Khi đánh bạo vay 45 triệu đồng thuê rẫy trồng 400 gốc cà phê, K’Hen - một phụ nữ dân tộc K’Ho, ngụ H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng xác định chẳng quan tâm chuyện nhiều người “nói ra”, rằng chị nên chấp nhận thực tế, tìm cách mưu sinh sao cho “vừa vặn” với hoàn cảnh gia đình. Nhưng K’Hen quả quyết, chị có lý lẽ riêng…
Cái bụng lỡ... ưng rồi!
Mười tám tuổi, K’Hen lấy chồng. Thấy K’Hen chịu mất ba chỉ vàng để cưới K’Biệc - người đàn ông bị vợ bỏ do khuyết tật ở mắt, làng xóm chê chị không biết chọn chồng. K’Hen mặc kệ, giải thích: “Cái bụng mình ưng rồi, biết làm sao”. Sau vài năm hôn nhân, đôi mắt K’Biệc mờ dần rồi chìm vào bóng tối, người đời lại xôn xao.
Từng giúp vợ mưu sinh bằng nghề hái lá thuốc, nhặt cành lan ra phố bán, K’Biệc “thất nghiệp” kể từ ngày bị mù. Gánh nặng sinh nhai dồn hết lên đôi vai K’Hen. Phụng dưỡng cha già hơn 80 tuổi và chăm sóc bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, mỗi ngày chị phải rời nhà thật sớm, đi xa hơn tìm việc.
Ai kêu gì làm nấy, khi rửa bát lúc hái chè thuê, mỗi ngày K’Hen kiếm hơn 100.000đ đắp đổi, lo cho các con. Cuộc sống ấy tuy túng khó song hẳn sẽ mãi bình yên nếu những đứa trẻ con K’Hen không lần lượt đưa tay dụi mắt ở cái tuổi lên chín lên 10…
Năm năm trước, một tối đi làm về, K’Hen bắt gặp K’Bửu - con trai đầu tức tưởi ngồi khóc. Chị hốt hoảng hỏi chuyện, K’Bửu đáp: “Mờ lắm, tức lắm, con không thấy chữ nữa”. Ngỡ ngàng quay sang chồng, K’Hen điếng người thấy anh tựa vào tường, nước mắt chảy ròng. K’Biệc thú nhận, trong một lần đi khám, bác sĩ bảo anh mắc chứng bỏng võng mạc - đồng tử chết dần, bệnh do di truyền và có thể di truyền.
|
K'Hen kèm con út K'Hoen học bài |
Nuốt cơn nghẹn, K’Hen dặn lòng sẽ kiếm thật nhiều tiền đưa con đi chữa bệnh. Nhưng, mong muốn chưa thành thì nửa năm sau, một xẩm tối, K’Hậu - con gái thứ hai bưng nồi cơm từ bếp đi lên nhà bỗng ngã đánh rầm. Quáng quàng chạy xuống xem, K’Hen sợ hãi nghe con phân trần: “Con tưởng đường lên nhà, hóa ra là cái tường”.
Cố ngăn cơn tức thở, K’Hen cúi người nhặt cơm vung vãi. Tâm can bấn loạn, chị bật dậy ù chạy lên nhà, nín thở mở tủ lôi bọc tiền ra đếm. Vài trăm ngàn đồng cắc củm dành dụm không cho phép K’Hen thực hiện chuyến đưa con về TP.HCM chữa trị. Thất vọng, K’Hen ném bọc tiền ra xa, ôm đầu gục mặt.
Ba tháng tiếp theo, trong giải pháp duy nhất, chị bắt tay… cắt giảm chi tiêu mỗi bữa cơm để “chuyến đi” được đến gần. Vậy mà, một chiều muộn phát hiện K’Hợp - con gái thứ ba đi học vẫn chưa về, K’Hen tìm con. Chị đến trường, ngỡ ngàng thấy con bé quơ hai tay trước mặt, khua khúc cây nhích từng bước chân dò dẫm. K’Hen đổ sụp người, nức nở.
Đêm ấy, nỗi đau đớn khiến K’Hen trút ưu phiền lên chồng: “Bụng em ưng anh từ đó đến giờ chưa hết ưng, nhưng em khổ tâm quá!”. “Tôi cũng không biết làm gì cho em bớt khổ” - K’Biệc run người, khóc theo vợ.
Mờ sáng, đợi vợ đi làm, bẻ khúc cây dò đường, K’Biệc mang sổ hộ nghèo lên Ngân hàng Chính sách H.Lâm Hà vay một khoản tiền rồi nhờ người báo tin cho vợ. K’Hen về, lập tức đưa chồng, ba đứa con cùng bé út K’Hoen mới năm tuổi xuống TP.HCM, đến Bệnh viện Mắt.
Tối đó về nhà, đầu K’Hen ong ong, váng vất từng lời của bác sĩ: “Ba đứa lớn đều mắc bệnh như cha, do di truyền”, “Út K’Hoen khả năng cao không tránh khỏi”, “Bệnh không chữa được, mổ sẽ mù. Kéo dài thời gian đồng tử chết bằng ăn uống, tẩm bổ mắt”...
Bấn loạn suốt đường về, K’Hen đâu hay K’Biệc toan tính thu xếp riêng. Anh muốn ra đi, biệt tăm để vợ được giải thoát. Hai ngày liền không thấy chồng, K’Hen đi tìm. Gặp K’Biệc ngồi ủ dột dưới gốc cây, chị nhào đến, đấm tay lên ngực anh: “Lấy nhau là trời ban, con cái xấu tốt cũng trời ban, anh bỏ đi sao đành. Mình em không chống nổi đâu”. K’Biệc xua vợ về.
May sao, không thuyết phục được chồng, nhưng K’Hen vừa quay đi, K’Biệc vội đuổi theo. Anh ôm chầm lấy vợ, xin lỗi, hứa từ rày sẽ đồng hành cùng K’Hen trong khả năng của mình. Khép lại ngày tháng mặc cảm, ngồi buồn, K’Biệc tập giúp vợ việc nhà.
Chống chọi với đàm tiếu
Hụt hơi mưu sinh, nhưng điều làm K’Hen khổ tâm không phải nghiệt ngã của hoàn cảnh, mà là sự đàm tiếu, khinh khi của xóm làng. Chị không nhớ nổi biết bao lần K’Bửu đang đi học bị người quen chặn lại: “Bày đặt chữ nghĩa, về mà lo đi xin ăn”. K’Bửu trả lời: “Con học giỏi, sao phải xin ăn”. “Sắp mù thì học gì. Cả nhà mù hết, có ngày kéo nhau ăn mày thôi” - người quen nói. Tức giận, K’Bửu lần về vứt cặp trước mặt mẹ, giậm chân: “Con không muốn đi ăn mày”.
Rồi K’Hậu xinh xắn, bị bạn bè “ghen tức”: “Đẹp mà mù thì ai thèm”… Những đứa trẻ thị lực chỉ thấy trong ba mét vẫn núm níu đèn sách, từng ngày tập quen với chọc ghẹo, cố quên đi lời đàm tiếu. Mỗi ngày đến lớp, các em mang theo đèn pin, soi tận từng con chữ, mặc ai ngạc nhiên, mặc ai nói gì.
Ôm xấp giấy khen của các con, K’Hen trầm tư: “Tôi cũng muốn dịu dàng, nhưng vì bảo vệ con, tôi buộc lòng cứng cỏi, mạnh mẽ, hung dữ”. Đó là lần con trai “chỉ điểm” người quen cay nghiệt mình, chị tìm gặp, tuyên bố: “Tôi còn sống sẽ không để con mình ăn xin đâu”. Với bạn bè con, chị “dằn mặt”: “Nếu còn làm phiền, cô sẽ mách nhà trường, mách cha mẹ con. Con biết bạn bất hạnh phải thương yêu, giúp đỡ thì mới là người tốt chứ”.
Bảo vệ con chỉ là chuyện trước mắt, K’Hen tâm sự, đã nghĩ xa hơn về tương lai các con, khi mà ngày mù lòa sẽ không sao tránh khỏi. Tháng 5/2016, K’Hen đánh liều, bạo gan đi vay 45 triệu đồng, thuê đất trồng 400 gốc cà phê. Mặc kệ người ta nói K’Hen dở hơi, dám vay tiền… làm lớn, thà kéo nhau đi xin ăn may ra… ổn định hơn! Chị đáp trả: “Nhà tôi đang phấn đấu vượt nghèo, không liên quan nhà ai”.
Chỉ tay về hướng vườn cà phê phải vài năm sau mới thu hoạch, K’Hen tươi rói, nhẩm tính: “Mỗi mùa, tôi dành trả nợ, còn lại cất tủ để chờ đúng thời điểm sẽ cho con học nghề”. Trong nhiều bữa cơm, vợ chồng K’Hen vờ đưa ra các giả thiết nghề nghiệp như xoa bóp, bấm huyệt, vót tăm và học chữ Braille, chị mừng vui khi các con đều tỏ ra hào hứng, quả quyết “con không sợ bị mù”.
K’Hen nói, chấp nhận hoàn cảnh đâu phải buông theo hoàn cảnh mà là biết phấn đấu, lo nghĩ cho ngày “xa xôi” kia. Bài toán của K’Hen - phép giải của nghịch cảnh, rồi đây, sẽ là “đôi mắt sáng” chị trao tặng cho con, để các con được vững vàng, tự tin bước đi trong bất kể gian nan nào.
Tuyết Dân