Bài toán khó khi đối diện với tài nguyên rác thải

11/11/2022 - 09:14

PNO - Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam - Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Informa Markets vừa tổ chức hội thảo “Phân loại rác tại nguồn và công nghệ tái chế rác thải đô thị - cơ hội và thách thức”.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam - khẳng định: “Việc phân loại rác tại nguồn là nền tảng cho mọi loại hình tái chế hay xử lý chất thải, là “tối ưu hóa” nguồn tài nguyên này hướng tới nền kinh tế tuần hoàn”
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam - khẳng định: “Việc phân loại rác tại nguồn là nền tảng cho mọi loại hình tái chế hay xử lý chất thải, là “tối ưu hóa” nguồn tài nguyên này hướng tới nền kinh tế tuần hoàn”

Khi tài nguyên chỉ mang đi… chôn lấp

Hội thảo diễn ra vào ngày 9/11, tại TPHCM, thu hút trên 200 chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các công ty, doanh nghiệp, hiệp hội môi trường tham dự và bàn thảo về chuyện ứng xử với tài nguyên rác.

Theo “Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020” do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước, trung bình 64.658 tấn/ngày, trong đó TPHCM có hơn 13.000 tấn. Lượng CTRSH ước tính ở các đô thị tăng trung bình 10 - 16%/năm với tổng khối lượng phát sinh 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm, chiếm tới 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh của cả nước.

Cũng theo kết quả thống kê giai đoạn 2016-2019, tốc độ thu gom và xử lý CTRSH đô thị tăng trung bình 2%/năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện tại phần lớn CTRSH chỉ được xử lý bằng hình thức chôn lấp thô sơ, như tại TPHCM tỷ lệ xử lý bằng phương thức chôn lấp thô sơ lên đến 75%. Hiện, thành phố chưa có khu xử lý chất thải xây dựng, công nghiệp tập trung, chỉ có một vài đơn vị xử lý chất thải nguy hại bằng công nghệ đốt với công suất rất nhỏ, khoảng 60 tấn/ngày.

Theo giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam - sở dĩ còn có tình trạng này là do công tác xử lý CTRSH hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải. Đây là một sự lãng phí và thậm chí gây nguy hại cho môi trường khi lượng rác thải ra mỗi ngày một tăng lên. 

Tại hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến của các chuyên gia đã khẳng định, tái chế rác thải thành nguyên liệu, nhiên liệu thay thế, tận dụng tài nguyên rác thải là xu hướng tất yếu, trong đó phân loại rác tại nguồn là việc phải làm.

Phân loại rác tại nguồn: Phải làm ngay!

Hội thảo một lần nữa nhắc lại chuyện xử phạt hành vi không phân loại CTRSH tại nhà. Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022, quy định phạt tiền từ 0,5-1 triệu đồng với hành vi không phân loại CTRSH theo quy định, không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định đối với hộ gia đình và cá nhân.

Tuy nhiên, ngày 25/8 vẫn chưa phải là thời điểm áp dụng chế tài xử phạt, bởi việc thực hiện phân loại rác tại nguồn được thực hiện theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan. Theo đó, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các địa phương trên cả nước mới phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Thời điểm thực hiện cụ thể tại từng tỉnh/thành phố sẽ do UBND tỉnh/thành phố quyết định.

Về vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, không cần chờ đến cuối năm 2024, đặc biệt là khi rác thải tăng từng ngày, đòi hỏi cấp thiết phải có cách ứng xử đúng với rác. Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng - Phó viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - các cơ chế, chính sách trong phân loại rác tại nguồn và tái chế chất thải ở nước ta đã dần hoàn thiện. Nghị định 45 cũng là một trong những quyết sách cần có.

Trước đó, Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: “Chất thải rắn phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng và đất nước”.

Dù khung pháp lý đã có, nhưng vẫn còn một số rào cản trong phân loại tại nguồn và tái chế CTRSH. Đó là Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường mới được ban hành, các địa phương, doanh nghiệp hiện đang chuẩn bị thực hiện với nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ sở hạ tầng, nhận thức và ý thức trách nhiệm, nguồn lực. Chúng ta chưa có sự đa dạng trong công nghệ xử lý CTRSH, thiếu sự đồng bộ của các khâu trong quản lý chất thải, do đó khó có thể thúc đẩy việc phân loại tại nguồn một cách hiệu quả.

Nếu phân loại tại nguồn rồi, sau đó lại xử lý chung thì việc phân loại không có nhiều ý nghĩa. Chúng ta cũng chưa có ngành công nghiệp tái chế CTRSH chính thức, hiện đại, quy mô lớn. Ngân sách dành cho quản lý CTRSH còn khó khăn, ở nhiều địa phương quy mô phát sinh chất thải rắn nhỏ trong khi việc liên kết vùng còn hạn chế, nên khó thu hút các doanh nghiệp tư nhân với công nghệ hiện đại. Việc tổ chức lựa chọn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ quản lý CTRSH còn nhiều hạn chế, chưa được công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân…

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng khẳng định: “Việc phân loại rác tại nguồn, tìm kiếm giải pháp tái chế và xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu về môi trường, kinh tế - xã hội là điều hết sức cấp thiết hiện nay. Nếu coi rác là tài nguyên thì việc phân loại rác tại nguồn là nền tảng cho mọi loại hình tái chế hay xử lý chất thải, là “tối ưu hóa” nguồn tài nguyên này hướng tới nền kinh tế tuần hoàn”. 

Hoạt động truyền thông về phân loại rác tại nguồn của CITENCO được duy trì thường xuyên với nhiều phương thức đa dạng, phong phú
Hoạt động truyền thông về phân loại rác tại nguồn của CITENCO được duy trì thường xuyên với nhiều phương thức đa dạng, phong phú

TPHCM hiện có khoảng 20 - 25% phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Kết quả này chưa đạt mục tiêu đề ra do hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH hiện còn dàn trải, chưa tập trung; phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại, tỷ trọng rác do lực lượng dân lập thu gom cao (60%).

Mỗi ngày, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM  (CITENCO) cùng với hệ thống công ty dịch vụ công ích các quận huyện và TP.Thủ Đức, thu gom, xử lý hơn 40% CTRSH. Với trách nhiệm trong việc chung tay gìn giữ môi trường thành phố, chúng tôi có rất nhiều nghiên cứu, mô hình, giải pháp để thúc đẩy việc phân loại rác tại nguồn từ tổ chức hoạt động truyền thông, xây dựng mô hình thí điểm về thu mua, tái chế. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những bước đi thăm dò, thử nghiệm…

Nguyễn Thị Quế Lâm - Phó trưởng phòng 

Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng CITENCO

Tinh Châu

Nguồn: MTĐT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI