Bài thuốc trị cơn “đau đầu ngày tết”: Ai giữ tiền cho nhà êm ấm?

30/01/2022 - 05:50

PNO - Năm hết tết tới, người ta thường ngồi lại cộng sổ năm qua, chuẩn bị sắm tết và lên kế hoạch thu chi cho năm mới. Nhân vật có tên “tài chính” ảnh hưởng nhiều vào mối quan hệ vợ chồng. Quản tiền thế nào, xài tiền ra sao quyết định không nhỏ tới niềm vui, sự ấm êm trong nhiều gia đình.

 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Tay hòm chìa khóa kim cương

Lướt một vòng trên mạng xã hội sau khi hết thời gian giãn cách, phong tỏa, rất nhiều người đã viết “giờ mới nhận ra trước đây mình tiêu xài hoang phí quá”, hoặc “nhờ có dịch, phải thắt lưng buộc bụng mới nhận ra, 100.000 đồng vẫn có thể có bữa cơm tươm tất đủ ba món”. 

Chỉ một khoảng lặng, nhiều người đã nhận ra việc chi tiêu của mình không hợp lý. Điều này một lần nữa cho thấy quản lý tài chính trong gia đình không bao giờ là việc dễ dàng. 

Trên thực tế có rất nhiều đôi “bằng mặt mà không bằng lòng” trong việc tiền bạc. Chị Nguyễn Thủy A., ở chung cư Trương Đình Hội, Q.8, thường được bạn bè khen “có cuộc sống đáng mơ ước vì ở nhà chồng nuôi, chồng làm bao nhiêu nộp hết cho vợ”. Tuy nhiên, chồng chị giao tiền cho vợ giữ, nhưng cứ vài ngày anh lại bắt vợ “sao kê” đã mua sắm, chi tiêu những gì. Chỉ cần không khớp  khoảng 2  triệu đồng là chị A. phải lục mọi trí nhớ để “giải trình”.

Anh K. chồng chị rất chặt chẽ trong chi tiêu. Do vậy, anh bắt chị làm một sổ thu chi và cập nhật mỗi ngày. Thế nhưng, bận rộn việc chăm sóc nhà cửa, hai con và tính không chi li được nên chị A. thường quên ghi chép. 

Vì lẽ này mà chị A. được cầm tiền nhưng luôn bị áp lực từ ông chồng “tay hòm chìa khóa kim cương”, tiền vào là… khỏi ra. Vậy mà, mỗi khi khách đến nhà, anh K. hay nói: “Tiền mình làm nhiêu đưa hết cho vợ, vợ cho lại bao nhiêu thì cho”. 

Bên cạnh việc quản lý tài chính thì có một mâu thuẫn khác gặp ở nhiều cặp đôi chính là cách phân bổ chi tiêu. Vợ chồng anh Trần Đình D. - trưởng phòng nhân sự một công ty nước ngoài - thường chu cấp tiền cho cha mẹ của anh (với nhà vợ anh cũng làm như vậy). Mỗi lần anh cho tiền ba mẹ là vợ chồng lại dậy sóng. Bà xã hay nhằn: “Anh làm việc cực khổ, con của mình học ở nước ngoài cũng phải tiện tặn, vất vả. Mà tiền anh cho ba má bao nhiêu, ba má đều cho những đứa em, trong khi tụi nó lười biếng, sống bám. Em không thể chấp nhận”. 

Dù anh D.  không đụng vào khoản chi dành cho gia đình, mà đây là khoản thu nhập thêm của anh, và tiền cho cha mẹ thì tùy ông bà sử dụng. Vậy nhưng, vợ anh vẫn giận hờn, gây gổ khi biết chồng biếu tiền cha mẹ. Thậm chí, chị từng phản đối bằng cách bỏ nhà đi khiến cha con anh D. phải cuống cuồng đi tìm.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Tiền ai nấy giữ

Nhà chị Trần Ngọc H. - nhân viên phòng hành chính của một bệnh viện thì tiền ai nấy giữ, cũng là cách quản lý tài chính mà họ thấy hiệu quả và thoải mái. Chị H. kể: “Giống như nhiều đôi mới cưới, tôi là người quản lý ngân quỹ trong nhà. Tính tôi rất phóng khoáng và lại không khéo vén nên chi tiêu khá rộng tay và không hợp lý. Mỗi lần lên mạng là tôi như lạc vào ma trận thế giới hàng online, đặt mua tá lả”. Vì vậy, tôi nhờ chồng tôi quản tiền vì tính anh khá tỉ mỉ và tiết kiệm. Nhưng chồng tôi không đồng ý, vậy là chúng tôi chọn cách tiền ai nấy giữ.

Tuy không phân chia, nhưng lâu nay gia đình chị vận hành theo: chợ búa, điện nước vợ chi, còn chuyện học hành của con, hay mua sắm những món lớn thì chồng lo. “Nói vậy chứ chúng tôi cũng đổi “vai” hoài, ai tiện gì thì chi. Căn bản là chúng tôi tin nhau, nên không cần phải “thủ”, hay sợ tiền của nửa kia mình không quản, sẽ bị thất thoát. Mà từ khi xài tiền riêng tôi đã chi tiêu biết tiết kiệm hơn vì thấy tiền mau hết quá, nên phải tự điều chỉnh”.

Nhiều người vẫn quen với suy nghĩ: kết hôn xong, vợ là người nắm giữ, quản lý tài chính. Tuy nhiên xã hội ngày nay cũng có nhiều người đàn ông cũng thích tự quản lý tiền của mình, hoặc họ có khả năng quản lý tài chính tốt hơn và đảm nhận vai trò đó sau khi kết hôn. Nhưng điều này dễ làm người vợ bị tổn thương vì các chị thường đồng nhất quan điểm “không cho vợ giữ tiền là không yêu và không tin vợ”.  

Chi Ngọc Diễm - một cô gái Việt làm dâu Nhật từng rơi vào trạng thái này vì xung đột tài chính với chồng. Anh Yuki chồng của Diễm không cho chị giữ tiền đơn giản là vì anh quản lý tài chính rất tốt. Còn chị Diễm không có thói quen lẫn kiến thức quản lý tài chính. Bên cạnh đó, chị Diễm xem việc nuôi ba mẹ chị là chuyện đương nhiên của con cháu. Ban đầu chị tổn thương và tức giận vì nghĩ “anh không yêu mình bằng túi tiền của anh ấy”.

Trong khi thực tế, anh Yuki lớn lên trong một nền văn hóa mà tiền là vấn đề rất cá nhân, ai cũng có khả năng kiếm tiền và có quyền chi tiêu. Anh không hiểu tại sao người ta cưới nhau mà cứ nhòm túi tiền của nhau, đòi quản tiền của nhau. Phải sau một năm, chị Diễm mới hiểu vấn đề và giải thích cho Yuki: “Anh không hiểu được vì ba mẹ anh có lương hưu, không cần dựa vào ai. Còn ba mẹ em làm nông, không có lương hưu, bao nhiêu tiền lo cho con cái hết rồi, nếu giờ em không chăm ba mẹ thì chẳng lẽ hàng xóm chăm?”. Câu nói này khiến anh Yuki hiểu ra ngay và chị Diễm nhận ra “tình cảm thì cần lý giải bằng tình cảm (dù chuyện tình cảm đó liên quan đến tiền), chứ lý lẽ với nhau, hoăc nhập nhằng giữa hai thứ này thì vợ chồng rất dễ phát sinh mâu thuẫn kéo dài”. 

Ảnh SHUTTERSTOCK
Ảnh SHUTTERSTOCK

Tin tưởng mới giao tiền? 

Có không ít cặp đôi dễ nhầm lẫn giữa quản lý tài chính và quản lý lòng tin, tình cảm. Nhiều người quen với việc cưới xong là chồng phải giao hết tiền cho vợ. Nhiều chị em vẫn xem việc được giao tiền là thước đo lòng tin.  

Thực tế cho thấy, nhiều bà vợ phát hiện chồng có quỹ đen thì quy ra hàng loạt tội: chồng mờ ám, không trung thực, không tôn trọng, không yêu vợ và  tin vợ. Suy nghĩ này đã hành hạ người vợ và khiến họ chìm trong hoài nghi, tổn thương và đau khổ.  

Gia đình anh Lê Công T., ở P.An Lạc, Q.Bình Tân, cũng đang rối ren cũng vì tài chính. Anh T. làm công cho một xưởng ở Q.Bình Tân với thu nhập 500.000 đồng/ngày. Vợ anh làm công nhân may, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Vợ chồng lên kế hoạch dành dụm để 
ra riêng.

Mỗi ngày anh đi làm về nạp cho vợ đủ 500.000 đồng, sáng được vợ phát 50.000 đồng để ăn sáng, hút thuốc, đổ xăng. Và bất kể trời nắng hay mưa, việc của anh T. là phải nộp đủ tiền. “Bữa nào bạn bè mời đám tiệc, nghỉ làm đi dự là bị vợ cằn nhằn nhức cả óc” - anh nói. 

Vợ siết tiền quá chặt nên anh T. đã lập quỹ đen. Mỗi ngày anh ở lại xưởng làm thêm vài giờ,  hoặc theo xe ba gác chở hàng của anh trai, đi 1-2 chuyến gần đã bỏ túi được 100.000 đồng. Số tiền này anh T. giấu trong yên xe máy. Và anh dùng quỹ đen vào đúng một việc “thuê mình”. Hôm nào muốn nghỉ sớm đi đám tiệc thì anh T. trích quỹ đen bù vào cho đủ 500.000 đồng để chiều về nộp vợ. 

Phương án này trót lọt hơn một năm, nhưng gần đây vợ anh T. phát hiện ra quỹ đen của  chồng và chị cho rằng chồng gian dối, để tiền tư riêng, thiếu trách nhiệm với gia đình. Nghĩ mình đã sống hết lòng, hết trách nhiệm với vợ con mà vợ còn không hiểu, trong cơn tức giận, anh T. thấy vợ đối xử với anh quá tệ, xem như một người làm công, chứ không phải chồng nên anh đã bỏ về nhà cha mẹ.

Ngày tết, khi nhu cầu về tài chính tăng lên thì xích mích liên quan đến tiền ở các gia đình cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Vì muốn thỏa mãn những ý muốn riêng, nhiều người chọn cách giữ tiền, ém tiền. Nhiều người không có “quỹ đen” thì lại dễ sa vào “đòi quyền lợi” bằng cách tranh cãi với bạn đời về cách phân bổ chi tiêu, mua sắm, cho biếu cha mẹ, bạn bè...

Quản lý tài chính gia đình là một bài toán khó, và dịp tết trở thành một “kỳ thi toán” siêu khó mà các cặp đôi phải ra sức giải. Xem chừng, để giải bài toán này không chỉ cần đến năng khiếu, mà phải có kiến thức, kỹ năng và một tư duy rất rõ ràng, minh bạch về tài chính. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI