạng công nhân khốn khổ trên những chuyến xe đưa rước, công đoàn có trách nhiệm ra sao, thưa ông ?

- Ông Củ Phát Nghiệp: Bản thân tôi cảm thấy đó là một thiệt thòi cho công nhân và chúng tôi đã nhiều lần đấu tranh về vấn đề này. Phía công đoàn cũng tham gia nhiều cuộc họp, nghe công nhân phản ánh về vấn đề xe đưa đón và nhiều lần phản ánh lên ban giám đốc để xử lý. Dù vậy, hiện tượng xe chở công nhân quá tải vẫn tiếp tục.

- Vì sao thực trạng xe quá tải đã tồn tại hàng chục năm nay, nhưng công ty không có biện pháp cải thiện?

Ông Củ Phát Nghiệp: Thực ra, chỉ có một vài tuyến như Cần Đước (Long An), Bình Chánh (TP.HCM)... bị quá tải. Hiện, chúng tôi đang tính phương án tăng cường nhưng chưa tìm được xe. Việc tìm xe rất khó, bởi phải tìm xe ở địa phương, nếu địa phương có xe mà mình không thuê, lại đi thuê xe ở nơi khác thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Chúng tôi đang tính đến phương án vận động chủ xe ở địa phương đầu tư thêm xe để đáp ứng nhu cầu công nhân.

- Có hay không chuyện cắt bớt chuyến xe để trục lợi dẫn đến tình trạng công nhân bị nhồi nhét?

Ông Củ Phát Nghiệp: Theo tôi nghĩ việc này là có. Ví dụ, xe ở Đức Hòa có 20 chuyến, sau khi chở công nhân, họ nhận thêm hợp đồng chở bên ngoài, không về kịp. Tuy nhiên, hiện tượng đó không nhiều vì nếu kiểm tra hôm đó thiếu xe, nhà xe sẽ bị xử phạt rất nặng.

- Với vai trò chủ tịch công đoàn, ông đề xuất công ty đặt ra lộ trình như thế nào để chấn chỉnh tình trạng xe chở công nhân nhồi nhét, vượt ẩu?

UBND thành phố yêu cầu kiểm tra, xử lý tình trạng xe nhồi nhét công nhân 

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các ban ngành kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý tình trạng chở quá tải, cắt chuyến… đề cập trong loạt bài “Trần ai những chuyến xe đưa rước công nhân”.

Theo đó, Văn phòng UBND TP yêu cầu Sở GTVT, Công an TP, UBND Q.Bình Tân xác minh thông tin báo Phụ Nữ phản ánh, báo cáo về UBND TP trước ngày 15/7.

Ông Củ Phát Nghiệp: Ngay sau khi báo Phụ Nữ có bài viết phản ánh về thực trạng xe đưa rước công nhân ở công ty Pouyuen, chúng tôi đã có văn bản gửi cho các hợp tác xã và đơn vị vận tải yêu cầu không chở quá tải, không vượt ẩu. Nếu đơn vị nào bị công nhân phản ánh tình trạng trên chúng tôi sẽ cắt hợp đồng.

Những ngày qua, chúng tôi cũng đã tăng cường lực lượng giám sát hoạt động ở khu vực bãi xe. Với những xe quá tải, chúng tôi sẽ yêu cầu công nhân xuống xe và điều động xe khác đến chở.

Sắp tới, những chiếc xe xuất bến với chỉ 10 - 20 người thì chúng tôi sẽ yêu cầu tài xế giải thích lý do. Với những trường hợp còn công nhân đang làm việc ở cùng lộ trình tuyến đó, chúng tôi sẽ vận động công nhân ở lại chờ thêm 15-20 phút để khi đủ người xe mới xuất bến, tránh việc xe sau “gánh” xe trước.

Tôi cam kết trong vòng một tuần sẽ chấn chỉnh 100% không để xe quá tải xuất bến ra khỏi bãi xe Pouyuen. Chúng tôi khuyến khích công nhân phản ánh tình trạng xe vượt ẩu và xe quá tải để kịp thời xử lý. Ngoài ra, chúng tôi sẽ khảo sát, thống kê kỹ nhu cầu đi lại của công nhân, nếu thiếu xe chúng tôi sẽ tăng cường. Cùng với đó, chúng tôi sẽ siết chặt kiểm tra để không xảy ra việc cắt chuyến xe đưa rước công nhân.

Có đủ xe, sao vẫn chở quá tải?

Tôi đã có hơn 5 năm làm việc ở Công ty Pouyuen, cũng là từng ấy thời gian phải nếm trải cảnh tượng kinh hoàng trên các chuyến xe “bão táp”. Hằng ngày công nhân chúng tôi phải thức dậy từ 2 giờ sáng để chuẩn bị cơm nước cho gia đình, đến 3 giờ sáng phải lặn lội ra đường đứng đợi xe đưa đến công ty. Sau tám giờ làm việc, chúng tôi lại tiếp tục trở về trên những chuyến xe kinh hoàng ấy.

Thực trạng xe nhồi nhét, phóng nhanh, vượt ẩu đã được chúng tôi liên tục phản ánh trong nhiều năm qua, nhưng chưa được công ty giải quyết.

Theo tìm hiểu của tôi, mỗi ngày công ty có khoảng từ 15.000 đến 20.000 công nhân di chuyển bằng xe đưa rước, công ty có bố trí 400 xe để phục vụ như cầu này. Trên lý thuyết, 400 chiếc xe hoàn toàn có thể vận chuyển đủ 20.000 người với số lượng 50 người/xe. Vậy vì sao công nhân lại bị nhồi nhét đến 90 người/xe?

Chị T.N.T.T. (quê Tiền Giang)

Sao lại đổ lỗi cho công nhân?

Trong các cuộc họp với ban lãnh đạo, công đoàn công ty, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh chuyện xe cộ gây khổ cho công nhân. Thay vì đi tìm lời giải cho “bài toán” trên, công ty lại đổ lỗi do chúng tôi: “Ban đầu công nhân ở trọ lại nhưng sau đó họ thấy có xe tăng cường lên đông nên họ đi xe về hằng ngày dẫn đến xe quá tải” (trích lời ông La Đức Cường trả lời trên báo Phụ Nữ). 

Việc đổ lỗi như vậy gây bức xúc cho rất nhiều chị em công nhân. Chúng tôi mong muốn công ty nhanh chóng chấn chỉnh những bất cập, tiêu cực trong việc bố trí xe đưa đón công nhân để chúng tôi được làm việc tốt hơn.

Chị N.T.H. (39 tuổi, quê Đức Hòa, Long An)

Không thể đuổi công nhân xuống xe

Là tài xế lái xe đưa đón công nhân ở công ty Pouyuen, hơn ai hết, chúng tôi chứng kiến và cảm nhận được nỗi khổ của công nhân trên những chuyến xe nhồi nhét. Việc điều khiển một chiếc xe quá tải cũng là áp lực rất lớn với tài xế.

Theo dõi trên báo Phụ Nữ, tôi thấy cách trả lời của người đại diện công ty Pouyuen với dụng ý đổ trách nhiệm cho tài xế là không thỏa đáng. Việc tài xế phải chở công nhân quá tải là do việc điều hành xe ở công ty vẫn còn nhiều bất cập. 

Theo đó, vào những ngày công nhân làm việc tăng ca, những chiếc xe xuất bến trước 17g thường chỉ với 10 - 20 người. Trong khi đó, những chuyến xe sau phải gánh toàn bộ số người còn lại nên dẫn đến việc chở quá tải. Không chỉ vậy, nhiều hôm chủ xe còn tự ý giảm bớt chuyến với lý do xe hỏng bất ngờ rồi bắt chúng tôi “gánh” thêm khách. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi không thể từ chối nhà xe hay đuổi công nhân xuống mà phải gồng mình làm sai.

Anh V. (tài xế lái xe , tuyến Công ty Pouyuen - Long An)

Sơn Vinh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI