Tiếng ồn đinh tai, nhức óc
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM - cho biết, TPHCM hiện có 566 hộ với 735 nhà nuôi yến ở 17 quận, huyện, trong đó hơn 74% số nhà yến đặt ở huyện Cần Giờ.
“Việc nuôi chim yến ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh do tiếng ồn được tạo ra trong quá trình dùng âm thanh thu hút chim yến. Mặc dù đã có quy định về việc phát loa dẫn dụ chim yến nhưng vẫn còn tình trạng vi phạm” - ông nói.
|
Công nhân một cơ sở ở tỉnh Kiên Giang đang chế biến sản phẩm tổ yến để xuất khẩu - ẢNH: KIỀU DIỄM |
Sự xuất hiện của các nhà yến trong những năm gần đây ở huyện Nhà Bè ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Trong một thời gian dài, người dân sống ở đường Nguyễn Bình, tổ 10, ấp 1, xã Phú Xuân phải chịu tiếng ồn đinh tai nhức óc do hộ ông N.C. phát loa dẫn dụ chim yến. Nhận được phản ánh của người dân, lực lượng chức năng địa phương đã đến lập biên bản, yêu cầu ông N.C. phải tháo dỡ nhà yến, dừng việc phát loa. Theo quy định, nhà nuôi yến cách khu dân cư dưới 300m thì không được phát loa phóng thanh ở bất kỳ vị trí nào.
Ông N.V.N. (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) cho biết, trên đoạn đường dẫn vào nhà ông, đang có 7 căn nhà yến, căn gần nhất chỉ cách nhà ông vài chục bước chân: “Người lạ đến đây ngồi một lát là than nhức đầu do tiếng ồn quá lớn”.
Từ năm 2010, nhà yến bắt đầu xuất hiện ở huyện Cần Giờ với khoảng 20 căn nhưng đến nay, con số đã lên khoảng 500. Bên cạnh những lợi ích kinh tế và việc làm mà nghề nuôi yến mang lại thì sự xuất hiện nhà yến dày đặc cũng tác động tiêu cực đến đời sống của người dân do tiếng ồn đinh tai, nhức óc suốt ngày đêm từ các loa dụ yến.
Nuôi tự phát, quản lý gian nan
Nghề nuôi chim yến lấy tổ cũng phổ biến ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cách nay hơn 15 năm, gia đình chị Trần Tú Hồng (phường An Bình, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) bắt đầu nuôi chim yến. Họ chuyển đổi căn nhà 1 trệt, 1 lầu thành nhà yến. Chị kể: “Ban đầu, chim về ở ít, tôi chỉ thu được nửa ký yến thô, bán được 20 triệu đồng. Sau này, yến về nhiều, gia đình tôi thu mỗi đợt chừng 15kg, bán được khoảng 300 triệu đồng. Thu nhập từ nghề nuôi yến rất cao”.
Theo ông Nguyễn Thành Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang - người dân trong tỉnh bắt đầu nuôi yến từ khoảng 20 năm trước. Đến nay, toàn tỉnh có 3.000 nhà yến, đứng đầu cả nước về số nhà yến. Trước sự bùng nổ của nhà nuôi chim yến, tháng 8/2022, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về quản lý nghề này. Thế nhưng, việc quản lý vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra nhà yến, các chủ hộ nuôi hẹn lần khác đến hoặc không cho vào kiểm tra vì sợ ảnh hưởng đến việc sinh sống của chim.
“Gian nan nhất là việc quy hoạch, di dời nhà yến ra khỏi khu đô thị, khu dân cư. Yến là loài chim trời, thích sống ở môi trường phù hợp và có nhiều thức ăn. Không ai dám chắc rằng xây nhà yến lớn giữa đồng rộng, xa dân cư là dụ được chim yến vào ở. Do vậy, biện pháp khả thi nhất hiện nay là siết chặt quản lý, không cho phát triển mới hay cơi nới thêm nhà nuôi yến trong các khu đô thị, khu dân cư, nơi không cho nuôi yến theo nghị quyết của HĐND tỉnh” - ông nói.
|
Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể về cấp mã số nhà yến nên một số doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu yến sào cũng gặp khó khăn - ẢNH: KIỀU DIỄM |
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu - cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.500 nhà nuôi chim yến. Năm ngoái, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến. Căn cứ vào nghị quyết, cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định. Ông nói: “Những nhà yến đã hoạt động ở nội thành trước khi có nghị quyết vẫn được giữ nhưng không được cơi nới hay mở rộng thêm. Người dân không được xây nhà yến mới trong khu đô thị, khu đông dân cư. Về lâu dài, chúng tôi sẽ đề xuất di dời nhà yến ra khỏi nội thành, ra xa khu dân cư”.
Ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ - cho hay, việc nuôi chim yến thời gian qua mang tính tự phát nên bị người dân phản ánh rất nhiều về tiếng ồn. Sau khi HĐND TP Cần Thơ có nghị quyết quy định khu vực không được nuôi chim yến, việc quản lý thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sở vẫn khuyến cáo rằng, nghề nuôi chim yến không phải là thế mạnh của địa phương.
Phát huy hiệu quả nghề nuôi yến
UBND huyện Cần Giờ đã lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, trong đó sử dụng quỹ đất ở 4 xã gồm Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn để phát triển vùng nuôi chim yến. Vướng mắc nằm ở chỗ đến nay, TPHCM vẫn chưa có quy hoạch về vùng nuôi chim yến.
|
Cảnh giăng lưới tàng hình tận diệt chim ở tỉnh Phú Yên. Việc dùng lưới tàng hình bẫy chim đang đẩy người nuôi yến đến nguy cơ phá sản - ẢNH: ÚT NAM |
Theo ông Đinh Minh Hiệp, sở đang tham mưu UBND trình HĐND TPHCM ban hành nghị quyết quy định vùng được nuôi chim yến, hình thành vùng nuôi yến ổn định. Theo đó, các nhà yến nằm ngoài vùng được phép nuôi sẽ phải ngưng hoạt động hoặc di dời kể từ ngày 1/1/2025 theo quy định của Luật Chăn nuôi.
Ông cũng cho biết, việc quản lý nghề nuôi chim yến đang vấp phải một số khó khăn. Cụ thể, việc kê khai hoạt động chăn nuôi chim yến chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến công tác quản lý và dự báo tình hình sản xuất yến sào; chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng nhà yến nên không có căn cứ đầy đủ để cấp phép xây dựng nhà yến. Ngoài ra, Cục Chăn nuôi chưa tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể về cấp mã số nhà yến nên một số doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu yến sào cũng gặp khó khăn.
Lượng chim yến trong tự nhiên giảm đáng kể Ông Lý Minh Hoàng - chủ hộ nuôi yến ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - cho biết, do sự bùng nổ của nhà yến, lượng chim yến về tổ (trong nhà yến) rất ít, yến sinh sôi không kịp so với sự phát triển của các nhà yến mới, lượng yến tự nhiên cũng suy giảm. 1 năm trở về trước, hộ ông thu hoạch tổ yến được 3-4 đợt/năm nhưng hiện nay chỉ còn 2 đợt. Huỳnh Lợi |
Tại hội nghị “Đánh giá tình hình chăn nuôi chim yến và xây dựng dữ liệu nhà nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu” tổ chức tại TPHCM hồi tháng 2/2023, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi - cho biết, có 3 điều kiện cần và 3 điều kiện đủ để phát triển nghề nuôi yến hiệu quả.
Theo ông, 3 điều kiện cần gồm tổ chức sản xuất và quản lý yến theo chuỗi giá trị; gắn mã định danh và mã truy xuất nguồn gốc; đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn đối với cơ sở nuôi yến, đối với sản phẩm tổ yến. 3 điều kiện đủ gồm xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm tổ yến; cam kết mạnh mẽ và hợp tác với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tổ yến, với người nuôi chim yến; có sự ủng hộ vào cuộc của các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu chính ngạch. Ông cho rằng, xuất khẩu là quan trọng nhưng tiêu dùng của người dân trong nước còn quan trọng hơn. Do vậy, chất lượng hàng xuất khẩu thế nào thì nội địa thế ấy.
Sau 5 năm đàm phán, năm ngoái, Trung Quốc đã chính thức cho phép nhập khẩu yến sào Việt Nam bằng đường chính ngạch. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng đặt ra một số yêu cầu về bao bì, ghi nhãn, kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - thông tin, bộ đã giao Cục Thú y hướng dẫn các địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và các tiêu chuẩn.
Theo ông, Việt Nam là 1 trong 4 nước (bên cạnh Malaysia, Indonesia, Thái Lan) được Trung Quốc chấp thuận xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến, nhưng công tác quản lý nuôi chim yến hiện nay ở Việt Nam vẫn còn một số bất cập; việc sơ chế, chế biến các sản phẩm tổ yến chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Để khẩn trương khắc phục các hạn chế và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ tổ yến, ngày 30/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 595/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như chấm dứt tình trạng săn bắt chim yến trái phép; kiểm tra việc kê khai cơ sở nuôi yến, đăng ký mã số theo đúng quy định; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nuôi, phòng, chống dịch bệnh, quản lý nuôi chim yến; bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các sản phẩm từ tổ yến.
Bình Phước: Nhà yến phải cách khu dân cư 300m Toàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 1.400 nhà nuôi chim yến, trong đó có nhiều nhà ở được cơi nới để làm nhà yến. Trước sự bùng nổ của nhà yến và những tác động tiêu cực đến đời sống người dân, đầu tháng 7/2023, HĐND tỉnh Bình Phước đã ban hành nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến. Theo đó, vùng nuôi chim yến nằm ngoài khu dân cư và ngoài quy hoạch đất khu dân cư, đất quốc phòng, đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhà nuôi yến phải đảm bảo khoảng cách đến khu dân cư tối thiểu là 300m. Những người nuôi chim yến trước ngày nghị quyết này có hiệu lực nhưng không đáp ứng được quy định mới thì phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới. Ngọc Uyên |
Miền Trung: Lưới tàng hình tận diệt chim yến Trên các cánh đồng ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, những người làm nghề săn bắt thường xuyên giăng lưới tàng hình để bắt chim theo kiểu tận diệt, trong đó có chim yến. Ông Nguyễn Văn T. - chuyên bắt chim ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân - cho biết, ông đặt mua 1 tấm lưới trên mạng dài 50m với giá 200.000 đồng. Lưới này được gọi là lưới tàng hình, có thể bắt được mọi loài chim. Ông Lê Văn Bé - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên - cho biết, quy định hiện hành cấm sử dụng lưới tàng hình để đánh bắt chim trời. Nếu phát hiện hành vi này, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, những đối tượng bắt chim bằng lưới tàng hình thường đi ban đêm hoặc hoạt động ở nơi hẻo lánh nên việc xử lý gặp không ít khó khăn. Ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, những người nuôi chim yến đang rất bức xúc với nạn bẫy chim bằng lưới tàng hình. Ông Lê Hành - chủ nhà yến ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - cho biết, chim yến đang là món xuất hiện ở nhiều quán nhậu. Các đối tượng săn bắt trái phép bán giá khoảng 5.000 đồng/con chim yến nhưng có thể khiến người nuôi yến sạt nghiệp bởi khi chim mẹ ra ngoài kiếm thức ăn bị bắt thì chim con ở nhà sẽ bị chết. Hơn nữa, khi đàn chim trong tự nhiên bị tận diệt thì các nhà yến sẽ không dụ yến về làm tổ được. Út Nam - Quang Kiên |
Huỳnh Lợi - Sơn Vinh