Bài toán hậu xuất khẩu lao động

08/09/2022 - 06:16

PNO - Những năm 1990, một số người quen của tôi đi lao động ở Liên Xô và các nước Đông Âu trở về luôn nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của hàng xóm.

 

Ngoài tiền để xây nhà cửa, mỗi người còn mang về xe máy, bàn ủi, xoong nồi, đồ trang trí - những thứ xa xỉ thời bấy giờ. Nhưng chỉ vài năm sau, phần lớn họ phải quay về với nghề nông, không mấy ai còn khấm khá. 

Những năm 1997-2000, phong trào đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia rầm rộ ở hầu hết các địa phương. Người đi đa phần là lao động phổ thông. Nhiều người đi một vài năm thì gửi tiền về để gia đình trả nợ khoản chi phí vay mượn trước đó, lại còn dư tiền để xây nhà cửa khang trang. Nhưng khi hết hợp đồng, trở về quê, họ lại rất khó sống. Có người tiếp tục tìm cách ra nước ngoài làm việc, có người lâm cảnh nợ nần...

Tôi có một anh bạn làm thầu xây dựng dân dụng quy mô nhỏ ở quê. Phần do thiếu vốn để mở rộng quy mô, phần vì muốn học thêm kỹ thuật, cách quản lý của nước ngoài, anh bèn dốc hết số tiền dành dụm được và vay mượn thêm để đủ chi phí đi lao động ở Nhật Bản. Sau mười năm làm việc ở Nhật, anh đã kiếm đủ số vốn mình cần và tích lũy được khá nhiều kiến thức về quản lý công trình. Khi trở về, anh trở thành một chủ thầu xây dựng lớn trong vùng.

Một cô bạn khác của tôi có lực học khá nhưng do gia cảnh khó khăn nên chỉ học hết bậc trung học phổ thông rồi nghỉ. Cô làm công nhân may vài năm, tích lũy tiền để sang Nhật lao động. Cô học tiếng Nhật không chỉ để vượt qua các khóa thi theo yêu cầu của nhà tuyển dụng Nhật mà còn gắng thông thạo ngôn ngữ này. Trong ba năm ở Nhật, cô làm phiên dịch cho nhà quản lý người Nhật và những người lao động từ Việt Nam mới sang nhà máy. Nhờ biết ngoại ngữ, cô được công ty Nhật giao về Việt Nam quản lý các cơ sở may gia công cho công ty. Bây giờ, cô đã trở thành một doanh nhân.

Nhưng những người như anh chủ thầu xây dựng và cô doanh nhân trên kia không nhiều. Phần lớn người ở quê tôi đi xuất khẩu lao động đều chưa có nghề nghiệp ổn định, đa số ở tuổi mới lớn. Không lâu sau khi tới Nhật Bản, Hàn Quốc, một số người chỉ khoe những kiểu tóc, bộ đồ thời thượng. Không ít gia đình nợ chồng nợ do vay mượn tiền lo cho con đi, chưa kịp kiếm đủ chi phí thì con đã bị trục xuất về nước do vi phạm kỷ luật lao động, bỏ trốn khỏi công ty…

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhìn nhận, sau 40 năm thực hiện chương trình xuất khẩu lao động, thành tựu đạt được cũng nhiều, nhưng cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết, như vấn nạn phá vỡ hợp đồng, ra ngoài làm “chui”, sống bất hợp pháp ở nước ngoài. Cục đang tập trung nhiều biện pháp để tăng tỷ lệ người lao động qua đào tạo, cả ngoại ngữ lẫn chuyên môn và ý thức tổ chức kỷ luật nhằm hạn chế tình trạng trên.

Song, theo chuyên gia về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cần phải giải thêm bài toán việc làm cho người lao động khi họ về nước. “Chúng ta cần phải tính toán, lựa chọn những nhóm ngành nghề phù hợp để đào tạo, đưa đi xuất khẩu lao động, ngày càng phải nâng cao tỷ lệ người lao động xuất khẩu có tay nghề cao. Nếu xuất khẩu lao động sang các thị trường tốt, khi người lao động trở về sẽ dễ dàng được các công ty trong nước tuyển dụng để có công việc ổn định, lâu dài, cuộc sống ấm no”, ông Trần Thanh Hưng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn lực Quốc tế - bày tỏ.

 Mỗi năm, cả nước có khoảng 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài với số tiền gửi về lên đến vài tỷ USD. Mỗi năm, cũng có hàng chục ngàn người lao động từ nước ngoài trở về trong nỗi bấp bênh. Vì thế, nếu tận dụng được những kỹ năng, kinh nghiệm làm việc mà họ học được từ các nước có nền kỹ thuật và quản trị tiên tiến, lợi ích từ xuất khẩu lao động sẽ được nhân lên rất nhiều lần. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI